Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong tháng 11 tín dụng trên địa bàn đã tăng 2,2% so với tháng trước, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng của năm 2021. Diễn biến này cũng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.
Như vậy, tín dụng trên địa bàn thành phố đã ghi nhận tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp của quý IV, sau khi giảm 0,67% trong tháng 9, phản ánh những tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn.
Tín dụng tăng mạnh nhất vào khu công nghiệp - khu chế xuất. Bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đa phần là khách hàng của khối ngân hàng ngoại và lâu nay tín dụng ngân hàng nước ngoài tăng trưởng bền vững hơn so với các ngân hàng trong nước trong đại dịch Covid-19. Ông Tim Evan - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, hoạt động kinh doanh đang nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua, đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã bắt đầu ổn định, các nhà sản xuất đang giải quyết các đơn hàng tồn đọng trong những ngày cuối cùng của năm 2021.
Quả vậy, mặc dù còn có những khó khăn về lao động chưa trở lại đầy đủ như trước khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Nhưng chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11/2021 (so với 52,1 tháng 10) cho thấy điều kiện kinh doanh của Việt Nam cải thiện tháng thứ hai liên tiếp từ sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Mặt khác, áp lực về giá nhiên liệu thô bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trong mấy tháng qua. Đây là điều kiện tốt cho doanh nghiệp tính toán mở rộng sản xuất kinh doanh trở lại. Đặc biệt, các mặt hàng công nghệ sản xuất tại Việt Nam vốn là thế mạnh trong cơ cấu xuất khẩu, cần phải đón đầu những xu hướng tiêu dùng công nghệ công nghiệp trong tương lai để đáp ứng cho các bạn hàng ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tỷ trọng cho vay của khối ngân hàng thương mại cổ phần ở TP.HCM đã hồi phục, cao nhất như trước khi có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Kết quả này có được cũng từ các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP.HCM liên tục diễn ra, bình quân mỗi tháng cuối năm từ 2 - 3 cuộc. Năm nay chương trình giải ngân vốn tín dụng theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tính đến giữa tháng 12/2021 đã đạt 487.243 tỷ đồng cho 29.474 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, vượt xa so với cam kết cho vay 312.045 tỷ đồng của các ngân hàng đầu năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay vốn ngắn hạn VND theo các chương trình 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) với lãi suất 4,5%/năm đã lên mức trên 190.000 tỷ đồng; đặc biệt, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất trên 60% dư nợ cho vay chương trình này…
Bên cạnh nguyên nhân các hoạt động kinh tế phục hồi sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, việc tín dụng phục hồi mạnh còn có một yếu tố rất quan trọng là lãi suất trong năm 2021 đã giảm bình quân khoảng 0,15 - 1,33% so với năm 2020. Song song với đó, cơ chế gia hạn nợ mà không chuyển nhóm của ngành ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tiếp tục vay vốn mới sản xuất kinh doanh, góp phần vào phục vụ hồi kinh tế.
Có thể thấy hoạt động ngân hàng thời gian qua không chỉ là một kênh cấp vốn tín dụng mà đã trở thành một trong những bệ đỡ quan trọng trong phục hồi kinh tế. Trên thị trường gần đây còn nổi lên những tổ chức tín dụng cung cấp các giải pháp thanh toán, như ngân hàng gắn máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) cho tiểu thương tại các chợ truyền thống, nhà hàng… có doanh số thanh toán hàng tháng cao nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo các chuyên gia, dịch vụ chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM. Do đó trong thời gian tới, thành phố phải giảm tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 xuống thấp để có thể mở cửa lại thị trường du lịch, một động lực quan trọng trong phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ.