Aa

Cuộc thoát hiểm vụ "trốn thuế" lớn nhất thế kỷ, Kỳ 4: “Cháy ở đâu, dập lửa ở đó!”

Thứ Tư, 31/08/2016 - 07:02

Tôi và nhà báo Phương Quang vốn là những phóng viên kỳ cựu của báo Thương Mại chuyên viết phóng sự điều tra. Khi phát hiện ra “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” hoàn toàn không có thật thì sự phấn khích trong chúng tôi lên đến đỉnh. Trong tay chúng tôi đang có một bộ tài liệu quý giá mà không một tờ báo nào có được.

Chúng tôi thường ví nghề nhà báo tựa như những người thợ săn, khi săn được một thông tin khủng như thế, một đời làm báo cũng không chắc được mấy lần.

Thế nhưng làm thế nào để xử lý được nó thành một sản phẩm báo chí hấp dẫn, rồi làm thế nào để nó được đăng tải trên báo, rồi lại phải lường trước lực “phản” một khi đụng chạm đến những quyền lực to lớn… quả là không đơn giản.

Tôi bảo Phương Quang:

- Ông viết trên báo ông, tôi viết trên báo tôi, hẹn nhau ngày xuất bản để người nọ không phải “ăn cơm nguội” của người kia!

Nhà báo Phương Quang gãi đầu:

- Viết thì dễ thôi, nhưng đăng được không dễ đâu, vì tôi không phải là Tổng biên tập.

Quả nhiên, sự việc đúng như vậy. Trong nghề báo, đôi khi im lặng cũng là thể hiện sự ủng hộ chân tình rồi.

Còn tôi đương nhiệm là Tổng biên tập một tờ báo, cứ ngỡ là xuất bản một bài báo chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay của chính mình, nhưng sự việc diễn ra lại không đơn giản như thế…

Tại Công ty 3C, bầu không khí nóng như trên chảo lửa. Ngay khi xuống máy bay từ Moskova về, Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng liền đến thẳng văn phòng làm việc và quyết định ngồi vào bàn viết đơn khiếu nại khẩn cấp gửi tới các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội,Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội và một số cơ quan khác.

Cách tư duy lúc đó cũng rất đơn giản, Công ty 3C đang bị coi là trốn thuế, được nêu danh công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng, chắc chắn các nhà lãnh đạo biết và dư luận quan tâm. Một khi bị quy chụp tội một cách không có căn cứ như thế, công ty có quyền kêu toáng lên là mình bị oan, phải đưa lời kêu oan của mình đến được những người có trách nhiệm cao nhất.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng vì chính thời điểm đó, tại Hà Nội đang diễn ra kỳ họp Quốc hội, nếu có cách đưa thông tin đến các lãnh đạo đang có mặt trong những phiên họp này, lá đơn kêu oan của công ty chắc chắn sẽ được họ xem xét.

Lá đơn thư khiếu nại được soạn thảo trong vòng hơn một giờ đồng hồ, trong đó trình bày rất rõ rằng, công ty không trốn thuế và chưa bao giờ được thanh tra Nhà nước đến làm việc, cũng chưa bao giờ nộp một khoản thuế lên đến 21,5 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước như của Tổng Thanh tra đã báo cáo trước Quốc hội.

Để có thể hình dung được giá trị của 21,5 tỷ đồng thời đó, ta cứ tưởng tượng thế này: Năm 1993, khi lập ra Kho bạc nhà nước, cơ quan giữ tiền từ mọi nguồn thu của Chính phủ và đảm bảo mọi chi tiêu của Chính phủ trên quĩ của nó cũng chỉ có vỏn vẹn khoảng trên 200 tỷ đồng. Vậy là nếu thông tin của Thanh tra Nhà nước là đúng thì chẳng lẽ chỉ riêng Công ty 3C đã đóng góp 10% nguồn thu của Chính phủ khi đó?!

Một điều may mắn là Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng đã có một thời gian 7-8 năm làm việc ở Văn phòng Chính phủ với hàm Vụ phó tổng hợp, Thư ký riêng của GS. Đoàn Trọng Truyến, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Vì thế, ông quen, thậm chí thân thiết với nhiều cán bộ tham mưu cho lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước.

Kết thúc ngày làm việc căng thẳng đầu tiên, tối hôm đó, ông đã đến thăm ông Lê Xuân Trinh, khi đó mới nhận chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để trình bày và đề nghị ông giúp đỡ, làm sáng tỏ vụ việc. Sau đó, Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng có cuộc gặp gỡ ngắn với ông Sáu Ngọc, Trợ lý của Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Rất mừng là đến cuối buổi chiều hôm đó, các ông đều đã đọc đơn kêu cứu của Công ty 3C và đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên về thông tin công ty đưa ra trái ngược hoàn toàn với báo cáo của Thanh tra Nhà nước.

Cứ ngỡ là khi tiếp cận với sự thật hiển hiện như thế, việc minh oan cho một doanh nghiệp nhỏ bé như 3C chỉ là cái “ phẩy tay” hoặc cú điện thoại của lãnh đạo cấp cao. Thế nhưng không phải và không thể, tất cả chỉ là những thông tin ban đầu. Chúng bị hòa trong một biển quyền lực mênh mông, không dễ gì được tách triết ra để xử lý một sớm một chiều.

Ba hôm sau, Công ty 3C nhận được văn bản trả lời chính thức đầu tiên từ Văn phòng Quốc hội do Phó Chủ tịch Nguyễn Hà Phan ký. Lúc này, anh em ở 3C rất phấn khởi bởi khi đang bị hàm oan, làm đơn gửi các lãnh đạo cấp cao kêu oan và chờ đợi một câu trả lời chính thức mà chỉ sau 3 ngày, bằng con đường công văn hỏa tốc, công ty đã nhận được văn bản trả lời của Chủ tịch Quốc hội. Công văn rất ngắn gọn với nội dung cũng rất đơn giản, trong đó đề rằng Chủ tịch Quốc hội đã nhận được đơn đề nghị của Công ty 3C, đã chuyển đơn này đến Chính phủ và Thanh tra Nhà nước, yêu cầu làm rõ và báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thế nhưng, kết thúc kỳ họp Quốc hội năm ấy, không có một thông tin nào từ cấp có thẩm quyền “đính chính” về sự việc này.

Với quan niệm “cháy ở đâu thì dập lửa ở đó” trước, ngay sau khi nhận văn bản của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan, Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng viết tiếp một công văn gửi Tổng Thanh tra Nhà nước, trong đó trích dẫn luôn việc công ty đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Quốc hội và đề nghị có một cuộc gặp trực tiếp với Tổng Thanh tra Nhà nước để được báo cáo, trình bày sự việc. Bởi vì, chính Thanh tra Chính phủ là nơi phát ra thông tin “Công ty 3C trốn thuế 21,5 tỷ đồng”.

Kỳ sau: Vùng vẫy để tự cứu mình

Đọc toàn bộ loạt bài:Cuộc thoát hiểm vụ "trốn thuế" lớn nhất thế kỷ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top