Cung Thiếu nhi Hà Nội: “Ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang”

Cung Thiếu nhi Hà Nội: “Ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang”

Thứ Hai, 05/04/2021 - 06:00
cung thiếu nhi hà nội

Mấy ngày gần đây, câu chuyện về Cung Thiếu nhi Hà Nội tưởng như đã im ắng hẳn trên các diễn đàn, lại được xới đi, xới lại. Nhất là sau khi Hội Kiến trúc sư Việt Nam gửi văn bản kiến nghị giữ lại Cung Thiếu nhi cũ để bảo tồn, không sử dụng khu đất với mục đích khác bởi đây là công trình kiến trúc có giá trị.

Tôi có lẽ cũng không tâm tư nhiều, nếu như không có cuộc chuyện trò cùng những con người rất đỗi bình dị. Với họ, chừng nào UBND TP. Hà Nội chưa có thông tin cuối cùng về số phận của tòa nhà lịch sử tại số 36 Lý Thái Tổ, thì chừng đó, những mối bận tâm sẽ còn âm ỉ mãi trong lòng - Họ là những thiếu niên, đội viên có cả “một bầu trời thương nhớ” tại CLB Thiếu nhi Hà Nội (mà nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội) trong những tháng năm lịch sử của dân tộc.

Cung thiếu nhi hà nội

Cung thiếu nhi hà nội

Bà Bích Ngọc, nguyên là cán bộ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nay đã ngoài 60 tuổi. Buổi gặp mặt, bà rạng ngời khoe vừa mới đi học thêm piano kể từ đầu mùa Covid, giờ đã có thể đánh đệm thành thạo. Về nghỉ hưu, bà cùng những người bạn đồng trang lứa đam mê âm nhạc (có cả người quen nhau từ thuở sinh hoạt tại CLB Thiếu nhi Hà Nội những năm 1970 – 1975) tổ chức gặp gỡ cuối tuần để cùng tập đàn, tập hát.

Cung thiếu nhi hà nội cũ
Bà Bích Ngọc đệm đàn piano cho những người bạn hát

Điều ấy với người khác chỉ là câu chuyện thường thường bậc trung, nhưng với riêng bà Ngọc thì lại có ý nghĩa đặc biệt: Đến giờ khi đã lên chức bà, giấc mơ được sống trọn vẹn trong âm nhạc của “cô bé” Bích Ngọc 9 tuổi sinh hoạt trong dàn nhạc của CLB Thiếu nhi Hà Nội ngày ấy đã trở thành sự thật. Nhắc đến ba từ “Cung Thiếu nhi”, mắt bà Ngọc bất giác rưng rưng, ít nhiều khiến tôi bối rối. Bà bảo mấy nay theo dõi tin tức về việc Hà Nội sẽ xây một Cung Thiếu nhi mới mà kỷ niệm xưa lại dội về. Khi được hỏi điều gì khiến bà bồi hồi đến vậy, bà Ngọc kể lại nhiều ký ức “ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang”:

“Ngày đó tôi được ở trong dàn nhạc do chị Hồng Hạnh phụ trách. Giờ vẫn cứ văng vẳng bên tai những câu hát:

“Em yêu Thủ đô

Yêu gió mát Bờ Hồ

Yêu cây vườn Thống Nhất

Yêu nhà Bác xinh xinh"

Thời đói kém khổ sở nhưng bố mẹ cố gắng dành dụm mua cho hai cô con gái mỗi người một cây đàn violin. Ngày ấy là oách lắm!

Quãng đường từ nhà đến CLB Thiếu nhi, chúng tôi phải đi bằng tàu điện. Còn nhớ hai chị em thường quàng đỏ hoặc khăn bông bay màu xanh lam rất đẹp mà đi trên tàu khách họ cứ nhìn, thấy lạ, vì trong lúc đất nước còn chiến tranh mà có những hình ảnh bình yên như vậy... Tiếng tàu điện leng keng đến giờ vẫn cứ hằn in trong tâm trí.

Nhớ có một thời gian phải đi sơ tán, lúc về, bố thường lẽo đẽo chở tôi trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng có cái gióng ngang. Ngồi vẹo một bên nhưng tay thì vẫn ôm chặt đàn để đến CLB.

Tôi nhớ mãi sự kiện năm 1975 Sài Gòn được giải phóng, các anh chị phụ trách tập trung toàn bộ đội múa, đội kèn, trống, nghi thức để tập bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tất cả hòa trong sự rộn ràng, tưng bừng, háo hức. Những hình ảnh đó thế hệ chúng tôi không thể nào quên!

Cung thiếu nhi hà nội
"Cô bé" Bích Ngọc thuở nào tại lớp Violin ở CLB Thiếu nhi Hà Nội 

Thời được sinh hoạt, được vui chơi trong sự vô tư, hồn nhiên như vậy mới thấy, Hà Nội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã quyết tâm như thế nào để duy trì một CLB bổ ích và ý nghĩa cho trẻ em ngay giữa nơi trung tâm nhất của Thủ đô.

Các bạn cùng sinh hoạt với tôi lúc đó tính kỷ luật và tự giác rất cao. CLB Thiếu nhi đã đào tạo ra một thế hệ với tâm hồn trong trẻo, tài năng, không phải là câu văn, con toán nhưng nếu thiếu CLB văn hóa thì thực sự quá thiệt thòi cho những đứa trẻ và không có chúng tôi của ngày hôm nay.

Trân trọng tuổi thơ của mình. Được như vậy là nhờ cả một đội ngũ các anh chị phụ trách thời đấy, rất yêu nghề, yêu trò tâm huyết. Còn nhớ Nghệ sĩ ưu tú Hồng Kỳ ngày đó phụ trách đội của chúng tôi. Bài “Con gà trống” của anh là nổi nhất thời đó:

Tóc tóc tóc tôi là gà trống

Tôi bên HTX Măng non

Đôi mắt tôi tooo, trònnn…”.

Anh ấy là một trong những người tài năng dẫn đầu, khuấy động phong trào sôi nổi và để đàn em chúng tôi nhìn theo.

Tuổi thơ rất trong sáng. Đến bây giờ đã ngoài 60 tuổi rồi mà kỷ niệm đó cứ theo tôi mãi suốt cuộc đời. Sao mà lại tuyệt đẹp đến vậy… (xúc động).

Cung thiếu nhi hà nội

Những mảnh ký ức có phần rời rạc, không đầu cuối ấy có lẽ bà Tú là người thấu cảm hơn ai hết. Bà Tú nguyên là Giảng viên chuyên ngành Lý luận Âm nhạc thuộc Đại học Thủ đô. Gia đình bà có cả bố mẹ cùng tham gia giảng dạy tại Cung Thiếu nhi. Đó là niềm tự hào mà đến giờ ngồi kể lại, ánh mắt bà vẫn không giấu được niềm hãnh diện.

Có một dấu ấn mà bà cứ kể hoài không ngớt, đó là lần được đại diện cho đội thiếu nhi của CLB tặng hoa cho bác Trường Chinh:

“Ở CLB có một đội nghi thức được chọn để chuyên đi tiếp đón và tặng hoa cho lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và khách ngoại giao quốc tế. Mình nhớ như in trong một Đại hội Đoàn Thanh niên, được ở trong đoàn thiếu nhi của CLB Thiếu nhi Hà Nội đến tặng hoa chúc mừng và đích thân mình được tặng hoa cho bác Trường Chinh.

Cung thiếu nhi hà nội cũ

Hôm đó vinh dự khôn tả. Sau buổi ấy mình viết lại trong nhật ký, chữ vẫn còn nguệch ngoạc hồi 6 - 7 tuổi, rằng: ‘Tôi rất vinh dự được tặng hoa bác Trường Chinh. Bác đã ôm và hôn lên má tôi’. Nhưng cái từ hôn thời ấy ngượng lắm, trẻ con lúc ấy rất ngượng, không dám dùng. Cứ xóa đi xong viết lại nhòe cả giấy”. 

Đôi má bà ửng hồng còn mắt thì long lanh.

Một tuổi thơ được sống trong những giờ học nhạc tại Cung Thiếu nhi đã là nguồn nuôi dưỡng để bà Tú trở thành Giảng viên Âm nhạc sau này. Vì vậy mà từ những quan sát của bà, niềm khát khao cho trẻ em có một nơi vui chơi, sinh hoạt đúng nghĩa để vô tư, hạnh phúc thực sự, luôn đau đáu. 

