Hàng ngàn căn hộ được gấp rút hoàn thiện để kịp bàn giao trước Tết
Đáp ứng tâm lý mua nhà đón Tết của người dân cũng như nhu cầu khai thác cho thuê lại của nhà đầu tư, nhiều dự án bất động sản đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thiện để kịp bàn giao cho khách hàng trước Tết âm lịch 2018.
Năm nay, so với những dự án bàn giao vào quý II/2018 thì các căn hộ hoàn thiện trước Tết Nguyên Đán 2018 được khách hỏi mua nhiều hơn. Các chủ đầu tư địa ốc đã nắm bắt kịp thời xu thế này và có kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng trước khi Tết đến.
Theo tiết lộ của Công ty CP Địa ốc Him Lam, trong quý I/2018, công ty sẽ chuẩn bị bàn giao 400 căn hộ chung cư tại dự án Him Lam Phú Đông thuộc khu Đông TP.HCM. Bên cạnh đó, Him Lam cũng chuẩn bị cho công tác bàn giao 1.092 căn hộ dự án Him Lam Phú An đã hoàn tất xây dựng và bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến bàn giao vào quý III/2018.
Công ty Bất động sản 557 cũng vừa tổ chức lễ cất nóc dự án Toky Tower (quận 12) vượt tiến độ hơn 1 tháng. Dự án khởi công từ tháng 2/2017 và dự kiến sẽ sớm bàn giao 400 căn hộ vào đầu năm 2018.
Hưng Thịnh Land đang tiến hành bàn giao gần 2.000 căn hộ thuộc 3 dự án tại quận Tân Phú, quận 7, quận Tân Bình cho cư dân vào ở từ cuối 2017.
Vi phạm nghiệm trọng tại 2 dự án “cống hóa” ở Hà Nội: Cơ quan, cá nhân nào sẽ bị xử lý?
Cuối tháng 12/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước hàng loạt các sai phạm tại 2 dự án “cống hóa" trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau: Thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp.
Xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật; Dự án mở rộng đường Phan Kế Bính phải công khai để nhân dân biết, giám sát và phải thực hiện đấu thầu dự án minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các cơ quan, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô và quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
"Khẩu vị" của nhà đầu tư địa ốc ngoại tại Việt Nam trong 2018
Thị trường bất động sản Việt Nam trong năm qua thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A)...
Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu USD đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Đặc biệt, trong năm 2017 thực sự là một năm sôi động cho các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Đơn cử như khu Thủ Thiêm (Tp.HCM) đã chứng kiến một số thương vụ lớn có thể kể đến như liên doanh giữa Hongkong Land (HKL) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) với bản hợp đồng hợp tác phát triển dự án Thủ Thiêm River Park.
Kinh doanh bất động sản 2017 tăng cao, tạo đà cho phân khúc nghỉ dưỡng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Đáng chú ý là trong khu vực dịch vụ, dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm. Mặt khác, hoạt động kinh doanh bất động sản có mức tăng 4,07% - cao nhất kể từ năm 2011.
Đến năm 2018, tăng trưởng khu vực dịch vụ được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ đông đảo khách quốc tế đến Việt Nam, hứa hẹn đẩy cao nhu cầu lưu trú và góp phần thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Thị trường bất động sản vẫn có tiềm năng và năm 2018 vẫn tiếp tục phát triển, không có chuyện xảy ra hiện tượng bong bóng. Hiện nay Chính phủ đã có những công cụ để quản lý, giám sát mạnh mẽ”.
“Khai tử” dự án quá 3 năm chưa triển khai: Bài toán hậu thu hồi
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có quyết sách quyết liệt với doanh nghiệp cố tình “ôm” đất nhiều năm không triển khai dự án. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai thực hiện quyết định này sẽ không dễ dàng mà gặp phải những trở lực lớn.
Trao đổi với báo chí, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội về việc rà soát và chuẩn bị triển khai thu hồi các dự án chậm triển khai, xuất hiện nhiều khu đất quây tôn, bỏ hoang nhiều năm, khiến bộ mặt Thủ đô nhếch nhác. Thế nhưng, ông cũng cho rằng, việc thực hiện không dễ.
“Giả sử, Hà Nội cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm, bước tiếp theo sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, "đắp chiếu" hay thành sân vận động? Đất thu hồi thành phố tiến hành đấu giá hay giải quyết thế nào cần tính toán kỹ càng.
Đặc biệt, khi hậu thu hồi dự án, Hà Nội còn phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? Lấy tiền ở đâu?... Nếu thu hồi một, hai dự án còn xoay xở được nhưng hàng chục dự án sẽ rất khó cho Hà Nội?", TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích.