Hằng năm vào tháng giêng, sau Tết Nguyên Đán là các chùa thường làm lễ cúng sao giải hạn cho người có nhu cầu. Thủ tục thường là tụng kinh, đọc sớ, làm lễ giải hạn. Có nơi nhà chùa đứng ra trực tiếp làm, có nơi làm tại chùa nhưng do thầy cúng thực hiện. Cũng có không ít người tự làm lễ tại nhà, thậm chí không phải chỉ dịp đầu năm mới mà tiến hành hằng tháng, tùy theo từng sao nào chiếu.
Trước khi đi vào bàn luận về chuyện này, ta cần hiểu thực chất của việc cúng sao giải hạn là gì.
Mục đích của việc cúng sao giải hạn
Trước tiên phải khẳng định, cúng sao giải hạn không phải là nghi thức Phật giáo mà nó bắt nguồn từ Lão giáo hay còn gọi là Đạo giáo. Đạo giáo cũng được hiểu là một đạo thần tiên, tu tiên, luyện đan, chọn ngày tốt… Do đó, hiểu một cách nôm na thì theo quan điểm của Đạo giáo, con người ta có thể qua tu luyện mà hóa giải được điều xấu, phát triển những tố chất tốt và dần hoàn thiện mình, đạt đến đắc đạo như thần tiên.
Còn nguồn gốc sùng bái sao có ở Trung Hoa cổ đại với quan niệm sự vận chuyển của các tinh tú trên bầu trời có ảnh hưởng to lớn với mọi sinh vật trên Trái đất. Việc cúng sao dựa trên quan niệm sao chiếu mệnh và sự xung khắc của ngũ hành. Theo sự vận chuyển của ngũ hành và sự vận hành của Thái tuế, mỗi người mỗi năm sẽ có một sao chiếu mệnh. Trong số 9 sao chiếu mệnh là Thái dương, Thái âm, La hầu, Kế đô, Mộc đức, Vân hán, Thổ tú, Thái bạch, Thủy diệu có sao tốt và sao xấu; trong đó, xấu nhất với đàn ông là sao La Hầu, đàn bà là sao Kế Đô (ứng vào 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82 tuổi Âm lịch). Dân gian cũng có câu “Thái bạch bán sạch cửa nhà” để nói về sao này chiếu sẽ hao tốn tiền của. Đó cũng là vận hạn của mỗi người vào từng tuổi nhất định.
Do đó, mục đích của việc cúng sao giải hạn vào đầu năm là để nhằm giảm nhẹ tai ách khi bị sao xấu chiếu và làm tăng may mắn của sao tốt trong năm đó.
Tại sao cúng sao giải hạn bị phản đối…
Lý do thứ nhất: Hầu hết các chức sắc Phật giáo đều phản đối việc cúng sao giải hạn vì cho rằng đây là điều mê tín dị đoan chứ không phải là nghi thức Phật giáo, cũng không liên quan gì đến Phật giáo. Hơn nữa, theo thuyết nhân quả của đạo Phật thì tai ách con người gặp phải (kết quả) có nguyên nhân từ kiếp trước, do điều ác mà họ đã làm. Dó đó họ phải gánh chịu hậu quả (có nhân có quả) để giải bớt nghiệp chướng họ đã gây ra. Vì vậy không thể nhờ cúng lễ mà thoát được tai ách. Theo chủ thuyết này, nếu cúng sao mà giải được hạn thì chả nhẽ, con người cứ làm điều ác rồi dùng tiền của đi cúng sao là sẽ thoát khỏi sự trừng phạt hay sao?
Lý do thứ hai: Trước đây, việc cúng sao rất đơn giản. Thường là đầu năm mới, nhà chùa làm lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an, nhân thể viết sớ cầu xin giảm nhẹ tai ách cho người gặp sao xấu. Có nhà chùa chỉ làm lễ cúng sao khi có một số gia đình đến nhờ. Lại có người cúng sao tại nhà, không phải chỉ đầu năm mà theo hằng tháng.
