Aa

Mùa giai phẩm

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Tư, 19/01/2022 - 06:09

Nhiều khi những trang báo Tết chính là những “ngày hội nhỏ” của anh chị em văn bút khi báo mới ra, nhiều người phấn khởi chia sẻ, chụp gửi cho nhau, “nuôi face” và nhận về những lời mừng của bạn viết...

"Cháu chào chú ạ, chúng cháu đang làm báo Tết, chú cho cháu xin bài thơ chú nhé… Thơ mới ý ạ, không khí xuân Tết một chút chú nhé, gọn gọn chút ạ… Dạ dạ"…; "Cô ơi cháu xin cô một tùy bút, tản văn xinh xinh cô nhé"…; "Anh đi khắp nơi, có gì thú vị lắng lại trong năm, anh cho em một “con” ghi chép, tản mạn chi đó mấy… Vâng vâng, em cảm ơn… Anh nhớ giúp em trong tháng này nhé, quãng quãng đầu tháng cho em xin bài"...

Ấy là những cuộc điện thoại quen thuộc, thân mật, cấp tập đến nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu… của những người làm công tác tòa soạn, trong cái “mùa làm báo Tết” hào hứng, sôi nổi, nhiều cung bậc này. Mỗi năm đến hẹn, cuối thu đầu đông, vào đông, trong quãng quý bốn, chuẩn bị cho nhiều cuộc nước rút của tất tật các công việc ngập đầu ngập cổ, có sự bắt đầu và diễn tiến dần lên cao trào làm số Tết của rất nhiều cơ quan báo. Khởi động từ hội ý sơ bộ về chủ đề số xuân này có gì hay, lấy gì làm điểm nhấn, năm qua đọng lại gì chăng, đến xây dựng kế hoạch làm báo Tết, rồi họp hành, báo cáo, rồi thông báo đến anh chị em trong báo để lên ý tưởng, tìm đề tài, đăng ký và đi thực tế, rồi liên hệ các tác giả đặt bài, mời viết bài Tết. Từ đấy giở đi, cứ “đếm ngược” thời gian chờ bài…

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

Không thể thiếu sự đón nhận, trao đổi với nhiều tác giả, bạn đọc quý mến tờ báo, quý người làm báo, gửi gắm tác phẩm, bài viết với nhiều đề tài nào phong tục tập quán dịp Tết đến xuân về, nào Tết xưa Tết nay; nào bài viết về con giáp năm nay - trâu, hổ, gà, dê, ngựa… trong văn hóa truyền thống; rồi những thơ xuân, tản văn Tết, nhớ bánh chưng, thèm chè  kho, đi chơi đào Tết, hoài niệm sương khói Tết quê, liên tưởng Tết mới đô thị, nghĩ xa nghĩ gần Tết già Tết trẻ, Tết hồi hương, Tết du xuân, du lịch, Tết Việt ở nơi xa đất nước...Nhiều bài không phù hợp hay chưa đạt chất lượng để đăng tải, nhưng cũng có những bài ẩn chứa ý hay, tứ đẹp, câu chuyện mới lạ nào đó gửi đến từ những bạn viết ở địa phương này, vùng đất kia xa xôi. Mà đón nhận, lọc được ra, trao đổi với người viết để “kích” lên, vun vén thêm cho tác phẩm, để thành những “món” hay hay, là lạ, khác khác “bày mâm cỗ Tết” trên trang báo cho thêm sắc thêm hương, ấy là việc rất đáng làm, cần làm.

Có nhiều công đoạn, phần việc lắm, mà thiếu thì không thể nên hình tờ báo xuân nõn nà, bóng bẩy, thơm tho và cả… nặng nữa, rực rỡ trên tay bạn đọc. Ví như hàng loạt các trang quảng cáo, từ tập đoàn lớn, công ty này kia đăng cả trang chói sáng, cho đến một số địa phương huyện, xã dành nửa trang, một phần tư trang với lời chúc năm mới thân mật. Không có mảng kinh tế quan trọng đó thì báo khó lòng… đi nhà in lắm!

