Aa

Cuối năm, dòng tiền của nhà đầu tư địa ốc đang đổ vào đâu?

Chủ Nhật, 13/01/2019 - 06:00

So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường bất động sản nhìn chung trầm lắng hơn, tuy vậy giai đoạn cuối năm vẫn có một số khu vực và phân khúc “hút” tiền của nhà đầu tư (NĐT) bởi những lợi thế riêng.

Bất động sản tiếp tục đón dòng tiền lớn vào cuối năm

Thị trường bất động sản đang âm thầm đón những cú hích về dòng vốn, dòng tiền vào thời điểm cuối năm – thời điểm được kỳ vọng bùng nổ của thị trường địa ốc.

Đầu tiên phải kể đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy khá mạnh vào bất động sản. Năm 2018 ước tính cả nước đạt hơn 30 tỷ USD vốn FDI, trong đó có hơn 6,5 tỷ USD đầu tư vào bất động sản, chiếm 21,3% đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI. Các nhà đầu tư dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore...

Bên cạnh đó, nguồn tín dụng ngân hàng, tổng dư nợ tín dụng năm 2018 ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, trong đó, ngành xây dựng - bất động sản chiếm 12,48% tăng 20,5% so với năm 2017.

Ngoài ra, nguồn kiều hối tăng mạnh trong năm 2018, dự kiến cả nước sẽ đạt khoảng 15,9 tỷ USD. Trong đó, TP.HCM thường chiếm khoảng phân nửa lượng kiều hối cả nước, có khoảng 21% đầu tư vào thị trường bất động sản.

Chưa kể, trước bối cảnh lãi suất ngân hàng tiếp tục ổn định ở mức thấp, thị trường chứng khoán bấp bênh, giá vàng không mấy hấp dẫn thì dòng tiền từ các kênh truyền thống âm thầm chuyển dịch vào thị trường bất động sản được xem là lực đẩy cho thị trường ở giai đoạn hiện nay.

Dòng tiền của NĐT đang phân bổ vào đâu?

Mặc dù thị trường chung hiện khá trầm lắng, tuy nhiên vẫn xuất hiện những khu vực và phân khúc được xem là có lực hút đối với các NĐT khi nhìn rõ lợi thế trong dài hạn.

Phân khúc đất nền: Những dự án đất nền lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An (TP.HCM), còn tại Hà Nội một số dự án đất nền tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vân Đồn, Hạ Long... vẫn đang là đích ngắm của nhiều NĐT.

Với giá chào bán còn mềm, đất nền vệ tinh TP.HCM được nhiều NĐT lựa chọn thời điểm cuối năm, đặc biệt, tại các khu vực có hạ tầng giao thông chuẩn bị khởi công, nhiều NĐT về đón sóng.

Nhà phố, biệt thự: Ở phân khúc này, ghi nhận nhu cầu thực tăng cao vào giai đoạn giáp Tết. Theo các doanh nghiệp, ở những dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, chào bán các căn tiếp theo được người mua thực quan tâm nhiều. Nếu giai đoạn đầu, phân khúc này chủ yếu NĐT "xuống tiền" thì đến giai đoạn xây dựng cơ bản và một số giai đoạn bàn giao nhà thì chủ yếu là người mua ở hoặc NĐT khai thác cho thuê.

Bất động sản thương mại: Cuối năm, dòng tiền của NĐT có xu hướng đổ mạnh vào loại hình shophouse, Shoptel ở những khu vực phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng hoặc các thị trường ven TP lớn. Theo ghi nhận, cuối năm những điểm nóng cục bộ xuất hiện trên thị trường hút mạnh dòng tiền của NĐT.

Có thể kể đến một số dự án như shoptel Grand World Phú Quốc; Shophouse Europe Hạ Long, Goldsand Hill Villa; shophouse thuộc dự án Vincity Ocean Park (Hà Nội), shophouse thuộc Vincity Grand Park (Q.9, TP.HCM)…

Căn hộ chung cư: Thực tế cho thấy, phân khúc căn hộ giá từ 1.3-1.8 tỷ đồng/căn vẫn hút dòng tiền NĐT mạnh nhất trên thị trường chung cư. Thời điểm cuối năm, những căn hộ mở bán giai đoạn tiếp ở khung giá này ghi nhận hấp lực tốt, giá thứ cấp tăng nhanh, trong khi phân khúc giá trên dưới 3 tỷ đồng/căn thanh khoản chậm hơn.

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, năm 2019 thị trường bất động sản sẽ diễn biến ổn định ở các phân khúc, trong đó dòng sản phẩm vừa túi tiền tiếp tục là loại hình chủ đạo của thị trường.

Theo các chuyên gia, nguồn cung sẽ được tung ra theo kế hoạch, chiến lược của các doanh nghiệp nên không dư cung và giá cả tiếp tục ổn định. Tình trạng đầu cơ đã giảm rõ rệt, chủ yếu là khách hàng có nhu cầu thực.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản có xu hướng tăng chậm lại so với tăng trung bình, mặc dù nhu cầu có, sức thanh toán có nhưng do ngân hàng có sự cơ cấu lại. Số dự án ở các thành phố lớn ít đi do bên cạnh việc "siết" tín dụng thì quy trình, thủ tục cũng bị "siết" chặt hơn, quỹ đất ngày càng khan hiếm. Do đó, trong năm 2019, thậm chí 2 năm sau nữa, thị trường không xảy ra bong bóng.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng nhận định, trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, có thể nói thị trường bất động sản 2019 tiếp tục phát triển ổn định.

Tuy vậy, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top