Khi Fintech (công nghệ tài chính) ngày càng phát triển thì Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Chính vì vậy, nhiều công ty đã lợi dụng sự kém hiểu biết của người Việt về Fintech nhưng lại máu làm giàu để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản lớn.
Điển hình là vụ vỡ đường dây tiền ảo đa cấp iFan 15.000 tỉ của công ty Modern Tech, chúng ta mới thấy sự nguy hiểm và lợi hại của những công ty đa cấp núp dưới bóng bán hàng và giờ cao hơn nữa là đầu tư tài chính.
Modern Tech giới thiệu iFan và Pincoin là một loại tiền kỹ thuật số hợp pháp của Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và người hâm mộ.
Nếu khách hàng đầu tư vào iFan thì sẽ “lãi mẹ đẻ lãi con”, chỉ 4 tháng sẽ có lợi nhuận 48%/tháng, nếu kết nạp thành viên vào hệ thống sẽ được thêm 8% số tiền từ người tham gia mới.
Đáng ngờ là số phần trăm lãi suất chỉ được trả đúng hạn và đầy đủ lần đầu tiên. Sau đó, lãi suất được quy đổi hết thành tiền số chạy trên màn hình.
Công ty này hoạt động rất khéo léo và chặt chẽ, từ khâu tổ chức hội thảo mời các ca sĩ nổi tiếng về hát rồi sử dụng hình ảnh của họ để làm cho người tiêu dùng tin rằng, những nghệ sĩ như Hoài Linh, Quang Lê, Quang Dũng, Trấn Thành, MC Kỳ Duyên, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên... đang hợp tác cùng iFan. Tổng cộng đã có 32.000 nạn nhân sập bẫy.
Thực tế, rất khó để khiến người dân có thể tỉnh táo trước những chiêu bài của công ty đa cấp. Chúng bài bản, tinh vi và chặt chẽ không kẽ hở trước khi lôi kéo vào đường dây. Chỉ đến khi bước chân vào và không thể rút chân ra được chúng mới lộ nguyên hình.
Theo số liệu báo cáo cuối năm 2017, tổng số người dân tham gia công ty đa cấp 6 tháng đầu năm 2017 là 361.592 người. Trong đó, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt khoảng 3.067 tỷ đồng.
Các mặt hàng đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng (72%) và mỹ phẩm (25%), đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%. Với số liệu trên, dễ thấy đa cấp “hút máu người” nhiều và dễ đến mức nào.
Các công ty đa cấp cũng không nhất định một mặt hàng nào, luôn biến hóa không ngừng để “lóa mắt” người tiêu dùng.
Đơn cử là vụ công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy bị đưa ra ánh sáng vào năm 2015. Công ty này đã lợi dụng mác bán các mặt hàng như máy sục ozone và các loại thực phẩm chức năng và vươn vòi lôi kéo những người dân khắp tỉnh thành Việt Nam.
Sau đó, một công ty nữa cũng bị phát hiện kinh doanh đa cấp là Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Cty Liên Kết Việt). Công ty này nhắm đến nhắm đến đối tượng khách hàng trung tuổi trở lên như sĩ quan, tướng tá quân đội nghỉ hưu tham dự để tạo niềm tin là công ty liên kết của Bộ Quốc Phòng.
Liên kết Việt kinh doanh với các mặt hàng như máy vật lý trị liệu, máy khử độc ozone, các loại thực phẩm chức năng... Công ty này đã mở chi nhánh khắp 27 tỉnh thành và lôi kéo 45.000 người tham gia với giá trị lừa đảo tới 1.900 tỉ đồng cho đến thời điểm bị bắt.
Mỹ phẩm Amway cũng là công ty có tiếng trong mặt hàng tiêu dùng của người Việt. Sản phẩm công ty này gồm rất nhiều từ nước rửa bát cho đến kem dưỡng. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, công ty này bị phanh phui hoạt động theo kiểu đa cấp và thiếu nhiều loại giấy chứng nhận kinh doanh vì thế đã phải xử phạt và chấn chỉnh phương thức kinh doanh.
Các công ty bán hàng đa cấp thường nhắm đến đối tượng những người dân quê thật thà chất phác và dễ tin người, dụ dỗ để họ bước chân vào hệ thống, lôi kéo người thân và bạn bè để sinh lời.
Nếu người dân không tỉnh táo, rất có thể đang là miếng mồi ngon cho hàng chục, thậm chí là hàng trăm công ty đa cấp vẫn nằm trong bóng tối ngoài kia.