Rồi công tác tòa soạn của những anh chị em thư ký, họa sĩ, kỹ thuật viên làm nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp trang, trình bày, đọc sửa lỗi chính tả, đêm hôm đi cả nhà in theo dõi tiến độ in báo Tết hay trông chừng việc in cả buổi… Nhất là khâu trình bày, cứ nâng lên đặt xuống từng chút một. Tít chính phông chữ này, vị trí kia; đặt cái ảnh chỗ nào, căng to lên nữa, nữa, nữa; để khoảng trắng thêm vào bên cạnh các cột báo, giữa tít và nội dung bài, cho trang báo nó “thở” với chứ, báo Tết mà cứ sít đặc vào thế à; thay cái ảnh đi, ảnh này xấu quá, mà bé nữa, dàn ra vỡ hết cả… Họa sĩ của báo “đau đầu” tính toán về hình thức sao cho hài hòa giữa cả một chùm bài to, bài nhỏ, thơ, ảnh, tranh minh họa… trên một diện tích “đất” có hạn; cân đối trình bày, sắc màu giữa hai trang lẻ và chẵn đặt cạnh nhau. Báo Tết đâu chỉ đọc mà yếu tố nhìn, ngắm càng hệ trọng lắm lắm! Kỹ thuật viên “nhăn nhó”, than thở khi phải đảo bài, phát sinh bài mới “chèn” vào, có khi phải thay, phải bớt bài đã có, đã trình bày đâu vào đấy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Mà phải bớt, lùi là điều rất “đau khổ” với “nhà tổ chức” là biên tập viên, phóng viên đặt bài hay người phụ trách mảng nội dung. Vì sẽ phải thông báo lại với tác giả với một tinh thần không mấy phấn khởi gì, bởi người ta đã gửi gắm mình, thậm chí viết theo đề nghị, gợi ý của mình, và bản thân mình cũng tiếc lắm vì nội dung đó đã ưng ý để chọn đưa vào số Tết – số đặc biệt cả năm mới có một lần. Tất nhiên việc này cũng cố gắng hạn chế ở mức tối thiểu, chứ không thì lần sau mời gọi, các tác giả văn chương chữ nghĩa có khi nhanh chóng nói lời “tạm biệt”. Lại cả trao đổi, di dịch về “món” tranh với họa sĩ cộng tác lắm khi cũng… toát mồ hôi. Đặc biệt là với họa sĩ uy tín đã đặt vẽ cho bìa báo. “Nhỡ” mà không duyệt được phương án bìa có bức tranh đã chuẩn bị cả tuần, trông đợi cả tháng đó, phải thu nhỏ đăng ở trang trong, làm minh họa cho bài viết nào đó, thì ngại vô vàn! Phải rất biết cách điều phối, sử dụng bức tranh đó cho nó “quy mô” một chút, và nói chuyện với họa sĩ để cảm thông với anh em tòa soạn…

Và đương nhiên, không có hàng mấy chục tác giả, có khi đến hàng trăm, thuộc nhiều lứa tuổi, thế hệ, những người làm nên các bài viết, hình ảnh rất đa dạng về lĩnh vực, đề tài, phong cách, thì sẽ không nên vóc nên hình được tờ báo Tết phong phú, tươi tắn. Với không ít người làm trong tờ báo, thưởng thức trước những bài viết Tết, các tác phẩm thơ, truyện, bút ký, phóng sự, ghi chép, tản văn, tùy bút… đặc sắc khi các tác giả lần lượt gửi bài, ấy là một hứng thú của sự “nếm” trước món ngon. Và sự thú vị còn kéo dài trong những ngày sau đó, khi các bài viết, tác phẩm hiện dần trên màn hình máy tính trình bày, với những ảnh, tranh minh họa đẹp đang lần lượt được gửi về, đắp vào. Mọi thứ kết nối, giao thoa với nhau trong một tổng thể sắc màu, hình ảnh, khối chữ, và “sức mạnh vô hình” là cái nội dung chữ ấy đã thẩm thấu, lan tỏa trong mình từ trước rồi. Giai phẩm dần hiển hiện, nền nã, tươi tắn, sang trọng. Và đương nhiên, “được mắt ta mới ra mắt người”, nó phải được nhiều anh chị em viết, biên tập, trình bày, phê duyệt tấm tắc, xuýt xoa, ưng ý đã, rồi mới chuyển sang nhà in, chạy vào máy in,  “tuôn” ra sạp, hay theo những chuyến xe thư, báo của bưu điện, phát hành tỏa đi khắp những đường sá, đất đai, vùng miền.  

