Aa

Cuộc sống giản đơn của ông chủ hãng thời trang Zara

Thứ Bảy, 03/11/2018 - 06:30

Dù là một trong những người giàu nhất thế giới, tỷ phú đứng sau hãng thời trang Zara vẫn thường ăn trưa với nhân viên trong canteen của công ty.

Amancio Ortega, ông chủ người Tây Ban Nha của hãng thời trang Zara nổi tiếng toàn cầu, từng ba lần giữ danh hiệu người giàu nhất thế giới theo thống kê của tạp chí Forbes. Tại thời điểm tháng 8/2017, vị tỷ phú ngoài 80 tuổi này nắm trong tay khối tài sản trị giá tới 85 tỷ USD.

Ông chủ hãng thời trang Zara Amancio Ortega. Ảnh: Reuters.

Xuất thân là nhân viên đứng quầy hàng, Ortega đã sáng lập Inditex, tập đoàn sở hữu thương hiệu thời trang đình đám Zara, cùng người vợ cũ là bà Rosalia Mera vào năm 1975. Cả hai đã phát triển doanh nghiệp của mình thành một thế lực quốc tế và hiện tập đoàn Inditex có vốn hóa thị trường lên đến hơn 100 tỷ USD.

Dù giàu có, Ortega lại mang lối sống vô cùng giản dị, theo Telegraph. Thực tế, trong hơn 40 năm kể từ khi ông thành lập Inditex đến nay, cuộc sống thường ngày của Ortega gần như không thay đổi. Thứ thay đổi duy nhất là khối tài sản của ông không ngừng “phình to ra”.

Ortega mỗi ngày vẫn tới một quán cà phê quen thuộc ở quê nhà La Coruna, thành phố Galicia bên bờ Bắc Đại Tây Dương, nơi ông dành hầu hết cuộc đời của mình gắn bó. Ortega cũng thường xuyên được nhìn thấy đi dạo ở quảng trường Maria Pita.

Rút khỏi ghế chủ tịch Inditex từ năm 2012 nhưng Ortega mỗi ngày vẫn tự mình tới trụ sở của tập đoàn ở Arteixo, cách La Coruna khoảng 16 km. Ông chủ giàu có dùng bữa trưa với các nhân viên tại canteen ngay trong công ty. Thay vì nhốt mình trong văn phòng, Ortaga lại thích chia sẻ không gian làm việc với các nhà thiết kế, chuyên gia vải vóc và đối tác tại chính nhà máy sản xuất.

Điều kỳ lạ hơn đối với một người xây dựng sự nghiệp trong ngành may mặc như Ortega là ông dường như không có bất kỳ sở thích đặc biệt nào đối với thời trang cũng như không phải khách hàng trung thành của các hãng thời trang ông sở hữu. Ortega ăn mặc đơn giản, khiêm tốn trong bộ trang phục đặc trưng gồm một chiếc áo khoác xanh da trời, áo sơ mi trắng và quần âu xám màu. Không sản phẩm nào thuộc về Zara.

Trớ trêu thay, Ortega có lẽ là một trong số rất ít người không mặc quần áo của Inditex.  Ngoài Zara, tập đoàn còn sở hữu các thương hiệu khác như Bershka, Pull & Bear và Massimo Dutti. Inditex hiện có hơn 6.500 cửa hàng bán lẻ tại 94 quốc gia và doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ USD.

Một trong số ít tài sản “không khiêm tốn” của Ortega là chiếc máy bay riêng Bombardier trị giá 45 triệu USD. Tuy nhiên, ông cũng không sử dụng nó nhiều bởi quá bận rộn làm việc.

Chìa khóa dẫn tới thành công của Ortega là một mô hình kinh doanh độc nhất vô nhị mang tên “thời trang chớp nhoáng”, được cấu thành bởi hai nguyên tắc chính: Cho khách hàng thứ họ muốn nhanh nhất có thể.

Phong cách ăn mặc giản dị là đặc điểm dễ nhận thấy ở ông. Ảnh: Reuters.

Những thành tựu của Ortega càng khiến người khác khâm phục khi ông có xuất thân nghèo khó và từng phải trải qua quãng thời gian vô cùng vất vả trong suốt cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Cuộc sống gia đình ông rất cơ cực, nguồn thu nhập chính đến từ đồng lương ít ỏi của cha ông với nghề công nhân đường sắt. Mẹ ông làm giúp việc và không phải lúc nào cũng được thuê. Nhà Ortega thậm chí không thể đáp ứng được những nhu yếu phẩm cơ bản nhất.

Ở tuổi 13, Ortega bắt đầu làm việc cho một cửa hàng quần áo ở La Coruna. Đến năm ngoài 20 tuổi, ông cùng các anh chị em và vợ tương lai Rosalia Mera làm áo choàng cho phụ nữ để bán.

Cửa hàng đầu tiên của họ mở cửa năm 1975. Ngay từ đầu, tốc độ đã là trọng tâm trong triết lý kinh doanh mà công ty theo đuổi, điều góp phần biến công ty trở thành ông lớn trong ngày bán lẻ như ngày nay.

Cửa hàng Zara thay đổi kho hàng hai lần một tuần và đơn hàng được chuyển tới khách chỉ trong vòng 48 tiếng. Thứ gì được duyệt bán hay thứ gì bị loại đều do quản lý cửa hàng quyết định. Họ là những người được huấn luyện để theo dõi cẩn thận mọi diễn biến trong cửa hàng, từ mặt hàng bày bán đến việc khách hàng đang cần gì hay thậm chí họ đang mặc gì.

Nhờ hệ thống hậu cần siêu trơn tru, hơn một nửa quần áo của Inditex đều được làm ở châu Âu, những ý tưởng mới có thể đi từ bản vẽ tới cửa hàng trong chưa đầy ba tuần, ít hơn 50% so với thời gian trung bình cần có của các chuỗi bán lẻ lớn khác.

Vậy một ông lão nông thôn đơn giản với khối tài sản khổng lồ thường làm gì trong thời gian rảnh? Nuôi gà tại ngôi nhà vùng đồng quê của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top