Aa

Những "cú huých" nào sẽ tác động vào kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021?

Thứ Bảy, 23/01/2021 - 06:00

Lạc quan hay diễn biến thiếu tích cực trong bức tranh kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố như: Khả năng kiểm soát dịch Covid-19, các chính sách điều hành nền kinh tế của Chính phủ…

Vượt qua cú sốc của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,9%, lọt vào danh sách các nước có mức tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều kỳ vọng mới trong phục hồi và phát triển. Song, rõ ràng, dù đưa ra một kịch bản lạc quan, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều nhân tố có thể làm chuyển biến toàn bộ gam màu tươi sáng hay trầm lắng.

Tại một hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh:  “Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025”.

Để có góc nhìn rõ hơn về những nhân tố có thể tác động đến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021, Cà phê cuối tuần xin giới thiệu chia sẻ của TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

KINH TẾ 2020: MỘT NĂM NHÌN LẠI

PV: 2020 được đánh giá là một năm có rất nhiều sự kiện đặc biệt. Nhìn lại một năm đó, đâu là những thành tựu kinh tế nổi bật mà Việt Nam đạt được, thưa ông?

TS. Đặng Đức Anh: Kinh tế Việt Nam năm 2020 biến động trong một bối cảnh đặc biệt. Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và tác động mạnh tới các nền kinh tế quốc gia. Tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929 - 1930.

Tuy nhiên, năm 2020, thành tựu rất lớn của Việt Nam là đã thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa kiềm chế được dịch bệnh vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhìn rộng ra các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể nói, đây là thành công vô cùng to lớn của Việt Nam. Ngay cả các nền kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng âm. Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế GDP năm 2020 đạt 2,91% và đây là con số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam còn được đánh giá là có sức chống chịu tốt.

Kết quả kinh tế này giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng ta bị đình trệ không quá lớn, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh quay lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh giúp nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.

PV: Thành tựu mà Việt Nam đạt được có phải đến phần lớn từ các chính sách ứng phó với tác động của dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế mang lại, thưa ông?

TS. Đặng Đức Anh: Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tài khoá, hỗ trợ nền kinh tế. Các biện pháp tài khoá có thể kể tới như gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng; các biện pháp giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; các biện pháp khác bao gồm miễn thuế cho thiết bị y tế…; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng; Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trị giá 686 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9%GDP.

Các biện pháp tiền tệ gồm: Hạ lãi suất ba lần vào ngày 17/3, 13/5 và 1/10/2020; NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian cho vay, giảm/miễn lãi, miễn lãi cho vay; NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phân luồng tín dụng cho 5 thành phần kinh tế ưu tiên và đẩy nhanh cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chính đáng của các cá nhân, hộ gia đình.

Các chính sách ứng phó trong năm 2020 được xem là phù hợp với diễn biến thực tế, phù hợp với năng lực tài khoá và khả năng duy trì ổn định vĩ mô.

Theo đó, Việt Nam có dư địa tài khoá đáng kể để thực hiện các biện pháp ứng phó với cú sốc Covid-19. Chính sách tài khoản cẩn trọng theo đuổi nhiều năm qua đã tạo ra dư địa tài khoá với lượng ngân quỹ đáng kể được tích luỹ - khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Các biện pháp hỗ trợ như miễn, hoãn, giảm thuế, phí lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ gói an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công được đánh giá là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc giảm nguy cơ phá sản doanh nghiệp, tăng cầu tiêu dùng và đầu tư cho nền kinh tế. Trong khi đó, các biện pháp tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo giữ vững được ổn định vĩ mô...

KỊCH BẢN KINH TẾ VIỆT NAM 2021 PHỤ THUỘC VÀO CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ

PV: Có nhiều kịch bản kinh tế được đưa ra cho Việt Nam trong năm 2021. Theo quan điểm của ông, bức tranh kinh tế năm 2021 sẽ nghiêng về kịch bản nào?

TS. Đặng Đức Anh: Năm 2021, kịch bản kinh tế của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào các chính sách của Chính phủ. Tôi đang nghiêng về các điều kiện không có nhiều thay đổi so với 2020. Một số tiềm lực như đầu tư công có thể không được thúc đẩy mạnh mẽ như 2020. Do đó, một số dự báo trước đây của các tổ chức quốc tế như 7% hoặc hơn 7% là hơi lạc quan.

Theo dự báo của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng theo kịch bản cơ sở khoảng 6,2%. Nỗ lực hơn thì con số này có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, rõ ràng các điều kiện hiện nay đang khó khăn, đòi hỏi hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ.

PV: Những nhân tố nào có vai trò then chốt trong việc thay đổi kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2021?

