Trong báo cáo đánh giá về triển vọng của ngành thép những tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại trong năm 2023, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt, qua đó giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.
VCBS kỳ vọng nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, rủi ro đà giảm giá thép vẫn còn hiện hữu khi tồn kho mặt hàng thép xây dựng đang ở mức cao, các doanh nghiệp phải giảm giá bán để tăng lượng bán hàng cũng như cạnh tranh thị trường.
Nội địa ảm đạm, xuất khẩu hụt hơi
Trong giai đoạn đầu năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đều có mức tăng trưởng doanh thu tốt do mặt bằng giá thép cao. Tuy nhiên, hàng loạt các công ty thép ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận do tác động kép từ việc giá thép thành phẩm giảm giá và trích lập giá trị hàng tồn kho do xu hướng tích trữ nguyên liệu cho 1 quý sản xuất.
Trên thực tế, nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trở nên khó khăn khi thay đổi pháp lý liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp. Mặc khác, giá thép biến động mạnh đã làm các dự án đầu tư công cũng như thi công xây dựng dân dụng bị đình trệ, kéo theo nhu cầu về mặt hàng này ở mức thấp.
Đối với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt 860 ngàn tấn, tăng 15,8% so với tháng trước nhưng giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép các loại, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu các mặt hàng, xuất khẩu thép xây dựng là điểm sáng khi đạt 1,2 triệu tấn 6 tháng đầu năm. Thị trường xuất khẩu khởi sắc đến chủ yếu từ nhu cầu nhập khẩu lớn của các nước ASEAN phục vụ cho quá trình phục hồi ngành xây dựng tại các quốc gia này.
Trong khi đó, xuất khẩu tôn mạ sau năm 2021 đầy thuận lợi đã có sự sụt giảm khi nhu cầu xây dựng tại thị trường Mỹ và EU trở nên kém tích cực.
Nguyên nhân chính đến từ việc giá Thép cuộn cán nóng HRC lao dốc. Những doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim vốn được hưởng lợi từ chênh lệch giá giữa các thị trường Trung Quốc và Mỹ, EU trong năm 2021 đều bắt đầu cho thấy dấu hiệu đảo chiều về lợi nhuận.
Trong nửa cuối 2022, VCBS kỳ vọng Nam Kim và Hoa Sen sẽ phải trích lập lượng lớn giá trị hàng tồn kho khi các doanh nghiệp này nhập hàng tồn kho giá cao từ trước đó.
Điệp khúc “giá thép giảm” chưa có hồi kết
Trong khi giá các loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, đá… vẫn ở mức cao thì giá thép trong nước đã giảm liên tiếp 14 lần, rẻ hơn hơn 5 triệu đồng một tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
VCBS dự báo giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu thép tại nước này chưa có dấu hiệu phục hồi khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm. Mặc khác, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho cùng với giá nguyên, nhiên vật liệu giảm đã ảnh hưởng đến giá thép trong giai đoạn này.
Hiện nay, thuế tự vệ của Việt Nam với ngành thép và chính sách hủy bỏ hoàn thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc đã làm độ tương quan giữa thép xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm đi đáng kể.
Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng sau khi đạt đỉnh ở mức hơn 19 triệu đồng/tấn trong quý I/2022 đã liên tiếp lao đốc giảm 14 lần và chạm mốc 15,7 triệu đồng/tấn vào tháng 8/2022. Việc giá thép trong nước liên tục lao dốc đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới.
Ngoài ra, nhu cầu mặt hàng này tại thị trường nội địa yếu đi trong quý II buộc các doanh nghiệp sản xuất thép phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho, chi phí sản xuất thép sụt giảm.
VCBS nhận định, giá thép xây dựng tại Việt Nam có mức độ tương quan lên tới 90% với giá thép phế, cao hơn rất nhiều với giá thép Trung Quốc hay các nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt hay than cốc.
Trong chu kỳ giảm giá, Hòa Phát với lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất sẽ tận dụng cơ hội để gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bằng lò điện bằng cách hạ sâu giá bán.
Chứng khoán VCBS ước tính trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD/tấn như hiện nay, Hòa Phát có thể hạ giá bán các mặt hàng thép xây dựng của thương hiệu này xuống mức 12,5 triệu đồng/tấn.
Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn nữa trong nửa cuối năm 2022.
Giá thép có thể hồi phục trong năm 2023
VCBS kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại. Động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại.
Với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Mặc khác, nước này cũng sẽ dỡ bỏ phong tỏa giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại. Khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
Nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép
Ở trong nước, VCBS dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng lưu ý rằng các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định, vì vậy sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 34,47% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Được biết, nguyên nhân của việc giải ngân chậm do giá nguyên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho các chủ thầu làm cho quá trình thi công cầm chừng.
Mặc khác, các dự án hạ tầng mới vẫn chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị làm thủ tục và phải tới cuối 2022 mới bắt đầu giải ngân, trong khi nửa đầu năm giải ngân chủ yếu các dự án cũ.
Theo VCBS, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong 2023 sau quá trình kiểm soát nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn./.