Câu chuyện bắt đầu từ buổi gặp gỡ giữa những người đứng đầu Công ty 3C và Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên hay Kiên tóc bạc như đã đăng ở Kỳ 1). Sau đó, hợp đồng hợp tác giữa các bên được ký kết. Một nhân vật quan trọng từ nước Đức xa xôi xuất hiện. Ông ta tên là Kurg, Tổng giám đốc công ty dệt may Textinmex của CHDC Đức. Doanh nghiệp này chuẩn bị giải thể vì Đông Đức đã sáp nhập vào Tây Đức.
Ván cờ mạo hiểm đã bày ra bởi ký hợp đồng làm ăn với một công ty sắp sửa giải thể ở một bộ máy Nhà nước sắp bị biến mất chắc chắn là cuộc chơi không dành cho những người yếu bóng vía. Nhưng sự hấp dẫn của nó lại là một tỷ suất lợi nhuận có thể lên tới 300% như C. Mác đã từng nói, một mức hấp dẫn không chỉ dành riêng cho các nhà tư bản chấp nhận đối mặt với giá treo cổ.
Cũng thời gian này, Công ty 3C đang rất thành công trong các thương vụ xuất khẩu máy tính sang Liên Xô, ước tính doanh số khoảng 50-70 triệu rúp chuyển nhượng (RCN) một năm. Một trong những bài toán khó khăn của 3C khi ấy là biến số tiền này thành hàng hóa hoặc tiền Việt Nam, mà việc ứng RCN cho Vietnam Airlines mua 6 máy bay TU 134 là một ví dụ. Nay lại có cơ hội biến mấy chục triệu RCN thành hàng hóa, mà lại là loại nguyên vật liệu khan hiếm, đúng là cơ hội hiếm hoi.
Nhân đây, xin nói qua về một phương tiện thanh toán đã bị vùi lấp bởi thời gian này. Hồi ấy, các nước XHCN hình thành ra Khối SEV, gọi là Hội đồng tương trợ kinh tế. Trong khối SEV, các nước thống nhất dùng một đồng tiền chung để thanh toán, đó là đồng Rúp vàng, với giá trị “bản vị vàng” có hàm lượng vàng chính thức bằng 0,987412 gram vàng nguyên chất. Ở Việt ta gọi là RCN. Với giá trị được bảo đảm bằng vàng khi đó thì 0,6 RCN = 1USD.
Trong hợp đồng ba bên, phía Đức là Textinmex do ông Krug đại diện, phía Việt Nam là Cofextimex là nhà nhập khẩu và Công ty 3C với tư cách là bên cung cấp tài chính. Số lượng hàng hóa được cam kết rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tấn sợi các loại, với tổng giá trị hơn 20 triệu RCN.
Liền sau đó, Công ty 3C chỉ đạo anh em đại diện ở Moskva nhanh chóng ký hợp đồng bán máy tính cho các khách hàng Liên Xô để thu đủ tiền thực hiện hợp đồng đã ký với ông Krug. Từng triệu, từng triệu RCN cứ đổ về tài khoản của Công ty 3C tại Ngân hàng MBES, một ngân hàng được hình thành có trách nhiệm thanh toán quốc tế trong khối SEV.
Một rủi ro xuất hiện, với lượng tiền RCN rất lớn kia đã được quy tụ, nếu phía Đức không giao được hàng thì Công ty 3C sẽ làm gì với số tiền ấy?
Trong khi đó, vì hoàn cảnh chính trị thay đổi, giá trị đồng RCN trên thị trường nội bộ khối SEV sụt giảm một cách thê thảm. Đã có lúc,từ chỗ một USD trị giá bằng 0,6 RCN thì nay đã đổi được... 70 RCN.
Và khi ấy, nếu tình huống đó xảy ra, tài sản của Công ty 3C sẽ giảm xuống khoảng... 100 lần!
May thay, một hôm, Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng được tiếp một viên sĩ quan công an từ TP. Hồ Chí Minh ra và cho biết, từ vài tháng nay, một số container sợi đầu tiên đã về đến cảng Sài Gòn nhưng chưa được thông quan vì chưa đủ thủ tục giấy tờ. Theo đó, viên sĩ quan cho biết, hiện đang có hàng trăm container sợi khác của lô hàng này đang tập kết ở cảng Singapore chờ tàu để chuyển vào Việt Nam.
Cuộc nói chuyện rất ngắn ngủi ấy đã đem đến cho Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng một tin vui bất ngờ. Tâm trạng ông trở nên nhẹ nhõm hẳn. Đã vài tháng chờ đợi chẳng có thông tin chính thức gì từ phía Đức, đang lo lắng ăn ngủ không yên, đầu óc căng thẳng vì một loạt giả thiết, bỗng dưng công an đi tìm mình, họ điều tra đường đi của sợi, hóa ra là báo tin vui. Hàng bắt đầu được chuyển về cảng Việt Nam có nghĩa là hợp đồng đang được thực hiện...
Ông thầm cảm ơn viên sĩ quan cảnh sát từ TP. Hồ Chí Minh đã đem đến một thông tin quý giá và ông nhẹ nhàng ký vào biên bản làm việc với anh ta với cam kết sẵn sàng hợp tác đầy đủ với cơ quan của anh ta; đồng thời, nhấn mạnh với anh ta về việc Công ty 3C đang làm một việc rất có lợi cho nước ta trong tình hình khan hiếm nguyên liệu dệt may và khẳng định rằng hợp đồng được ký kết trên cơ sở được phép của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thế nhưng, một rủi ro nữa lại đặt ra, đó là việc Ngân hàng MBES sẽ ngừng hoạt động sau ngày 31/12, thể theo nguyện vọng của các nước thành viên và yêu cầu chủ tài khoản tất toán.
Thế là vừa vui vì hợp đồng đang được thực hiện một cách thuận lợi, phía Đức đang giao hàng, một phần hàng về đến cảng Sài Gòn, một phần đang tập kết ở Singapore, môt số lượng lớn còn lại đang được sản xuất và sẽ giao tiếp, có thể sang cả năm 1991, câu chuyện trở nên rất căng thẳng.
Một “quả bom nổ chậm” nữa lại nằm trong tay Công ty 3C, đó là hơn 20 triệu RCN đang nằm trong tài khoản. Vậy có nên chuyển cho đối tác toàn bộ số tiền theo hợp đồng không? Nếu họ vì trục trặc ngoài ý muốn nào đó mà không thực hiện toàn bộ hợp đồng thì thế nào?
Quả là một bài toán nan giải, bởi đây là “cuộc chơi” không dành cho người yếu tim.
Ngày 30/12 năm ấy, một cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đánh giá tình hình và định hướng xử lý cho tất cả các công ty của Việt nam có liên quan đến thanh toán qua MBES. Ngoài đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại thương còn có đại diện của 3C và vài doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Bộ Công nghiệp Nhẹ tham gia. Vấn đề được đặt ra là trước tình hình cấp bách thế này, mặc dù phía nước ngoài chưa giao hàng và chưa có hồ sơ chứng từ giao hàng cũng như yêu cầu trả tiền, có nên thanh toán tiền cho bên xuất khẩu không? Nếu chuyển tiền đi mà họ không giao hàng thì sao? Nếu trong trường hợp xảy ra thất thoát, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Không ngần ngại, Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng trả lời ngay trong cuộc họp: “Riêng với Công ty 3C là một công ty tư nhân, chúng tôi làm, chúng tôi tự chịu trách nhiệm, cụ thể hơn, cá nhân tôi chịu trách nhiệm!”.
Kỳ 9: Vĩ thanh, một kết cục có hậu!