Aa

Cưỡng chế vi phạm hành chính: Không nên chọn cắt điện, nước là giải pháp

Thứ Tư, 08/07/2020 - 11:30

Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước có nên được coi là biện pháp cưỡng chế trong xử lý vi phạm hành chính. Đó là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như nhiều ý kiến nhận định, đề xuất này cần được xem xét thận trọng, thấu đáo.

Có cần thiết bổ sung thêm biện pháp xử lý?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính mới là “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành. 

Trong đó, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành, không thể tổ chức cưỡng chế hoặc cưỡng chế không hiệu quả, có nguyên nhân xuất phát từ quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm tính khả thi. Việc bổ sung biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm hành chính. Qua đó, nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

Khi quy định này được đưa ra thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trong từng trường hợp vi phạm cụ thể vì việc ngừng cung cấp điện, nước sẽ làm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất máy móc, thiết bị, gây thiệt hại cho DN. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) phân tích, chúng ta làm luật nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nóng 39 - 40 độ mà cắt điện, nước, trong đó có cả những người không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính thì không nên.

Công trình xây dựng sai phép 8B Lê Trực. Ảnh: Thanh Hải

Đó là chưa kể, biện pháp này cũng rất dễ bị lạm dụng trong thực tế. “Cắt điện, cắt nước là biện pháp rất dễ thực hiện, người có thẩm quyền chỉ ra lệnh cho cơ quan điện, nước cắt là người ta làm ngay trong khi hậu quả để lại vô cùng lớn”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nhận định. Đồng thời cho rằng, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân, mất điện, mất nước một ngày là không chịu nổi. Trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có đến 23 biện pháp để Nhà nước áp dụng cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt. 

“Bây giờ lại bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, tôi nhận thấy cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém, rất bất lực, pháp luật không nghiêm. Chúng ta có cả một bộ máy rất rộng lớn, đào tạo rất bài bản. Chúng ta có đến 23 biện pháp nhưng lại phải bổ sung thêm biện pháp này”, đại biểu nói.

Đánh giá kỹ tác động

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đây là một vấn đề khó. Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hoạt động. Luật cũng chỉ quy định chung chung và trong một số trường hợp đặc biệt như lĩnh vực xây dựng, môi trường thì không cưỡng chế được.

Tuy nhiên, như nhiều ý kiến cũng phân tích, cung cấp dịch vụ điện, nước là việc giao kết và thực hiện hợp đồng giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước với khách hàng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Nhà nước đã can thiệp quá sâu vào một giao dịch dân sự hợp pháp. 

Đồng thời, việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước trong trường hợp áp dụng đối với cá nhân, nhưng có thể ảnh hưởng đến những những người chung sống cùng địa chỉ. Do đó, rất cần thiết lấy ý kiến của nhóm đối tượng tác động này để xem xét một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top