Giờ thì có phần trầm đi hơn so với những năm trước, khi các sạp báo còn nhiều, cứ mỗi dịp vào tháng Chạp là các “mặt tiền” báo Tết rực rỡ muôn màu nhiều góc phố. Nhưng không vì thế mà không khí đón báo Tết giảm đi náo nức, tươi tắn. Tiếp nối, hòa với sắc đỏ vàng lịch năm mới “nóng bỏng” các sạp báo, quầy báo treo kín từ trên cao xuống, che cả mặt người bán, người mua, “mùa giai phẩm” từ lác đác vài chiếc bìa báo đầu tiên, rồi đầy lên, chen chúc, các bìa báo lớp lớp như đôminô trước mắt người mua, chọn báo. Mua mấy tờ về đọc nhẩn nha trước, trong Tết vẫn là “thú chơi” của nhiều người. Bìa báo Tết bóng bẩy dậy màu, phả hơi xuân mới, tô thêm vẻ gì sang hơn, mới hơn, văn hóa hơn bên bàn trà nước, trên mặt tủ những ngôi nhà, bên cạnh những là hoa mới, những hộp bánh, gói quà, những chai rượu…

Để ý mà xem, nhiều tạp chí văn nghệ các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố giờ “chăm sóc” ấn phẩm Tết của mình kỹ hơn, lộng lẫy hơn trước. Trang bìa bắt mắt. Tác giả góp mặt được mời rộng rãi hơn nhiều, từ khắp các vùng miền. Như có một cuộc “cạnh tranh ngầm” thú vị giữa nhiều ấn phẩm Tết của giới văn nghệ những miền đất. Và khó để thấy được thật nhiều bìa báo xuân ở một địa bàn cụ thể, nhưng trên các trang mạng trước thềm xuân thì tưng bừng. Bà con Việt kiều những năm qua, nhiều người đặt mua báo từ xa đất nước, hoặc nhờ người thân, gia đình mua gửi sang. Bà bác tôi ở Pháp, mỗi năm chờ đón mấy tờ báo Tết các cháu gửi sang theo đường bưu điện hoặc qua bạn bè, người quen về Việt Nam ăn Tết. Hẳn là phải có báo Tết của Hà Nội. Những tờ báo được bà bác giữ gìn đọc ngày Tết, mùa xuân, đọc lại trong cả năm.   

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

Tôi chỉ xin lan man, tản mạn ở phần trải nghiệm báo Tết chính của mình, chủ yếu liên quan đến mảng văn hóa, văn nghệ và một phần các đề tài xã hội trên giai phẩm xuân thôi. Vì làm nên những ấn phẩm đặc biệt đó, nhiều người phải “khổ sở”, nhọc nhằn lắm! Nhưng ngẫm vào không khí xuân Tết, với đặc thù của ấn phẩm đọc chậm, dành cho công chúng “nhâm nhi” trong những thời khắc thong dong nghỉ ngơi sau và giữa những tất bật gói lại việc cơ quan, mở ra việc nhà giáp Tết, tất niên với nhiều ngâm ngợi, hoài niệm, lắng đọng vào không khí Tết Nguyên đán và dòng chảy truyền thống, thì dấu ấn đậm sâu của văn hóa, sắc màu văn học, nghệ thuật trên báo Tết, từ nội dung cho đến hình thức trình bày, âu cũng là điều hợp lý và dễ đón nhận. 

