Aa

Cử tri lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục

Thứ Hai, 21/10/2019 - 17:29

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nhận được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó nổi bật là những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường; quản lý nhà nước về đất đai; an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội

Tại phiên khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn cho hay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước từ sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đến nay.

Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thời gian qua đã tạo động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đã đạt được, cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng về nhiều vấn đề như tác động của chiến tranh thương mại, những diễn biến phức tạp ở Biển Đông; vấn đề quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp,…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chính quyền còn lúng túng trước các sự cố môi trường

Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, báo cáo nêu rõ, tuy công tác bảo vệ môi trường thời gian vừa qua đã được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định nhưng cử tri còn lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, đến mức có thể gây nguy hại cho sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị vẫn còn rất chậm. Khi có sự cố môi trường xảy ra, nhất là đối với các vụ cháy, nổ, việc xử lý của chính quyền địa phương còn lúng túng.

Trước thực tế này, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho hay, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xử lý và ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Tuy nhiên, một số quy định về đất đai còn bất cập, thủ tục rườm rà; chậm giải quyết việc chuyển đổi quyền sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài.

Tình trạng một số cán bộ bao che cho chủ đầu tư thực hiện dự án sai quy định, không bảo đảm chất lượng; một số “dự án treo” kéo dài nhiều năm vẫn tồn tại. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa quyết liệt và hiệu quả.

Qua đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm;

Ngoài ra, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích; sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Đất đai.

Ảnh: Báo Chính phủ

Năng lực quản lý yếu kém của một số cơ quan chức năng dẫn đến sai phạm

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri, nhân dân bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ với hành động liều lĩnh, manh động. 

Trong đó, tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cầm đồ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật gây lo lắng, bất an trong nhân dân; nhiều vụ việc lừa đảo thủ đoạn tinh vi với số lượng hàng ngàn tỷ đồng, hàng ngàn người là nạn nhân; tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc, tội phạm về ma túy với số lượng rất lớn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự tham gia của người nước ngoài và có dấu hiệu cấu kết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia. 

Cử tri đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, các địa phương có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm, tăng cường quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm đối tượng phạm tội.

Ngoài ra, sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý yếu kém của cơ quan chức năng, chính quyền một số địa phương cũng được ông Trần Thanh Mẫn nêu trong báo cáo. Cử tri phản ánh thực trạng này dẫn đến tình trạng sai phạm xảy ra trong triển khai các dự án khu đô thị, chung cư; việc tranh chấp về quyền lợi giữa người dân và chủ đầu tư tại nhiều khu đô thị, chung cư kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và uy tín của cơ quan, chính quyền các cấp. 

Cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ có liên quan đến sai phạm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chức năng nơi có công trình, dự án sai phạm. 

Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý nhà chung cư, khắc phục những bất cập, bảo đảm công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top