TS. Đặng Đức Anh: Kinh tế Việt Nam được dự báo có khả năng phục hồi nhờ sự hỗ trợ của một số yếu tố. Trong đó, thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020 là một nhân tố nền tảng. Sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu.

Việt Nam cũng đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn. Rủi ro từ kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn bởi diễn biến của Covid-19 còn phức tạp và khó lường. Tác động của các chính sách kích thích, hỗ trợ kinh tế chưa thực sự hiệu quả. Khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã, đang trong tình trạng kiệt quệ do khó khăn kéo dài. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể sẽ cần nhiều thời gian.

Trong các nhân tố, tôi cho rằng yếu tố then chốt ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam là việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước có thể giải quyết khó khăn và phục hồi sức sản xuất. Hơn nữa, chúng ta có thể tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài để bù đắp suy giảm cho xuất khẩu.

Những động lực khác như đầu tư trong nước, đầu tư công vẫn cần đẩy mạnh. Nhưng rõ ràng hai yếu tố giảm chi phí của doanh nghiệp, giảm chi phí tài chính, thuế phí cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.

BỨC TRANH KINH TẾ VIỆT NAM TRONG TRUNG HẠN

PV: Vậy giai đoạn 2021 - 2025 có phải là gam màu tươi sáng với bức tranh kinh tế Việt Nam không, thưa ông?

TS. Đặng Đức Anh: Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều xu hướng lớn đã có sự thay đổi về tính chất và mức độ, ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Bối cảnh thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn do tác động của đại dịch Covid-19. Khả năng mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam trở nên khó khăn.

Trước việc “tái định hình” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi hơn xuất phát từ sự thay đổi của các điều kiện tham gia chuỗi. Bảo hộ thương mại và xung đột thương mại có xu hướng tăng mạnh trong và sau Covid-19 có thể thúc đẩy dịch chuyển vốn và gia tăng cơ hội thương mại với một số đối tác, nhưng cũng đưa Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro, thách thức hơn.

Việt Nam vẫn có những cơ hội, mặc dù cơ hội có thể thấp hơn giai đoạn trước đại dịch. Song, đây sẽ là cơ hội rất lớn nếu Việt Nam tận dụng được, đặc biệt là trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Trong những năm đầu có thể chưa đạt được như kỳ vọng nhưng nó sẽ là nền tảng rất lớn cho tăng trưởng dài hạn trong tương lai.

Có thể nói, Covid-19 cũng trở thành “cú huých” thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tăng trưởng khai thác thị trường trong nước. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trung bình sẽ đạt từ 6,3 đến 6,8%.

PV: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được nhắc đến nhiều lần từ những năm trước. Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi của Việt Nam? Điều gì khiến ông đánh giá đây là một nhân tố quan trọng làm thay đổi kịch bản kinh tế của nước ta?

TS. Đặng Đức Anh: Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã nói đến rất nhiều trong những năm trước. Đó là sự dịch chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Nhưng bước tiến triển của chúng ta dường như vẫn còn khá chậm trong thời gian vừa rồi.

Covid-19 đã đẩy nhanh hơn quá trình đó, thúc đẩy chuyển dịch các phương thức mới, mô hình kinh tế mới. Covid-19 có thể nói như một tác nhân dồn tất cả đến chân tường. Ngay cả trong phương thức quản lý của Nhà nước, Chính phủ cũng phải cải thiện, nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước, dựa nhiều hơn vào số hóa nền kinh tế, dịch vụ công, trực tuyến, cải thiện môi trường kinh doanh…

Tất cả những hoạt động này đều được đẩy mạnh nhiều hơn, nhanh hơn. Trước đây chúng ta đề ra giải pháp rồi nhưng việc thực thi rất kém. Cú sốc Covid-19 đã tạo ra sức bật để chuyển mô hình mà chúng ta đã từng đề ra và nếu thành công, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tươi sáng.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

"Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam vẫn là: Thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.  

Tăng trưởng GDP: Năm 2021, các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn tuy còn phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) Khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, (ii) Hiệu quả của các gói hỗ trợ, và (iii) Hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch (gồm cả khâu sản xuất và phân phối vaccine) và khôi phục kinh tế. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 dự báo có thể đạt 6,5 - 7%, tương đồng với dự báo của các tổ chức quốc tế".

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

“Năm 2021 là năm khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2020, và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030. Vì vậy, 2021 là năm có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế cho các năm tiếp theo. Do đó, việc đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 có vai trò quan trọng, để rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm 2021 và cho cả giai đoạn tiếp theo, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, chất lượng và bền vững”.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”.

Trích Báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top