Aa

Đà Lạt khẩn cấp chống ùn tắc giao thông

Thứ Tư, 20/10/2021 - 06:30

Khách du lịch tăng vọt khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP. Đà Lạt trở nên chật chội, lưu thông khó khăn. Tỉnh Lâm Đồng đang ráo riết triển khai các giải pháp để chống ùn tắc giao thông.

Trong những năm gần đây, ngoài cư dân địa phương với gần 250.000 người, mỗi năm TP. Đà Lạt còn đón hàng triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Quá tải

Trong khi đó, các tuyến đường được làm từ lâu, mặt đường nhỏ nên dễ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch và việc đi lại của người dân.

Vào các dịp nghỉ lễ tết, khi lượng du khách rất đông đảo đổ về “thành phố ngàn hoa”, kẹt xe tại các vòng xoay hay những điểm giao ở khu vực trung tâm là nỗi ám ảnh với nhiều người. Lực lượng CSGT - trật tự, công an các phường phải túc trực tại các ngã ba, ngã tư, các vòng xoay để điều tiết giao thông cả ngày lẫn đêm.

Suốt nhiều năm, Đà Lạt là thành phố duy nhất trong cả nước không có đèn xanh đèn đỏ. Trên thực tế, việc lắp đèn xanh đèn đỏ cho các nút giao thông của TP. Đà Lạt đã được bàn đến nhiều lần trong hơn 10 năm qua. Cơ quan chức năng đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho lắp đặt tại một số nút giao thông là điểm nóng ùn tắc để điều tiết giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giữ nét đặc thù không đèn xanh đèn đỏ cho phố núi Đà Lạt, cùng với đó, đường sá ở Đà Lạt có đặc trưng là quanh co, nhỏ hẹp và dốc sẽ khó cho việc dừng xe chờ đèn xanh đèn đỏ…

CSGT TP. Đà Lạt
Nhiều năm là “TP không đèn xanh đèn đỏ” nên lực lượng CSGT TP. Đà Lạt rất vất vả trong mùa cao điểm

Vì vậy, tính đến đầu năm 2021 trở về trước, chuyện lắp đèn xanh đèn đỏ để hỗ trợ điều tiết giao thông tại Đà Lạt vẫn còn là “ý kiến cần thảo luận”. Thay cho đèn xanh đèn đỏ, tỉnh Lâm Đồng cho cải tạo, mở rộng một số nút giao thông, cũng như tập trung tổ chức phân luồng, tổ chức giao thông theo giờ tại một số điểm, tuyến đường quan trọng trên địa bàn Đà Lạt. Đồng thời, chính quyền Đà Lạt cũng hoàn thiện hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển cấm dừng đỗ, biển hạn chế xe tải vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn không được cải thiện. Vào mùa cao điểm du lịch, nhiều đoàn xe chở du khách đi từ đầu đèo Prenn (cửa ngõ TP. Đà Lạt) vào đến chợ Đà Lạt chỉ khoảng 3km nhưng phải mất từ 45 phút đến 60 phút di chuyển. Có những xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu không thể lách qua "rừng xe" kẹt cứng tại các vòng xoay…

Khẩn cấp chống ùn tắc

Đầu tháng 10/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp chống ùn tắc tại các nút giao thông trên địa bàn TP. Đà Lạt.

Cột đèn xanh đèn đỏ đầu tiên được dựng tại nút giao thông Hoàng Văn Thụ - 3 Tháng 2
Cột đèn xanh đèn đỏ đầu tiên được dựng tại nút giao thông Hoàng Văn Thụ - 3 tháng 2 (TP. Đà Lạt)

Theo đó, mục tiêu của việc cải tạo, nâng cấp các nút giao thông này nhằm chủ động ứng phó, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP. Đà Lạt. Đồng thời, kịp thời tổ chức giao thông (phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông...) trong trường hợp khẩn cấp phục vụ an ninh, quốc phòng; đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vào các dịp lễ, tết, phục vụ Festival hoa Đà Lạt.

Đáng chú ý, đặc trưng “Đà Lạt - thành phố không đèn xanh đèn đỏ” sẽ không còn, bởi có nhiều nút giao ở các tuyến đường sẽ xuất hiện đèn giao thông. Theo kế hoạch, trong năm 2021, TP. Đà Lạt sẽ lắp đặt 6 hệ thống đèn xanh đèn đỏ tại các vị trí: Khu vực Kim Cúc (Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng); nút giao Phan Chu Trinh; ngã ba Phan Chu Trinh - Trần Quý Cáp; nút giao Ngã năm Đại học; nút giao Trần Phú - Đào Duy Từ - Bà Triệu và nút giao Trần Phú - Hoàng Văn Thụ - 3 tháng 2.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông đèn xanh đèn đỏ tại một số nút giao thông thường xảy ra ùn tắc vào mùa lễ tết và giờ cao điểm. Dự kiến cuối năm 2021, toàn bộ hệ thống đèn giao thông của TP. Đà Lạt sẽ vận hành. Đồng thời, TP. Đà Lạt cũng gấp rút triển khai cải tạo, mở rộng các nút giao thông. Các vị trí này tận dụng hết đất công, bỏ các vòng xoay, các vòng cua được mở rộng để thêm làn đường, xây dựng lại vỉa hè. Tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp chống ùn tắc tại các nút giao thông trên địa bàn TP. Đà Lạt dự kiến hơn 142,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Nút giao thông Ngã 5 Đại học Đà Lạt
Nút giao thông Ngã 5 Đại học (Đà Lạt) đang được mở rộng

Như vậy, TP. Đà Lạt sau 128 năm hình thành và phát triển (TP. Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893, thời điểm bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên), lần đầu nơi đây đã có hệ thống đèn xanh đèn đỏ giao thông. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì “Đà Lạt không đèn xanh đèn đỏ” đã trở thành nét đặc trưng quá nổi tiếng, nay không còn nữa. Tuy nhiên, phần lớn người dân và du khách đều ủng hộ, cho rằng việc cải tạo, mở rộng các tuyến đường cũng như lắp đặt đèn tín hiệu giao thông là hợp lý, vì cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thuận lợi, an toàn cho người dân và du khách khi tham gia giao thông.

Một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc lắp đèn tín hiệu giao thông là cần thiết, gắn với xây dựng phát triển đô thị thông minh, hiện đại, đảm bảo đồng bộ hóa và phù hợp với phương án mở rộng, cải tạo các nút giao thông, phân luồng, điều tiết giao thông… trên địa bàn TP. Đà Lạt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top