Theo báo Xây dựng, mới đây, UBND phường Việt Hưng và HTX làng nghề Lệ Mật đã chính thức khởi công công trình bảo tồn, trưng bày về rắn. Đây là công trình đầu tiên liên quan nghề nuôi rắn tại Hà Nội, cũng như toàn miền Bắc.
Ông Cao Hải Sơn, Phó Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật cho biết, công trình được UBND quận Long Biên (cũ) phê duyệt tháng 7/2024. Dự án do UBND phường Việt Hưng lập và báo cáo đề xuất.

Phối cảnh dự án. Ảnh: Báo Xây dựng
Theo phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý IV/2025, xây dựng trên diện tích đất 7.456m2 do UBND phường Việt Hưng quản lý.
Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nuôi rắn Lệ Mật đã được UBND TP. Hà Nội công nhận năm 2011. Đồng thời, xây dựng một trung tâm nuôi, bảo tồn các loài rắn và trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Dự án góp phần phát triển làng nghề gắn với du lịch để kết nối những điểm du lịch hiện có trong làng nghề, hình thành tour du lịch làng nghề Lệ Mật, thu hút du khách trong, ngoài nước.
Công trình được thiết kế với nhiều hạng mục như nhà trưng bày, triển lãm, nhà quản lý, đón tiếp, chuồng nuôi nhốt rắn và các công trình phụ trợ như vệ sinh, bãi đỗ xe. Ngoài ra, trong khuôn viên sẽ có khu trình diễn rộng 300m2, có mái che nhằm phục vụ du khách tham quan.

Lễ khởi công dự án. Ảnh: Báo Xây dựng
Dự án sẽ có một vài điểm nhấn là cổng chào và đường tham quan, chụp ảnh được thiết kế theo hình uốn lượn như loài rắn. Thời gian dự án được giao thí điểm thực hiện là 5 năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật nhấn mạnh, làng nghề Lệ Mật đã tồn tại hàng nghìn năm, từ nghề bắt rắn mưu sinh trở thành làng nghề độc đáo nơi cửa ngõ phía Đông Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi rắn đối mặt với nhiều khó khăn như quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ, áp lực đô thị hóa, cạnh tranh từ các vùng sản xuất khác và yêu cầu cao về chất lượng, an toàn sản phẩm.
Làng Lệ Mật vốn nổi tiếng với nghề bắt và nuôi rắn đã tồn tại hàng nghìn năm. Thời kỳ đỉnh cao vào những năm 2000, làng có trên 100 hộ theo nghề và kinh doanh thực phẩm từ rắn, đến nay còn hơn 30 hộ tiếp tục duy trì. Năm 2018, HTX làng nghề Lệ Mật ra đời, được kỳ vọng tạo động lực đưa nghề nuôi rắn lên tầm cao mới, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản, đồng thời thu hút khách du lịch đến với địa phương.