Nhưng tục này ngày càng biến tướng, không phải nhằm mục đích cầu an nữa mà là nhằm mục đích kinh tế. Một số chùa thu tiền của người có nhu cầu cúng sao khá cao, ít là vài ba trăm nghìn đồng, trung bình cũng dăm trăm… Thậm chí có đại gia bỏ cả tiền triệu, có khi đến trăm triệu để cúng sao. Dần dần, việc cúng sao đã bị thương mại hóa, trở thành buôn thần bán thánh. Có trường hợp còn đẩy mạnh tuyên truyền chùa này thiêng hơn chùa kia để cạnh tranh nhau, dẫn đến việc người dân kéo đến ùn ùn, ngồi tràn cả ra lòng đường gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và trông rất phản cảm.
… nhưng lại ngày càng phát triển?
Những phản bác trên hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn. Tuy nhiên có một thực tế, nếu việc cúng sao là hoàn toàn sai trái, tốn kém, không có tác dụng gì thì tại sao nó vẫn tồn tại; không những thế, những người tin vào cúng sao lại ngày càng đông?
Có thể giải thích điều này là theo phong trào, nhiều người không cần phân biệt mặt tốt mặt xấu, thấy hàng xóm rủ đi cúng thì đi theo. Có cầu ắt có cung, nhân đó một số chùa bung ra làm lễ như một thứ dịch vụ, khiến nó bị thương mại hóa. Vòng xoáy đó ngày càng cuốn nhiều người tham gia.
Cũng có thể giải thích điều này qua quan niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Quan niệm này bắt nguồn từ triết lý “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, khi có niềm tin thì tất sẽ linh ứng. Diễn giải nôm na thì phòng bệnh hơn chữa bệnh, có phòng có hơn, nếu không thì cũng không vì thế mà thiệt hại gì.
Lại có thể giải thích điều này ở khía cạnh tâm lý. Khi việc cúng sao đã trở thành phổ biến, mỗi người khi đến năm sao xấu chiếu mạng sẽ tỏ ra lo lắng, không yên, tâm thần bất an. Việc cúng sao là đặt niềm tin vào thế lực siêu nhiên và khi niềm tin càng lớn thì người ta càng cảm thấy linh ứng. Khi đó tâm lý lo lắng được giải thoát, người ta cảm thấy yên tâm, thoải mái, dẫn đến kết quả công việc thuận lợi. Còn một khi đã tin vào việc có sao xấu sao tốt, nếu không cúng sao tâm lý bị ức chế, luôn lo lắng sẽ gặp tai họa dẫn đến việc xử lý thiếu sáng suốt, linh hoạt dẫn đến kết quả xấu, thậm chí có thể gây tai nạn. Từ đó người ta càng tin vào việc cúng sao giải hạn.
Thực tế, nhiều người khi được cúng sao giải hạn và làm lành, làm phúc, bố thí, cúng dường rồi, đã thấy khỏe hơn, làm ăn phát đạt hơn và từ đó tin tưởng vào Phật pháp hơn, về chùa thường hơn. Cổng thông tin điện tử - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Về khía cạnh xã hội có thể giải thích bằng triết lý “phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi đời sống được nâng cao, kinh tế dư dả, người ta càng có điều kiện để tiến hành những thủ tục mà khi khó khăn họ không làm được hoặc không để ý. Nhưng suy cho cùng, con người đặt ra các thứ lễ nghĩa cũng là để duy trì trật tự xã hội và làm cho đời sống con người phong phú hơn, nên việc sinh ra các “lễ nghĩa” không có gì xấu, trừ khi nó vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Vậy nên hiểu và cúng sao giải hạn thế nào cho đúng?