Bà Tú bảo, vì “bệnh nghề nghiệp” mà mỗi khi lắng nghe, quan sát một đứa trẻ hát, điều bà chú ý đến không chỉ đơn thuần là câu chữ, ngôn từ, mà là sắc thái biểu cảm và ánh mắt của chúng.

Nói đến đây, trong niềm xúc động nghèn nghẹn, bà chia sẻ:Thời ấy, thầy cô, những người dạy chúng tôi cũng đầy nhiệt huyết với trẻ con, không phải dạy để kiếm tiền đâu. Tiền thì thiếu thật đấy nhưng đến dạy là vì thế hệ tương lai. Nhìn trong ánh mắt bạn bè chúng tôi ngày đó, nó ngây thơ, yêu âm nhạc, yêu múa, yêu vẽ lắm. Chúng tôi có thể hát những bài ca rất tình cảm mà giờ tôi không thể tìm lại được cảm giác ấy một cách trọn vẹn khi nghe thế hệ sau này hát. Chúng tôi đã hát về Đảng, về Bác với đầy sự tin tưởng và xúc động trên sân khấu của CLB Thiếu nhi lúc bấy giờ…”.

Và thế rồi, tôi lặng người ngồi nghe bà Tú ngân nga mấy câu ca quen thuộc:

“Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng

Sướng vui có Đảng tiền phong, có Đảng như ánh thái dương

Sống yên vui trong tình yêu thương

Cuộc đời ngàn năm bừng sáng…”.

Cung thiếu nhi hà nội

Bà dường như đã tái hiện trọn vẹn dư âm hạnh phúc của sân khấu Cung Thiếu nhi thuở nào. Có những điều ta không thể nhìn thấy, sờ thấy nhưng lại hoàn toàn có thể cảm nhận. Ấy là tiếng nói của xúc cảm và con tim…

Ngồi trước mắt tôi lúc này, đích thị là cô bé Ngọc Tú 7 tuổi của những năm 1969 - 1970. Tôi, không thể quên ánh mắc ầng ậng long lanh nước và chan chứa hoài niệm của bà ở khoảnh khắc đó. Tôi hiểu, dù rất cố gắng, tôi không bao giờ và không thể nào chạm tay tới được đến miền ký ức quý giá vô ngần của thế hệ bà với những năm tháng tuổi thơ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Cung thiếu nhi hà nội

Thật tình cờ, trong câu chuyện của hai người phụ nữ này, họ đều nhắc tới kem Hàng Vôi. Một chi tiết có phần chẳng mấy liên quan, nhưng không hiểu sao cứ làm tôi ấn tượng mãi.

“Đi biểu diễn những chương trình lớn về xong thường sẽ được anh chị phụ trách cho đi ăn kem Hàng Vôi. Toàn đá là đá. Nhưng thấy làm sung sướng vô cùng! Bờ Hồ ngày đó trong mắt chúng tôi mênh mông lắm! Ăn kem mà lòng ngập tràn vinh dự. Vinh dự là khi mình đã bước chân đến Cung Thiếu nhi, đó không phải là sự bắt buộc mà là sự tự nguyện. Cả một thời kỳ gian khổ nhưng trẻ con sống hạnh phúc.

Đến bây giờ, nhóm thiếu nhi sinh hoạt ở CLB năm ấy, chúng tôi gặp nhau mà vẫn như ngày xưa, như lúc mình còn nhỏ, dù đã trải qua đến hơn nửa thế kỷ rồi”…

Cung thiếu nhi hà nội

Câu chuyện về số phận Cung Thiếu nhi Hà Nội đưa chân tôi tìm đến Nhà sử học Dương Trung Quốc. Trong cuộc chuyện trò về những điều xưa cũ, ông dường như trở nên trầm lặng hơn so với một Dương Trung Quốc đầy quyết liệt và gai góc trên nghị trường. Có lẽ, khi người ta càng trầm tư, càng hoài cổ thì càng trở nên mạnh mẽ hơn.