Bởi thế, nhiều khi những trang báo Tết chính là những “ngày hội nhỏ” của anh chị em văn bút khi báo mới ra, nhiều người phấn khởi chia sẻ, chụp gửi cho nhau, “nuôi face” và nhận về những lời mừng của bạn viết, cùng nhau thưởng lãm tác phẩm, âm thầm ước nho nhỏ mình cũng có tác phẩm long lanh trên số xuân báo này, báo kia như thế. Bây giờ việc gửi báo biếu theo bưu điện và trả nhuận bút vào tài khoản đã là phổ biến, nhưng vẫn có những người của tòa soạn giữ thói quen vui ấm, mang báo và nhuận bút đến đưa cho tác giả ở cơ quan, ở tận nhà, có khi chỉ hẹn chạy ra cửa, xuống cổng, đưa giở tờ báo ra chỉ chỗ bài được đăng, trịnh trọng “dâng” phong bì nhỏ đựng phần nhuận bút “nhích” hơn bình thường hoặc gấp rưỡi hoặc đôi, ba lần, rồi tạm biệt đi sang chỗ hẹn khác, thế là đã vui thích, cảm kích cả “chủ” lẫn “khách” rồi.

Nhất là với một số nhà thơ nhận tổ chức giúp trang thơ Tết cho báo nào đó, thì nếu sức khỏe cho phép, việc đi “chia Tết” như thế hào hứng, chu đáo, ân cần lắm! Hoặc có khi cùng hẹn nhau ở một điểm ẩm thực, vừa gửi báo và nhuận bút, vừa kết hợp “tất niên” luôn, báo Tết thành cái cớ hội ngộ cho những bạn văn đắm đuối với nghề, trân quý với bạn nghề. Vừa giở xem, đọc, bình phẩm tờ báo Tết từ trang bìa cho đến phần thơ, văn, tranh đẹp, ảnh hay, sang các mảng đề tài khác, vừa nâng ly. Trong ngày gần cuối năm gió lạnh bồi hồi, giữa mọi việc hơi vội vã, hơi rượu và nụ cười trò chuyện tỏa lan sang những câu chuyện chuẩn bị Tết nhất, nhìn lại Tết xưa, kế hoạch đi đâu, làm gì sau Tết này, ngẫm thời gian, thời cuộc, lan man, đưa đẩy, sôi nổi, phấn khích, và thong dong, thư thái… Nhiều cảm xúc với Tết, xuân, với đời sống và nghề nghiệp, bạn nghề đong lên, xen cài, ngấm nghía vào những hạnh ngộ trước thềm xuân nho nhỏ như thế.

Nhà báo Lê Đức Hải phụ trách tờ Hà Nội mới cuối tuần, gần Tết báo ra, hẹn chúng tôi ngồi “đổi” báo. Tôi mang đến cho anh tờ Thời Nay Tết của chúng tôi và nhận báo Tết anh đưa, thường ưu ái dành đất cả trang cho tôi một tản văn xuân mới. Anh chị em đồng nghiệp thân quen mấy báo, từ tháng 11, 12 dương lịch hay dặn tôi gửi, hoặc tản văn, hoặc thơ, hay bài viết, Đại đoàn kết, Tinh Hoa Việt, Kinh tế & Đô thị, Nông thôn ngày nay, Văn nghệ quân đội… gần đến hạn nộp và hạn “khóa sổ” bài Tết lại gọi, nhắc, cũng như tôi vẫn nhắc, gọi, “đòi nợ” nhiều tác giả viết cho báo mình. Mỗi cuối năm tôi viết dăm tản văn đón xuân, sau vài năm thành một phần sắc màu Tết nhất trong tập tản văn mới của mình.

Thêm ý nghĩa ngoài sự in ấn, xuất bản, phát hành, thu hoạch của cơ quan báo chí, mùa giai phẩm xuân Tết cho ta những nghĩ đẹp, viết đẹp, sống vui, với vài cử chỉ lịch thiệp, chu đáo giữa những người cầm bút. Và ta thấy thắp lên trong chuỗi ngày quần quật, những trang báo đẹp, những bài viết hay, những thơ những truyện sâu lắng của người lao động chữ nghĩa đã gieo cho mình hạnh phúc của đón nhận, của mừng rỡ trước tâm niệm văn hóa, nhân văn tỏa lan vào đời sống, vào suy tư của bao nhiêu bạn đọc. Những người bạn ấy, dù bận rộn nhưng vẫn dành ra ít giờ phút trong mỗi ngày cuối năm để hẹn mùa xuân đến sớm trên trang báo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top