Chính phủ đảm bảo bố trí đủ kinh phí và Bộ Công an cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện quản lý dân cư theo số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin như trên khi Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra chính thức dự án Luật Cư trú (sửa đổi), sáng 12/5.
Đây là dự án luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 44, sau đó Bộ Công an đã có báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành và đánh giá tác động bổ sung một số vấn đề lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật.
Bốn vấn đề mới
Tại tờ trình mới, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày bốn vấn đề mới. Một là dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Hai, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Ba, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phô trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc
Ba, dự thảo luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú".
Sẽ có đủ kinh phí
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho biết, Uỷ ban tán thành sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, bảo đảm tốt hơn thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
Cơ quan thẩm tra nhất trí về thay đổi phương thức quản lý cư trú, song còn khá nhiều băn khoăn về tính khả thi.
Vì, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam thì kinh phí chưa đảm bảo.
Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì trước thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở, đồng thời kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan như Cơ sở dữ liệu hộ tịch, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.
Nhưng đến nay thì cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân.
Tổng kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 3.085 tỷ, đến nay mới bố trí được 1.500 tỷ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Phần thảo luận, một số thành viên cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về tiến độ các công việc nêu trên để đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực.
Hai lần phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đều khẳng định sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ.
Chính phủ sẽ đảm bảo kinh phí từ đầu tư công, ông Ngọc nói và cho biết là Bộ Công an đã xin ý kiến các cơ quan liên quan về các trường thông tin để kết nối đồng bộ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc quản lý dân cư theo phương thức mới.
Sau thảo luận, Uỷ ban Pháp luật tán thành trình Quốc hội dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, khai mạc ngày 20/5 tới đây.