- Thưa ông, mới đây Hà Nội đã khởi công xây dựng Cung thiếu nhi mới với diện tích hơn 10.000m2, trong quần thể rộng khoảng 39.000m2. Dư luận lo lắng và đặt ra câu hỏi, liệu Cung Thiếu nhi cũ sẽ đi đâu về đâu. Trong dòng chảy của lịch sử, Cung Thiếu nhi Hà Nội mang sứ mệnh gì?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cung thiếu nhi Hà Nội là sản phẩm của thời kỳ đất nước còn khó khăn. Ban đầu, đó là một không gian liền kề với tòa thị chính, với các thiết chế dịch vụ quan trọng nhất của đô thị là Bưu điện… Năm 1921, trong một xu thế xã hội thuộc địa cởi mở, mô hình đời sống phương Tây du nhập thì một số trí thức, thương gia giàu có và các nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội vận động chính quyền để thành lập một nơi gọi là Ấu trĩ viên.

Đây là nơi vui chơi cho trẻ em, cùng với những phong trào thay đổi các nếp sống cũ. Ấu trĩ viên không chỉ có ở đây mà ở các làng xã cũng có những mô hình nho nhỏ. Ấu trĩ viên của Hà Nội được chính quyền thuộc địa cho chấp nhận ở ngay kề nhà chính quyền và Bưu điện. Nhắc lại điều này để thấy, trong tư duy của người xưa, giáo dục và trẻ em luôn được coi là nhân tố quan trọng. 

ấu trĩ viên
ấu trĩ viên
ấu trĩ viên
ấu trĩ viên

Khu nhà Pháp cổ nằm trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội là chứng tích cho mốc lịch sử quan trọng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam: Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp ngày 6/3/1946.

Ấu trĩ viên là thiết chế văn hóa và giải trí dành cho thiếu nhi đầu tiên trong một xã hội hiện đại. Ở đây chứng kiến rất nhiều thế hệ trưởng thành. Sau này, đây là nơi tập hợp đám trẻ được giáo dục theo phương cách mới có thể thao, thể dục, nghệ thuật… và kế thừa trở thành Cung Thiếu nhi.

Cung Thiếu nhi còn có một giá trị nữa đó là một sản phẩm ghi dấu tình hữu nghị quốc tế. Tức là bạn bè thế giới ủng hộ, cổ vũ thiếu nhi Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Đặc biệt là 2 phong trào thiếu nhi ở Đức và Tiệp Khắc.

- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng: Biết được chăng Cung Thiếu nhi cũ sẽ không còn dành cho thiếu nhi, sẽ bị chuyển đổi mục đích sử dụng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hà Nội có Cung Thiếu nhi mới thì cần ủng hộ chứ! Vấn đề là sử dụng Cung Thiếu nhi hiện tại như thế nào cho hợp lý.

Với chúng tôi thì Cung thiếu nhi Hà Nội có một giá trị lịch sử, gắn kết với một thời kỳ dài mà rất nhiều thế hệ trưởng thành từ đó. Kỷ niệm rất nhiều. Hơn nữa, để Cung Thiếu nhi ở trung tâm sẽ thể hiện sự trân trọng của xã hội với trẻ em.

Tôi nhắc lại một kỷ niệm về năm 1960 - Đây là một dấu mốc quan trọng khi có nhiều sự kiện nổi bật: Đại hội Đảng lần thứ III; Kỷ niệm 15 ra đời Tuyên ngôn độc lập, 30 năm thành lập Đảng, thì Bác Hồ quyết định cho các cháu thiếu nhi đến Phủ Chủ tịch để các cháu vui chơi. Hôm đó, chúng tôi vào sinh hoạt tại đây và Bác Hồ có hai lần đến thăm.

Thời kỳ đó, Bác có một bài phát biểu mà sau này vẫn còn tài liệu lưu trữ, rằng: Đất nước còn nghèo cho nên ta phải sử dụng một công trình của người Pháp cũ để lại. Nếu sau này đất nước giàu có hơn thì Bác mong muốn Phủ Chủ tịch này sẽ nhường cho các cháu vui chơi.

