Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính và cơ hội để đưa đất nước vươn xa

Thứ Hai, 08/07/2024 - 06:06

Sau đại dịch Covid-19, thế giới đã chuyển qua một thời kỳ có rất nhiều thay đổi, cấu trúc kinh tế thế giới được xem xét lại để thích ứng với các biến động mang tính lịch sử, nhiều chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ chưa có tiền lệ được áp dụng để hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi, từng bước phát triển. Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, tất yếu phải nằm trong dòng chảy đó của thế giới. Mặt khác, Việt Nam cần nhiều nỗ lực để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phấn đấu tăng trưởng 6,5 - 7% mỗi năm trong khoảng thời gian 2021 - 2025; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đó là những mục tiêu đầy thách thức, trong bối cảnh thế giới sau đại dịch đang phải trải qua giai đoạn có nhiều biến động bất thường, khó lường, chủ yếu do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn trên thế giới… Nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đó vẫn tiếp tục giữ được ổn định vĩ mô, kiềm chế được lạm phát... Tuy nhiên, cần có các đột phá về mặt thể chế để có thể đưa đất nước vươn xa; trong đó, một trong các ưu tiên là tập trung vào cải cách thị trường tài chính và hoàn thiện về chính sách tiền tệ - tín dụng...

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 1.

Cũng như các nền kinh tế theo cơ chế thị trường khác, thị trường tài chính Việt Nam bao gồm hai cấu phần là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Xem xét dưới góc độ tài sản thì tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (thành phần cơ bản của thị trường tiền tệ) có giá trị tương đương 93,2% GDP, trong khi tài sản hệ thống công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp bảo hiểm (hoạt động chủ yếu trên thị trường vốn) bằng 6,8% GDP.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng ngân hàng của cả nền kinh tế đạt trên 13 triệu tỷ đồng, bằng 129,2% GDP; vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương 56,4% GDP. Điều đó cho thấy sự mất cân đối trong cấu trúc của thị trường tài chính Việt Nam. Mục tiêu của thị trường tiền tệ là cung ứng vốn cho nền kinh tế với các dòng vốn có kỳ hạn từ một năm trở xuống, trong khi thị trường vốn cung ứng các dòng vốn trung dài hạn có kỳ hạn từ một năm trở lên. Nguồn vốn huy động trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay chủ yếu là vốn ngắn hạn, khoảng 88% tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Trong khi đó, dư nợ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ xấp xỉ 50%. Điều đó đã luôn tạo áp lực, buộc các ngân hàng thương mại phải sử dụng vốn ngắn hạn huy động để phục vụ cho dư nợ trung dài hạn. Trong tổng thể hoạt động của thị trường vốn thì dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ bằng khoảng 22% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua các năm suy giảm, nay chỉ còn khoảng trên 10% GDP.

Nhìn nhận khách quan thì trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn đã có những đóng góp hết sức lớn lao, tạo ra một dòng chảy dẫn vốn giúp cho nền kinh tế tăng trưởng khá cao và bền vững. Nhưng với quy mô của nền kinh tế hiện nay, GDP khoảng 400 tỷ USD trên dân số khoảng 100 triệu người, thì thu nhập bình quân đầu người còn thấp, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển. Vì vậy, cần có tốc độ tăng trưởng cao hơn để đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Do vậy, cần phải đánh giá lại những khiếm khuyết của thị trường tài chính Việt Nam, nỗ lực khắc phục và cải thiện triệt để cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 2.
Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 3.

Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn đã có những đóng góp hết sức lớn lao. (Ảnh: ST)

Thị trường tiền tệ: Dòng vốn chủ đạo và hướng hoàn thiện

Trong gần 40 năm đổi mới của nền kinh tế nước ta, rõ ràng vai trò của thị trường tiền tệ, điểm nổi bật là tín dụng ngân hàng, thể hiện rõ ở việc đã cung ứng vốn cho nền kinh tế ở cả ngắn hạn và trung, dài hạn, bên cạnh dòng vốn ngân sách cấp cho các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa. Việc chuyển đổi hệ thống ngân hàng nhà nước thành ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại đã hình thành một thị trường tiền tệ liên ngân hàng với các nghiệp vụ giữa ngân hàng trung ương (central banking) với các ngân hàng thương mại, hay giữa các ngân hàng thương mại với nhau.

Nhưng một thị trường tiền tệ đúng nghĩa, mang tính chuyên nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả, tạo tính thanh khoản cao… thì không chỉ cô đọng trong một thị trường tín dụng. Thị trường tiền tệ còn bao gồm các nghiệp vụ mua bán các công cụ nợ rất ngắn hạn giữa các ngân hàng, giữa các định chế tài chính và doanh nghiệp. Ngoài ra, trong thị trường tiền tệ còn có các sản phẩm phái sinh như hoán đổi lãi suất, mua bán giấy tờ có giá rất ngắn hạn, kể cả các trái phiếu chính phủ có thời hạn đáo hạn dưới 270 ngày… Dĩ nhiên, trong thị trường tiền tệ, các nguyên tắc chuẩn mực hoạt động là theo thông lệ quốc tế, không có những mệnh lệnh hành chính.

Thị trường vốn: Khai mở tiềm năng

Để tăng trưởng cao và bền vững ít nhất là trong 20 năm tới, nền kinh tế cần có các dòng vốn ngắn hạn từ thị trường tiền tệ và vốn trung dài hạn từ thị trường vốn. Các dự án dài hạn, nhất là các dự án về cơ sở hạ tầng hàng năm cần khoảng 25 tỷ USD, tương đương 6% GDP; trong đó khoảng 15 tỷ USD đến từ nguồn vốn ngân sách, còn lại 10 tỷ USD thông qua thị trường vốn là chủ yếu. Việc phát triển của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ cũng như trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn, mặc dù Việt Nam có được lợi thế là quốc gia đang phát triển có được ổn định kinh tế vĩ mô… Nếu thị trường vốn phát triển đúng mức thì doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng, hiệu quả hơn.

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 4.

Nếu thị trường vốn phát triển đúng mức thì doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng, hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa: Tạp chí Con số và Sự kiện)

Mục tiêu đầu tiên mà thị trường nhắm tới là việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Việc nâng hạng này sẽ tăng cường uy tín, độ tin cậy và tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên toàn cầu. Đồng thời, việc nâng hạng cũng tạo áp lực cải thiện hạ tầng gồm hệ thống giao dịch, khung pháp lý, tính minh bạch thông tin, từ đó gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư.

Một mục tiêu khác cũng rất quan trọng là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn trung dài hạn thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xếp hạng tín nhiệm và định giá trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp tránh được những sự cố như đã xảy ra vào năm 2022 trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 5.

Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, tạo cơ hội đưa đất nước vươn xa trong một thế giới đầy biến động, điều tất yếu là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ thể chế, trước hết là hoàn thiện chính sách tiền tệ - tín dụng cũng như chính sách tài khóa.

Hoàn thiện chính sách tiền tệ - tín dụng

Để hoàn thiện chính sách tiền tệ - tín dụng, thứ nhất cần bổ sung, điều chỉnh và áp dụng các biện pháp phù hợp thông lệ quốc tế hiện đại và cơ chế thị trường đầy đủ để đảm bảo vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là ngân hàng trung ương. Trong đó chức năng chính là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát quanh mục tiêu hợp lý (thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân) bằng các công cụ chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá, cung ứng thanh khoản…) theo nguyên tắc thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời thanh tra, giám sát xử lý các vướng mắc, khó khăn hoặc vi phạm bằng cách kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát trên cơ sở rủi ro, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ đổ vỡ từng tổ chức tín dụng dẫn đến mất an toàn hệ thống, hạn chế thấp nhất tổn thất kinh tế, ngân sách và lòng tin công chúng.

Hạn chế tối đa các áp đặt hành chính, cơ chế xin cho… và buộc các tổ chức tín dụng phải cáng đáng các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội (không hạn chế nếu là tự nguyện bằng nguồn lực tự có không khấu trừ vào ngân sách…).

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 6.


Áp dụng đầy đủ hơn và thi hành nghiêm các tiêu chuẩn an toàn hoạt động tín dụng - ngân hàng, các nguyên tắc pháp lý trong xử lý các sai phạm, không đánh đồng và lạm dụng những biện pháp hình sự trong hoạt động tín dụng - ngân hàng thông thường.

Ưu tiên ngăn chặn sớm và sử dụng các biện pháp kinh tế là chính để xử lý vi phạm, hạn chế thấp nhất tổn hại và gây méo mó thị trường tín dụng - ngân hàng.

TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Thứ hai, cần tăng cường vai trò tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính, cạnh tranh lành mạnh để phát triển trong một khuôn khổ pháp luật minh bạch, phù hợp nguyên tắc thị trường và theo kịp dần thông lệ quốc tế của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục theo hướng tách tín dụng thương mại khỏi tín dụng chính sách, tách hoạt động tín dụng chính sách thành nhiệm vụ của các ngân hàng chính sách, các quỹ đầu tư… của Nhà nước đã và sẽ lập ra để phục vụ các ý đồ chính sách mà hoạt động thương mại thông thường không thể đáp ứng.

Thứ ba, áp dụng đầy đủ hơn và thi hành nghiêm các tiêu chuẩn an toàn hoạt động tín dụng - ngân hàng, các nguyên tắc pháp lý trong xử lý các sai phạm, không đánh đồng và lạm dụng những biện pháp hình sự trong hoạt động tín dụng - ngân hàng thông thường. Ưu tiên ngăn chặn sớm và sử dụng các biện pháp kinh tế là chính để xử lý vi phạm, hạn chế thấp nhất tổn hại và gây méo mó thị trường tín dụng - ngân hàng.

Thứ tư, không loại trừ các biện pháp "phi thông lệ, phi thị trường" trong những hoàn cảnh đặc biệt (ví dụ khủng hoảng) nhưng không lạm dụng và không biến thành thông lệ. Cân nhắc kỹ hậu quả trước mắt, hậu quả lâu dài trước khi áp dụng (ví dụ như nới lỏng định lượng, hạ lãi suất về 0%, cứu hoặc cho vay trực tiếp từ ngân hàng trung ương đến doanh nghiệp khi không còn giải pháp tốt hơn).

Thứ năm, trước mắt, cần nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng, thay vào đó là áp dụng các chuẩn mực Basel như hệ số an toàn vốn tối thiểu… để kiểm soát gián tiếp về tín dụng, cần tổng kết đánh giá chủ trương chống đô la hóa, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại bằng cơ chế tài chính minh bạch, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu.

Phát huy vai trò của chính sách tài khóa

Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, trong và sau đại dịch Covid-19, vai trò của chính sách tài khóa trong phục hồi và phát triển kinh tế là rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cũng cần tiếp cận theo hướng này. Cụ thể, cần tăng mức dư nợ công hiện nay lên xấp xỉ 50 - 55% GDP trong vòng 5 - 10 năm tới để có nguồn lực đủ lớn đáp ứng các nhu cầu chi ngân sách cho các lĩnh vực hết sức quan trọng (nguồn vay trong nước là chính bằng trái phiếu chính phủ).

Nguồn lực tài chính này có thể đáp ứng các nhu cầu vốn rất lớn cho các lĩnh vực chủ yếu như: Chi cho quốc phòng và an ninh. Cơ sở hạ tầng: Đường sá, cầu cống, bến cảng. Các giải pháp ngăn ngừa và hạn chế tổn thất do biến đổi khí hậu, các công trình xử lý ô nhiễm môi trường. Đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ… Mua lại các khoản nợ, các tài sản, các dự án của doanh nghiệp có triển vọng nhưng bị đình đốn do môi trường kinh doanh bất ổn. Phục hồi nhanh và bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu để có nguồn tài chính cho đầu tư phát triển; bảo lãnh hoặc mua lại có chọn lọc một số trái phiếu doanh nghiệp để doanh nghiệp đứng vững, người dân an lòng, thị trường lấy lại niềm tin.

Củng cố, phát triển bền vững thị trường tài chính
và cơ hội để đưa đất nước vươn xa- Ảnh 7.TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Phục hồi nhanh và bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu để có nguồn tài chính cho đầu tư phát triển; bảo lãnh hoặc mua lại có chọn lọc một số trái phiếu doanh nghiệp để doanh nghiệp đứng vững, người dân an lòng, thị trường lấy lại niềm tin.

Trong khi tìm cách tăng thu từ các nguồn chưa thu hay chưa thu đủ như kinh doanh vàng, buôn bán ngoại tệ, thương mại điện tử, buôn bán nhà đất… thì cần hạn chế việc tăng thu không hợp lý. Có thể chấp nhận mức bội chi ngân sách lên đến 5% GDP trong vòng 5 - 10 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và dân cư đủ sức phục hồi và phát triển. Đồng thời nghiên cứu áp dụng thuế suất thấp hơn và đồng đều cho các loại hình doanh nghiệp; đánh thuế thu nhập cá nhân hợp lý hơn; khuyến khích các hoạt động đầu tư mới, các hoạt động tạo thêm nhiều công ăn việc làm và các hoạt động tiên phong trong những lĩnh vực nhiều rủi ro nhưng có lợi về lâu dài, các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, cải thiện môi trường.

Tóm lại, là một đất nước đang phát triển cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam tất yếu phải cải cách mạnh mẽ thị trường tài chính. Trước mắt, cần hoàn thiện chính sách tiền tệ - tín dụng và chính sách tài khóa, tạo điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Về lâu dài, thị trường tiền tệ và thị trường vốn cần vươn tới các chuẩn mực, sản phẩm, dịch vụ tiên tiến, hiện đại của thế giới để khơi thông dòng vốn, đưa đất nước vươn xa, thực hiện được mục tiêu mà Đại hội XIII đã đặt ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top