Aa

Củi lửa chờ xuân

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Năm, 27/01/2022 - 06:00

Bây giờ, trong vùng thêu dệt lại tỏ mờ, bảng lảng của những ngày chạm dần đến một cái Tết mới, tôi nhớ cái không khí của mấy ngày xôn xao dạo trước.

Nói sự củi lửa bánh chưng các nhà thì nhiều vẻ lắm, đôi khi không thật giống những bức nhiếp ảnh nõn nà đậm nét truyền thống có ông bà tóc trắng bạc hiền từ và đầy đặn, bố mẹ khỏe mạnh vui tươi, cháu con hào hứng vây quanh nồi bánh chưng hoành tráng, lửa vàng đỏ rực rỡ, bánh mướt mải xanh óng lên. Ngẫm lại thì những gia cảnh, những thời cuộc, thời điểm khác nhau nó khiến cho những việc thịt thà, tiêu mắm, gạo đậu cũng đa vẻ lắm. Và bởi thế mới là đời sống sinh động, muôn màu và thắm thiết, cho chúng ta đã trải qua thì còn bâng khuâng, còn chênh chao mỗi khi Tết xuân sắp về, lòng người tự dưng ngoái lại.

Thường hiện ra trong tôi hình ảnh bố tươi cười ngồi sau chồng bánh chưng xanh mượt mà, lạt buộc vuông vắn những chiếc bánh thành dày cao vun lên. Hồi đầu những năm 80, đời sống chung còn thiếu thốn, nhưng mỗi lần giở album ra xem lại, bức ảnh gợi cho tôi một cảm giác sung túc. Niềm mong đợi quanh tháng năm, dường như dồn vào giờ phút vun vén, đủ đầy như thế của mỗi gia đình. Những năm đó, tôi nhớ rằng ngoài Hà Nội, họ hàng nhà mình gói khá nhiều bánh. Có những cuộc mọi người cùng xúm vào làm luôn tay, nói cười hớn hở. Bà bác liền trên bố tôi, ở Pháp về chơi, trước đây nhiều năm mất liên lạc mới kết nối lại được với gia đình, nên suốt thời gian sau, bà thương các, em các cháu mấy chục năm ròng rã thiếu thốn, tằn tiện. Mỗi Tết về, bà bác muốn các nhà vui, đầm ấm, và đừng quên nếp nhà đùm bọc, san sẻ, nội ngoại chu đáo, lễ nghĩa mà cả đời các cụ đã gây dựng.  

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Ảnh: Nguyễn Minh)

Trong Hà Đông nhà tôi gói cũng nhiều. Và gắn với sự nhiều ấy luôn là cảm giác ê lưng rửa lá và buồn ngủ một trạng thái… vạ vật những buổi tối trông nồi bánh mà gần như không bao giờ đủ kiên nhẫn thức đến lúc dỡ bánh. Tất nhiên là hồi đó bố mẹ tôi còn khỏe nên là “lao động chính”, anh tôi lớn hơn chút có giúp được, còn tôi thì chỉ lăng xăng đầu sai thôi. Nhưng bây giờ ngồi nhìn lại, cũng thấy mình vô tư, vô tâm quá, và được chiều, nên không như trẻ ở làng quê bên ngoại, biết làm, biết đỡ bố mẹ đủ thứ. Còn tôi thì chỉ biết… ngủ gật. 

Trong giấc ngủ, cảm thấy gió lạnh ào vào qua cánh cửa nhà mở toang, lao xao, lạch cạch nghe tiếng bố mẹ kê cái bàn, đặt tấm gỗ, chèn những viên gạch lên để ép bánh, ngửi phảng phất mùi củi cháy lụi dần. Sáng ra, thức dậy cùng mùi bánh nao nức khắp nhà. Nó là một thứ mùi thơm mềm dịu, “béo bở”, quyến luyến của bánh đã luộc chín, gợi một cảm giác hơi đoi đói nên háo hức muốn được đánh chén ngay, và vòi vĩnh đến mức mẹ tôi cáu, mắng cho, vì đã thắp hương đâu. Khác với lúc sáng hôm qua, nhảy tâng tâng quanh tấm chiếu trải ra giữa nhà, đặt trên đó nào cái rá gạo nếp to trắng bong bóc, mùi cứ mát mát bột bột thế nào ấy; cái nồi những miếng thịt lợn hồng hào đã ngấm mắm tiêu hăng hắc, ngăn giữa phần nạc với bì trắng hơi ngà ngà là những lớp mỡ trắng trong trong; chồng lá dong óng ánh tươi ngan ngát. Tất cả dậy lên mùi sống, tươi, ngang ngang, chưa thể thấp thụ được. Chỉ có cái chõ đựng đậu xanh đã đồ nắm lại thành từng nắm vàng tươi thì mùi thật ấm, hơi ngầy ngậy. Khi người lớn bẻ vụn những nắm đậu để gói bánh, tôi thường xông vào xin những mẩu nhỏ đầy khoái chí. 