Đó là tư tưởng rất hay thể hiện mong muốn và tình yêu của một vị lãnh tụ dành cho thiếu nhi. Tất nhiên sau này, chúng ta chưa có điều kiện để làm việc ấy. Nhưng nhắc lại để thấy sự trân trọng của Bác, của Nhà nước với thế hệ trẻ - Sẵn sàng chọn những gì tốt nhất, đẹp nhất dành cho thiếu nhi.

dương trung quốc

Trong khi đó, giờ đây nhiều nơi, nhiều chỗ rất ít quan tâm đến trẻ. Cả một khu dân cư rất lớn chỉ mải xây nhà, xây phòng, không có không gian sinh hoạt chung. Ngày xưa có những vùng lưu không rất lớn thì giờ càng ngày càng hẹp lại. Chỗ lưu không đó chính là nơi cho người già, trẻ em có không gian sinh hoạt bên cạnh căn nhà của họ. Họ có thể giao lưu, hưởng thụ những dịch vụ nhỏ… Những khu lưu không này đã xuất hiện tại nhiều điểm dân cư nhưng còn lẻ tẻ và thực tế ngày càng bị thu hẹp dần.

- Nói như vậy có thể thấy rằng việc đầu tư xây dựng hiện tại ít nhiều còn thực dụng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đúng vậy. Với Hà Nội, việc dành ra một không gian rất lớn để xây dựng rất quy mô Cung Thiếu nhi đúng nghĩa thì tôi hoàn toàn hoan nghênh và cho rằng rất cần thiết. Vì Thủ đô gần 10 triệu dân cơ mà. Tất nhiên, còn có các CLB Thiếu nhi ở cơ sở nữa nhưng nơi dành cho thiếu nhi phải hoành tráng, phải thật đẹp, thật tiện nghi, phải được đầu tư rất nhiều về khoa học công nghệ cho các cháu hưởng thụ.

Nói rằng giáo dục là quan trọng nhưng luôn để ở chỗ thứ yếu, trẻ em vẫn là thứ yếu thì cần phải xem xét lại.

Hà Nội ngày xưa đã dành riêng 2 không gian cho trẻ em chơi. Thứ nhất là rạp Ciros, tức là rạp Kim Đồng hiện nay. Xã hội hóa lại biến thành nơi của người lớn buôn bán dịch vụ. Chiếu phim cũng không phải của trẻ em. Ngày xưa khi tôi còn là thiếu nhi, đến đó, các phim chỉ chiếu cho trẻ nhỏ, thậm chí có cả sân phía trước cho các cháu chạy nhảy.

cung thiếu nhi hà nội

Thứ hai là rạp Hòa Bình, nay là Nhà hát múa rối Thăng Long. Tính từ năm 1939, số lượng rạp chớp bóng của cả nước vào khoảng trên 60 rạp, riêng Hà Nội có 7 rạp. Ấy thế nhưng rạp phim thời đó cho trẻ con thì lại chưa có mấy, phần vì ít phim, phần vì giá vé phải rẻ nên các chủ rạp sợ lỗ. Tội là trẻ yêu thích phim phải xem “ké” phim dành cho người lớn. Về sau, Nhà nước ta thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, các chủ rạp phải công tư hợp doanh và sau đó rạp là của quốc doanh.

Nhà nước đã dành rạp Hòa Bình, bên cạnh rạp Kim Đồng, chuyên chiếu phim cho thiếu nhi, thu hút rất đông giới trẻ tới xem. Nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc còn nhỏ ra Hà Nội, đi qua Bờ hồ đã có câu thơ “Hòa Bình rực phim mầu” là vậy.

Nói như vậy để thấy rằng, trên thực tế, chúng ta hiện nay rất ít quan tâm thực sự đến trẻ, dù đã nói và bàn rất nhiều. Và sự thật là chúng ta thu hẹp nhiều sân chơi của các cháu. Cho nên bây giờ, Hà Nội đầu tư làm một không gian mới thì chúng ta nên ủng hộ, nhưng như thế là chưa đủ.

Cung thiếu nhi hà nội
Cung thiếu nhi hà nội

 

Đồng điệu với Nhà sử học Dương Trung Quốc về việc thiếu những không gian thực sự cho trẻ em, bà Ngọc chia sẻ: “Bây giờ nhiều môi trường, nhiều hình thức mở ra nhưng để nó có tính cộng đồng cao thì không đâu bằng Cung Thiếu nhi, nhất là ở thời chúng tôi. CLB Thiếu nhi ngày đó, như một tượng đài trong lòng chúng tôi vậy – Nó sống mãi. Giàu nghèo đều đến học đến chơi được. Nhà nào khá thì cho con học đàn vì phải một thầy một trò. Nhà nào bình dân hơn thì có các lớp thêu thùa, may vá, hội họa… Đó là sân chơi hồn nhiên lắm. Hiện giờ cũng có nhiều nhưng không bình dân như ngày xưa”.

“Đến giờ phút này chúng tôi vẫn phản đối nếu Cung Thiếu nhi Hà Nội ở Lý Thái Tổ không dành cho thiếu nhi nữa. Vì biểu tượng đó Bác Hồ nói là phải được đặt ở Trung tâm Hà Nội, phải được đặt ở những nơi trang trọng như các Trung tâm quan trọng khác. Trẻ em là mầm non, để phát triển thì phải ở trung tâm. Giờ ta đưa Cung đi đâu cũng được nhưng cả một giai đoạn lịch sử mấy chục năm từ thời chiến tranh đến thời Pháp thuộc thì đó vẫn là nơi sinh hoạt, là ký ức của nhiều người”, bà Tú chia sẻ.

Cung thiếu nhi hà nội

Nói đến đây bà xúc động: “Thời ấy gian khổ nhưng rất hạnh phúc. Trẻ con bây giờ sướng thật đấy nhưng dường như nhiều em bàng quan với tất cả. Không thấy có cảm xúc gì cả. Hoặc là mình chưa biết khơi gợi. Chúng vẫn đi sinh hoạt, vẫn hát múa nhưng dường như mất đi sự vô tư. Tất nhiên, mình không thể cứ mãi là người hoài cổ, vì mỗi thời một khác. Nhưng những gì là thiết chế văn hóa lịch sử thì hãy cố gắng để lại…”.

Đến giây phút này thì tôi đã hiểu, vì sao trong những câu chuyện kể rất dài, rất nhiều chi tiết nhưng bà Tú, bà Ngọc lại đặc biệt có thể nhớ vanh vách tên của những anh chị phụ trách, bạn bè chang lứa thời đó, nhớ từng giai điệu bài hát xưa ơi là xưa được học ở Cung Thiếu nhi... Đó là bởi, những ký ức về địa chỉ này đã ăn vào hơi thở của thế hệ bà. Để giờ, mỗi khi vô tình nhắc đến hai chữ “mất đi” thì họ bất giác hoảng hốt như thể sắp phải cắt đi một phần máu thịt.

 

cung thiếu nhi hà nội

Trong cuộc gặp gỡ hưu duyên lần này này của tôi với thế hệ 5x, 6x, có một người phụ nữ kiệm lời, lặng lẽ quan sát và lắng nghe từ đầu đến cuối, y hệt như cách mà bà đã làm của hơn 50 năm về trước - Khi được là khách mời danh dự đến tham gia sinh hoạt tại CLB Thiếu nhi Hà Nội. Bà là Nghệ sĩ ưu tú Đào Tuyết Trinh - Bè trưởng Violoncelle của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và là một trong 4 thành viên của nhóm Tứ tấu dây Musica Amore lẫy lừng trong giới nghệ sĩ.

Bà kể cho chúng tôi nghe về một số trải nghiệm tại những quốc gia trên thế giới nơi bà đã từng lưu diễn:

“Khi mình sang Nhật, chuyện giữ gìn các khu di tích cũng như các giá trị truyền thống của họ rất đặc sắc. Thái Lan, Campuchia, Lào,… cũng có cách lưu giữ rất tốt.

cello đào tuyết trinh
NSƯT Đào Tuyết Trinh

Cụ thể như tại Philippines, thủ đô Manila là một thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại. Dù đi giữa khu đô thị tráng lệ thì kề sát bên đó vẫn có những khu phố cổ kính, nhà rất thấp và thực ra trông rất lạc hậu nhưng họ không đụng chạm đến mà bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Du khách đến đây không khó để nhận ra đó chính là một công trình kiến trúc gợi liên tưởng về quá khứ… Điều này hiển hiện rõ nét nhất ở khu thành cổ Intramuros, ghi dấu những bước thăng trầm của lịch sử Philippines, còn hiện rõ qua những công trình còn sót lại của người Tây Ban Nha…

