Aa

Cuộc đua cam kết lợi nhuận condotel: Kẻ đã sa chân, người không lùi bước

Thứ Ba, 12/12/2017 - 06:31

Sự việc tại Bavico – Nha Trang đã gây ra sự chú ý lớn cho giới đầu tư condotel khi lần đầu tiên, một chủ đầu tư đã cho thấy sự bất lực trong việc chi trả cam kết lợi nhuận. Tuy nhiên, cuộc đua cam kết lợi nhuận giữa các chủ đầu tư condotel không vì thế mà dừng lại.

“Chết” ở Bavico

Vừa qua, gần 100 khách hàng mua căn hộ du lịch tại khách sạn Bavico (2 Phan Bội Châu, Nha Trang) của Công ty TNHH sản xuất thương mại Bạch Việt đã kêu cứu các cơ quan chức năng về việc Công ty Bạch Việt đã không làm đúng cam kết khi thu hút, kêu gọi vốn đầu tư.

Theo đó, từ năm 2015, rất nhiều khách hàng đã chi từ 1,2 – 1,4 tỷ đồng để mua hơn 100 căn hộ du lịch tại khách sạn Bavico. Ông Đinh Tiến Sử (Giám đốc Công ty Bạch Việt) đã cam kết sau khi khách hàng mua căn hộ sẽ giao lại cho công ty kinh doanh và công ty sẽ trả lợi nhuận hàng năm là 15% tổng giá trị căn hộ. Nếu công ty chậm trả lợi nhuận sẽ chịu phạt lãi 0,2 %/ngày.

Không có cam kết lợi nhuận, nhà đầu tư có bỏ tiền để mua condotel?

Không có cam kết lợi nhuận, nhà đầu tư có bỏ tiền để mua condotel?

Để tạo sự tin tưởng hơn cho khách hàng, Công ty Bạch Việt còn cam kết liên hệ với các cơ quan chức năng để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho khách hàng.

Trong trường hợp khách hàng không có nhu cầu sử dụng, Công ty Bạch Việt sẽ mua lại căn hộ với giá tương đương giá khách hàng đã mua cộng với chênh lệch là 10-15%.

Tuy nhiên, các khách hàng cho biết hơn 2 năm nay, Công ty Bạch Việt đã không trả một đồng lợi nhuận nào. Không chỉ thế, sau khi đi tìm hiểu về mảnh đất xây dựng dự án này, nhiều khách hàng mới ngã ngửa vì đây là đất quốc phòng, không được phép mua bán.

Cụ thể, dự án khách sạn Bavico được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 3.000m2, là khu đất thuộc quản lý của Quân khu 5, toàn bộ khu đất đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Song, điều đáng nói là trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Công ty Bạch Việt, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa lại ghi rất rõ: "Mục tiêu đầu tư: khách sạn lưu trú, kinh doanh căn hộ du lịch hoặc cho thuê dài hạn và các dịch vụ phụ trợ".

Chính điều này đã khiến cho nhiều người mua tin rằng việc mua bán căn hộ này là đúng với quy định của pháp luật và căn hộ mà họ mua được quyền mua bán.

Theo các chuyên gia, dự án Bavico chỉ là khách sạn truyền thống, khách sạn để cho thuê, chứ không phải là làm theo hình thức condotel - được bán căn hộ cho các chủ đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã “giăng bẫy” khiến khách hàng mắc lừa chủ đầu tư.

Hiện tại, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Công ty Bạch Việt phải có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tranh chấp với khách hàng, tuy nhiên đến nay những người mua nhà tại Bavico vẫn chưa nhận được tiền vốn của mình.

Khách hàng tụ tập phản đối Công ty Bạch Việt tại dự án Bavico.

Khách hàng tụ tập phản đối Công ty Bạch Việt tại dự án Bavico.

Không có cam kết lợi nhuận thì ai tin tưởng mà mua condotel

Câu chuyện tại dự án Bavico làm xôn xao giới đầu tư, bởi trước nay cơ sở pháp lý của loại hình condotel vẫn hết sức chông chênh và bản thân các nhà đầu tư nhiều khi xuống tiền vẫn đang trong tình trạng “mơ hồ”.

Rủi ro lớn như vậy nên lực kéo của condotel đến chủ yếu từ mức cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn, từ 8 – 10% trong khoảng 8 – 10 năm; thậm chí tại một số dự án, mức cam kết lợi nhuận còn lên đến 12%.

Cuộc đua cam kết lợi nhuận đến nay vẫn còn những tranh cãi nhất định về tính xác thực (khả năng chi trả của chủ đầu tư) tuy nhiên có một điều chắc chắn là hầu hết các dự án condotel nếu muốn bán được hàng thì đều phải có cam kết lợi nhuận.

Lý giải về điều này, ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế kỷ, nói: “Đứng dưới góc độ đầu tư bất động sản, có thể nói việc cam kết lợi nhuận bao nhiêu phần trăm là phi thực tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là cái đặc thù của Việt Nam”.

Theo ông Hưng, các thị trường khác không có (hoặc rất ít) chuyện cam kết lợi nhuận nhưng bù lại, họ có những công ty quản lý rất uy tín, đưa ra những dự báo chuẩn xác về khả năng sinh lời trong tương lai. Những dự báo này căn cứ trên nhiều yếu tố như kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng khách du lịch, tỷ lệ lấp đầy, giá phòng hay khả năng bị thay thế bởi sản phẩm khác…

Quyết định cuối cùng thuộc về nhà đầu tư. Không có cam kết lợi nhuận nên đổi lại, giá chào bán rất hợp lý và dĩ nhiên, các dự án có khả năng lên giá trong tương lai.

“Câu chuyện ở Việt Nam là nếu chị có tiền và nhà đầu tư quảng cáo rằng đầu tư ở đây có lợi nhuận 10 – 15% thì chị có tin không, hay chỉ tin khi có cam kết? Hỏi vậy là đã tự trả lời, vì thị trường Việt Nam còn mới, không cam kết thì nhà đầu tư không tin”, ông Hưng phân tích.

Ông Hưng nhận định: năm 2018, thị trường condotel, nghỉ dưỡng vẫn có cam kết lợi nhuận. Đó là một nội dung khá quan trọng với nhà đầu tư.

“Chúng ta phải hiểu có 2 động cơ gia tăng đầu tư bất động sản, một là thu nhập từ ngân hàng (lãi suất – PV) và hai là giá trị vốn, tăng gấp đôi hay giảm một nửa sau 10 năm”, ông nói.

Cam kết lợi nhuận sẽ biến mất, condotel cũng biến mất?

Chia sẻ tại hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam 2017 – 2018: Toàn cảnh và dự báo”, ông Chow Chee Fan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, cho biết ở Malaysia 10 – 20 năm trước có rất nhiều condotel, nhưng bây giờ đã không còn nữa.

Lý do là nếu cam kết lợi nhuận cao thì chủ đầu tư thà tự vận hành, kinh doanh; còn nếu cam kết thấp thì không bán được hàng.

Chia sẻ thêm về condotel và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực nhận định thị trường đã phát triển rất tích cực trong 2 năm qua.

“Về hướng đi trong phát triển condotel, bên Bali (Indonesia) cũng làm như vậy, Phukhet (Thái Lan) cũng làm như vây. Tuy nhiên thì chúng ta phải lưu ý về cung cầu và quy hoạch phải đảm bảo. Thứ nữa là phương thức đầu tư, phải tạo ra cư chế minh bạch, chặt chẽ, tránh xảy ra tranh chấp”, ông Lực nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top