Mùi khói lửa thì ngoài những lúc bị tạt khét cả mặt mũi, chảy nước mắt, còn thì ngồi bên bếp đun bánh, nhìn lửa mãi mãi một trạng thái không định hình và những khúc củi than hồng rực chuyển các sắc pha trộn đỏ, vàng, tím, bạc phấn, quả là một hứng thú lặng lẽ đầy cuốn hút. Trên một điểm nào đó của thân củi chưa khô hẳn, có phần bọt khí nở ra lấm tấm, ướt ướt. Vài tia khói lượn lên từ kẽ củi. Và những luồng khói, như luôn đợi một khoảnh khắc nào đó của lửa hơi yếu, củi hơi tàn, lại tràn lên. Lúc là những vệt dài đùng đục huyền hoặc, khi là cả bầu khói đen đặc. Mắt tôi cứ dán vào vùng sáng chói tỏa ra từ nồi bánh để nghĩ đến bao nhiêu điều lung linh. Ở đây, trên sân gạch ngôi nhà nhà tập thể, sáng, nóng, ấm, bừng đỏ. Ngay kia, ngoài cổng, là lối đi tối tăm, gió hút lạnh. Thế cũng đủ làm mình tưởng tượng đủ thứ chuyện thêu dệt tiếp từ những hình hài tiên, phật, quỷ, ma, quê nhà, sông núi đã nạp vào trí nhớ thơ dại. Dù biết đây là cái khu tập thể của nhà máy nông cụ, những dãy nhà song song đều đặn nối ngang sang các trục chính, suốt những tháng ngày nắng ráo, trẻ con đã chạy tung mọi ngóc ngách lên rồi. Nhưng trong những vùng sáng tối, giữa đan xen nóng lạnh, dường như không gian mở ra những chiều khác nữa, sâu xa, thăm thẳm, để mình miên man những ngờ ngợ, những e ngại, những tò mò về điều gì đó không thấy được, đang ở đâu đó chưa biết.          

Bây giờ, trong vùng thêu dệt lại tỏ mờ, bảng lảng của những ngày chạm dần đến một cái Tết mới, tôi nhớ cái không khí của mấy ngày xôn xao dạo trước. Ví dụ nói là 25, hay 27 tháng Chạp gói bánh, thì mấy hôm trước đó phải chuẩn bị dần rồi. Bố tôi thường muốn gói sớm chứ không để đến 29 thì cập rập, 30 còn làm cơm tất niên. Mấy ngày chuẩn bị gói bánh, mọi thứ cứ đầy lên dần, bề bộn dần, cọ xát, ướt át, lâng lâng.

Hôm nay bố chở về một bó củi. Chúng tôi nhặt thêm mấy miếng cửa gẫy, đem từ trong bếp ra hiên những khúc củi tích trữ, khiếp hãi là bọn gián chạy lung tung ở đó. Rồi chuẩn bị chồng gạch ở góc sân để xếp ba ông đầu rau đợi bắc nồi. Cái nồi nhôm to hai ba đứa đứng cũng được, kỳ cọ sạch, nằm úp bên cạnh bể nước. Hôm sau mẹ mang mấy cuộn to lá dong về, hai anh em è cổ rửa suốt buổi vì mặt lá còn đỡ, chứ bụi bẩn hay bám vào các sống lá, kẽ ở cuống, nói chung rất tốn nước, rồi xếp các lớp lá phơi khắp mặt bể, mặt mâm, lòng chậu. Nhìn lá ngồn ngộn lên thật là phấn khích và hay nghĩ đến những thứ cờ quạt trong cải lương hoặc phim ảnh ngày xưa. Thể nào tôi cũng lấy được dăm chiếc ra để nghịch. Rồi ngày tiếp theo nào gạo, nào đậu, ở đâu lấy ra hay xếp về mà lắm thế. Tôi không nhớ mình có tham gia vo gạo không, thật là vô tích sự quá! Còn bố mẹ thì có hôm đã dậy từ sáng sớm để đồ đậu đã bóc vỏ, giã nhuyễn, đợi nguội thì nắm lại. Gần trưa bỗng dưng chỗ nào đấy xẻ thịt lợn, bố xách về cả tảng thịt dài, đỏ thượt. Rồi anh Thành vào.

Ảnh minh họa

Anh Thành là con ông bác cả. Anh ở ngoài Hàng Mành từ nhỏ, lớn lên có những năm làm công nhân, làm thợ. Thong thả anh đạp xe vào nhà tôi ở Hà Đông, cần mẫn pha thịt từng miếng to bản, dày dặn. Anh trộn mắm, rắc hạt tiêu, đảo trộn trong chiếc nồi to. Tôi luôn tò mò xem anh cùng mọi người chuẩn bị các thứ. Và xem anh gói bánh. Bố mẹ tôi cũng gói nhưng ít hơn. Anh Thành gói thật đẹp, đều, vuông vắn, dày thành bánh. Tiếng gạo đổ rồm rộp trên lá. Tay anh khéo rải đậu, gắp miếng thịt xếp vào giữa. Thịt to nên anh nắn nắn, nhấn nhấn cho gọn, nhẹ nhàng. Như tôi kể lúc nãy, đồ còn sống nguyên, không ăn được nhưng nhìn thích mắt lắm, từ những miếng lá ngăn ngắt được cắt thành dạng khác nhau để bao thân bánh hay lót vào góc, đến các màu trắng gạo, vàng đậu, đỏ thịt khi phối vào cạnh nhau, đổ xòa, che lẫn, bao phủ. Và những miệng lá được bàn tay nắn nót gập lại, xanh đậm ngọt vào trong, xanh nhạt mát ra ngoài, mấy chiếc lạt giang nõn óng chia bánh thành những ô vuông, chữ nhật. Tôi cứ ngồi bần thần ra nhìn từng chiếc một. Lúc lâu anh Thành lại ngơi tay, rót chén nước chè, làm điếu thuốc. Anh bảo tôi, tay vừa làm, giọng trầm rành rọt, thong thả, đây nhé, xếp lá thế này, đổ gạo vào, một bát thế này, rồi đậu đây, thịt đây, rồi đậu lên, gạo tiếp, phủ cho kín vào, gập lá xuống, dựng lên, dỗ dỗ cho khỏi lỏng bánh… Tôi nhìn thì thích lắm, nhưng khi bắt tay vào gói thử thì thường xuyên thất bại. Nên chủ yếu suốt bao năm vẫn ngồi xem, lượn lờ bắng nhắng “phục dịch” khi cần. Hoặc “lảng” đi chơi. Chơi một lúc về, thấy cả nhà vẫn gói bánh.   

Nhiều năm liền, mỗi năm vài lần, vào một số ngày giỗ các cụ, hóa vàng mùng ba Tết, anh Thành đạp xe vào, có lần từ hôm trước. Anh cùng bố mẹ tôi chuẩn bị cỗ cúng. Ngâm đãi, thái trộn, ninh nấu…, tay anh sắp các bát đĩa lên mâm đâu vào đấy. Mùi thức ăn nóng hổi, bóng bẩy những xếp đặt; mùi hương thắp lên, nét khói uốn lượn bảng lảng thoảng tan; mùi cánh rung rinh hơi ngai ngái những bông hoa cúc vàng đại đóa và những chiếc lá xanh xôm xốp; mùi rượu trắng hơi nồng bố tôi rót ra mấy chiếc chén tròn nhỏ. Trong không gian của im lặng, gió thinh không cũng như chầm chậm, người lớn một thoáng trầm tư, còn trẻ con thì vẫn kéo nhau ra ngoài đùa nghịch. Anh Thành xa bác cả từ nhỏ, tuổi thơ của anh bắt đầu với thời niên thiếu, thanh niên của bố tôi trong phố Hàng Mành, trong những tháng năm nhiều gia đình phố phường cũ bước vào thời mới, bỡ ngỡ nhưng gắng dần quen với cần lao chật vật. Nghề cũ làm thưa thưa và lao động chân tay giúp đắp đổi qua ngày. Bố tôi là con thứ, nhưng bác cả và chú sau bố tôi ở xa, bác trai trên bố hy sinh trên Tây Bắc từ lâu, bố gánh vai trưởng mấy chục năm giời. Anh Thành là cháu đích tôn, suốt nhiều năm các việc giỗ chạp, Tết nhất, lễ chùa, anh đạp xe vào Hà Đông cùng lo bên bố.     

Bây giờ, ở một nơi nào đó. Bố tôi đã xách bó củi về, giỡ ra và đang xếp lên ngoài sân ba góc bếp bằng gạch. Còn anh Thành thì cắm cúi bên chiếc mâm nhôm. Bên cạnh anh, chồng bánh dày dặn cao dần lên. Từ vòm không, hơi lạnh những ngày áp Tết se se trong trong. Thoảng mùi hương tan nhanh rồi lại quẩn về trong gió. Nơi đó, có cách xa đây không hay gần lắm mà tôi chưa tìm ra được? Chỉ cần đi qua vài dãy phố, rẽ vào cánh cổng nhỏ chợt trông thấy, bước vào một mảnh sân có vài chậu cây, hay tôi phải ngồi bên một nồi bánh chưng, nhóm lên những thanh củi dài. Trong khói đùng đục hơi nước, ánh sáng lửa múa nhảy lách tách, hơi nóng tỏa sực, quyện mùi thơm bắt đầu thoảng đưa, và bập bùng ánh mắt thơ dại, ngẩng lên tôi sẽ thấy những bóng hình hiện ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top