Trải qua thời gian, nhiều thứ bên trong Intramuros đã bị tàn phá, nhưng vẫn còn lại một số công trình đáng kể được Philippines bảo tồn khá tốt như Nhà thờ Chính tòa Manila, Nhà thờ và bảo tàng San Augustin - Nhà thờ cổ nhất ở Philippines được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

Hay như Pháo đài Santiago. Khách tham quan đến đây có thể dễ dàng nhận ra những vết đạn lở hoác trên những bức tường thành cao ngất, những đường đi phủ kín rêu… rất cổ và đẹp.

Và họ xây hẳn sang một bên khác những tòa nhà chọc trời, những trung tâm hành chính dịch vụ hiện đại.

Manila
Thành cổ philipines
Manila

Khu thành cổ Intramuros (Manila, Philippines)

Mình thấy mô hình như vậy rất hay khi không phá vỡ những gì thuộc về lịch sử nhưng vẫn rất phát triển. Có nhiều bài học về giá trị lịch sử và tinh thần là vô giá, bản thân chúng ta đều đã trải nghiệm. Giá trị về vật chất chỉ là hữu hạn một phần nào đó.

Những gia đình, cá nhân có kỷ niệm đẹp về tuổi thơ thì sẽ theo mình đi suốt cuộc đời. Câu chuyện ký ức giống như một người đăng quang hoa hậu vậy. Họ có thể già đi, xấu đi theo thời gian, nhưng khoảnh khắc mà họ đăng quang sẽ còn mãi. 

Sự thật, có những thứ dù rất đau đớn ta cũng phải bỏ đi để nhường chỗ cho một sự phát triển đột phá. Điều đó ta không phủ nhận. Nhưng nếu sự thiếu vắng đó không làm nên những đột phá ngoạn mục, ngược lại, khiến rất nhiều thế hệ mất đi ký ức, giá trị lịch sử quý giá một thời bị mai một, thì tại sao mình không giữ? Không những cần giữ mà còn cần được bảo tồn”, bà Trinh nói.  

Cùng chung quan điểm này, bà Tú chia sẻ: “Tôi đi dạy ở nhiều nơi, khắp các tỉnh thành của Việt Nam, thì có nhiều người hỏi: Tại sao bà đã già rồi mà vẫn hát được hồn nhiên như một đứa trẻ? Điều đó làm tôi suy ngẫm rằng sự hồn nhiên, trong veo ấy nó xuất phát từ đâu nhỉ? Nó xuất phát từ cái tâm của mình mà gốc rễ được hình thành từ những tháng năm tuổi thơ.

cung thiếu nhi hà nội

Cung Thiếu nhi Hà Nội là nơi quan trọng làm nên tôi hôm nay. Tôi được sống trọn vẹn trong âm nhạc để tình yêu đó nó ăn vào hơi thở, trở thành là mình lúc nào không hay. Và mình truyền lại điều đó cho rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên một cách tự nhiên và nhiệt huyết. Nên tư tưởng, tinh thần là thứ vô cùng quan trọng. Chưa kể có những thứ là tượng đài của lịch sử, là quá khứ của nhiều thế hệ, ta không thể thờ ơ. Để giữ gìn, bảo tồn nó thực sự là điều đó khó. Vì khi mà trong đầu người ta còn đầy rẫy những toan tính lợi ích, tranh giành… thì sao có được một không gian văn hóa lịch sử đích thực dành riêng cho trẻ em (?!)”.

Theo quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc thì “Lý tưởng nhất vẫn là để cho các cháu thiếu nhi. Còn sử dụng vào việc khác thì cũng cần phải cân nhắc”.

Ông nói rằng: “Ta không nên cái gì cũng nhất nhất là một, tức là cái gì cũ cũng phải giữ nguyên xi. Phải có cái mới, phải thay thế chứ. Nhưng nếu cho các cháu sinh hoạt ở Trung tâm thì ý nghĩa biểu trưng sẽ có nhiều giá trị hơn. Biểu trưng ở đây có nghĩa là những điều tốt đẹp nhất đều dành cho thiếu nhi, cho thế hệ trẻ. Đó là tâm thức của người Việt”.

*  *  *

Chia sẻ với báo chí cách đây nhiều năm, KTS. Lê Văn Lân - Cha đẻ của công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội đã thể hiện khát khao về việc gìn giữ và bảo tồn công trình này như một địa chỉ văn hóa dành riêng cho trẻ em. Ông cũng chia sẻ câu chuyện về thế hệ lãnh đạo cũ của thành phố Hà Nội đã rất tâm huyết với công trình này: 

“Khi chiến tranh vừa kết thúc, công việc thì bộn bề, có ai quên được Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Vỹ hàng sáng trước giờ tới Ủy ban vẫn có mặt ở công trường để theo dõi và động viên công nhân xây dựng.

Rồi buổi chiều, sau khi rời Ủy ban hay trở về từ ngoại thành, ông lại qua công trường đốc thúc, ngắm nghía có lúc đến cả nửa tiếng đồng hồ. Ông sờ nắn từng chi tiết và các ô cửa bằng sắt… rồi ông yêu cầu gọi thợ làm ô tô đến để mài, đánh giấy ráp và bả ma tít cho thật nhẵn trước lúc sơn…

Những tình tiết đó nay kể lại, có người có thể thấy có cái gì đó chưa ‘chuyên nghiệp’, nhưng tất cả thực sự đều rất cảm động. Cả công trường cũng như những anh chị em thiết kế chúng tôi, tất cả đều cuốn hút vào cái sôi nổi và nhiệt tình đó. Hà Nội của chúng ta những năm tháng ấy là thế. Nổi lên trên tất cả là tình cảm của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày ấy với các cháu”, KTS. Lê Văn Lân tâm tình.

cung thiếu nhi hà nội

 

Những thế hệ măng non thuở nào được sống trong nôi của CLB Thiếu nhi Hà Nội – Họ nay đã trở thành những người nổi tiếng và có ảnh hưởng xã hội như các nghệ sĩ Hồng Kỳ, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Chí Trung,… hoặc là những con người bình dị đang sống tĩnh lặng đâu đó trong những con ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội. Họ không biết nhau, ở những thế hệ khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những chứng nhân lưu giữ ký ức về một thiết chế văn hóa – lịch sử quý báu của Thủ đô. Nhờ thế hệ họ mà những khối bê tông vô chi vô giác trở nên có hồn và gây nhớ thương đến vậy, cho dù thời gian có trôi nhanh bao nhiêu.

Lâu nay, mỗi lúc cần nói đến ý nghĩa của việc giữ gìn văn hóa, lịch sử, nhiều người trong chúng ta thường viện dẫn câu nói của nhà thơ xứ Đaghestan (Liên bang Nga) Rasul Gamzatov: "Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác!".

Ý thức bảo vệ văn hóa, lịch sử ngụ trong câu nói ấy dường như không khi nào cũ, bởi thực tế, chúng ta chứng kiến vẫn còn không ít những phần thiết chế văn hóa, lịch sử của quá khứ đang tiếp tục bị "bắn bằng súng lục", tức là bằng sự im lặng, lãng quên, thậm chí phá hoại.

cung thiếu nhi hà nội
cung thiếu nhi hà nội
cung thiếu nhi hà nội

 

Chúng ta sẽ ứng xử với quá khứ của mình theo cách nào? Ít nhiều trong trường hợp Cung Thiếu nhi Hà Nội này - nó không còn là câu chuyện ký ức cá nhân của bà Tú, bà Ngọc, bà Trinh... mà là chuyện cần bàn của tập thể, của những người lãnh đạo đứng đầu thành phố.

Trong một niềm tin vững vàng, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Tôi tin là lãnh đạo TP. Hà Nội chắc chắn sẽ rất cân nhắc. Và sẽ có đủ quy trình để lấy ý kiến. Còn mỗi người chúng ta nên có thái độ thiện chí, ủng hộ cái đúng. Và lãnh đạo TP. Hà Nội khôn ngoan sẽ chọn những phương án tốt nhất, hài hòa giữa các lợi ích văn hóa và kinh tế”./.

Ảnh/Quay phim: Trịnh Tây
04/05/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top