Cúng sao không phải là nghi thức Phật giáo, nhưng trải qua đời này đến đời khác, nó đã trở thành tục lệ và dần dần đi vào tâm thức, biến thành niềm tin của nhiều người. Vả lại cũng không phải nó chỉ hoàn toàn xấu. Khi đi cúng sao, người dân gửi gắm ước nguyện, tin tưởng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn, vì vậy họ sẽ có tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai và phấn đấu theo những điều tốt đẹp. Tâm lý cũng được cởi bỏ, không còn nặng nề, làm việc sẽ sáng tạo, năng suất hơn. Nhiều người đi cúng sao không hề hiểu biết cặn kẽ của việc này, chỉ biết đầu năm thấy mọi người nói đi cúng giải hạn là cũng làm theo với một niềm tin là giải trừ tại họa. Do đó suy cho cùng, việc cúng sao với việc làm lễ cầu an cũng không khác nhau bao nhiêu về tính mục đích. Có khác chăng là về mặt hình thức và ở khía cạnh kinh tế, khi việc cúng sao bị đẩy lên mức cực đoan, trở thành thương mại hóa, gây tốn kém.
Cúng sao giải hạn nếu không đi đôi với việc khuyến thiện, nổ lực cá nhân sẽ dẫn đến tâm lí ỷ lại, trông chờ vào thế lực siêu hình, đánh mất khả năng tự độ của bản thân. Chưa kể, nếu không nhận thức rõ ý nghĩa, mục đích cúng, người được cúng giải sao hạn sẽ nghĩ mình đã cúng sao, giải hạn rồi thì an tâm, làm gì cũng được, thì qủa là điều tại hại. Vô hình trung, nó dẫn đến tai họa cho cá nhân và xã hội. Cổng thông tin điện tử - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chúng tôi không cổ súy cho cúng sao, càng không cổ súy cho mê tín dị đoan. Nhưng có một thực tế là tục cúng sao đã trở thành truyền thống và không thể xóa bỏ. Vì vậy, theo cách nói của một hòa thượng trên cổng thông tin điện tử Giáp hội Phật giáo Việt Nam, thì trên phương diện triết lý, lý luận và học thuật phải nghiêng về lý. Cái lý để phản đối việc cúng sao là hoàn toàn đúng; nhưng cái sự, tức cái thực tiễn, cái hiện trạng thì lại tồn tại không thể xóa bỏ, và về phương diện xã hội lại phải nghiêng về cái sự. Vì vậy mà lý sự phải viên dung, hài hòa.
Tóm lại là nên biết phát huy huy mặt tích cực của sự vật để hướng mọi người vào làm việc tốt, hạn chế mặt tiêu cực. Chỉ có như thế thì mới hướng cho sự vật phát triển theo chiều hướng tích cực và duy trì ổn định xã hội.
Đối với người dân, theo chúng tôi, cách hành xử tốt nhất là không nên tin vào việc cúng sao một cách mù quáng, mà nên hiểu đây như một lễ cầu an để hướng thiện và tạo tâm an, từ đó có suy nghĩ tích cực, lạc quan về tương lại, về cuộc sống tốt đẹp. Từ suy nghĩ tích cực sẽ làm việc tích cực, hiệu quả và mang lại cuộc sống bình yên, phát đạt.
Nói một cách nôm na, hãy nhớ rằng không phải cúng sao giải hạn rồi thì bạn cứ uống rượu bia rồi lái xe bạt mạng, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều cũng tránh được tại nạn. Nhưng nếu luôn nghĩ năm nay mình có sao xấu, vì vậy sau khi cúng sao lúc đi đường hay làm mọi việc bạn đều cẩn thận hơn, suy nghĩ thận trọng, suy trước tính sau, không làm việc sai trái… thì tất yếu sẽ gặp may mắn và cuộc sống bình an.
Nói như cụ Nguyễn Du thì “có trời mà cũng tại ta”, dù có cúng sao thì việc giảm nhẹ được kiếp nạn hay không phụ thuộc phần lớn vào bạn chứ không phải cúng sao rồi dựa dẫm vào thế lực siêu nhiên cứ làm điều xấu cũng tránh được sự trừng phạt.
Nếu hiểu được như thế thì vấn đề thành tâm là chính, vì vậy cúng sao ở chùa hay ở nhà cũng đều được cả, không nhất thiết cứ phải tốn kém nhiều tiền bạc mới hiệu quả./.