Qua rà soát của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP. Đà Lạt có nhiều dự án nhà ở còn gặp vướng mắc, tồn đọng. Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Khu dân cư - tái định cư đường Cao Bá Quát; Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng; Khu dân cư - tái định cư Nguyên Tử Lực - Trần Anh Tông; Khu dân cư số 1 Phường 8; Dự án quy hoạch các khu dân cư, nhà ở xã hội Sào Nam (Khu C3, Phường 11), Khu nhà ở xã hội CC5 (tại Khu quy hoạch 5B Phường 4), Khu nhà ở xã hội Khu dân cư đồi An Tôn (Phường 5)…
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, đa số các dự án khu dân cư, khu đô thị đã được xác định vị trí, diện tích, phê duyệt quy hoạch từ trước năm 2014. Một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đa số chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo tiến độ. Mặt khác, đa số nhà đầu tư chưa thực sự tích cực, quyết liệt để đồng hành cùng chính quyền địa phương huy động nguồn lực tài chính cho công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ các dự án phụ thuộc rất nhiều vào nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, phần lớn các đồ án quy hoạch được phê duyệt trước năm 2014, đến ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 704/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 dẫn đến việc phải rà soát, cập nhật, điều chỉnh các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt để phù hợp với quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận.
Đối với các dự án xây dựng chung cư tái định cư, việc phát triển nhà ở tái định cư đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở để phục vụ tái định cư trên địa bàn TP. Đà Lạt là cần thiết. Để có quỹ tái định cư phục vụ di dời các hộ dân đang ở trong nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và giải tỏa các công trình trọng điểm, các công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP. Đà Lạt phải dùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách còn khó khăn nên chưa thể bố trí để tổ chức thực hiện. UBND TP. Đà Lạt cũng đã nhiều lần đề xuất nguồn kinh phí thực hiện nhưng chưa được xem xét.
Trong năm 2022, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội: Sào Nam, CC5, An Tôn. Các vị trí quỹ đất này đa số chưa được đền bù giải phóng mặt bằng và một số vị trí phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch để tổ chức thực hiện. Việc chuẩn bị quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư gặp khó khăn vì nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa bố trí đảm bảo thực hiện. Ngoài ra, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội (mật độ xây dựng, tầng cao) thấp, một số vị trí chỉ cho phép xây dựng công trình từ 2 đến 3 tầng, do đó chưa phát huy được hiệu quả quỹ đất, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, khó thu hút đầu tư.
Trước những vướng mắc, tồn đọng kéo dài nói trên, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là các khu vực đã được dự kiến xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Rà soát các dự án phát triển nhà ở để phân loại dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Về đất đai, cần thực hiện xây dựng, rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng đến diện tích đất phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, nhà ở cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở tái định cư trên địa bàn, trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất để phê duyệt. Đồng thời, bố trí quỹ đất đã được phê duyệt quy hoạch, danh mục dự án thu hút đầu tư vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm cơ sở đề xuất, thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Rà soát, điều chỉnh mục đích sử dụng đất khác sang đất xây dựng nhà ở xã hội đối với khu vực có nhu cầu nhà ở xã hội. Tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đã xác định cụ thể nguồn vốn, quy mô, vị trí quỹ đất dùng để xây dựng, phát triển các loại hình nhà ở (nhà ở tại dự án đầu tư phát triển đô thị, bất động sản; khu chung cư, tái định cư; nhà ở xã hội…).
Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở nêu trên. Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc đã có Quyết định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện dự án đầu tư, năng lực triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi giao nhà đầu tư khác có năng lực để thực hiện trong trường hợp nhà đầu tư vi phạm các quy định về đầu tư.
Đối với dự án xây dựng chung cư tái định cư, tại Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt, sử dụng 388 tỷ nguồn ngân sách để đầu tư, xây dựng nhà ở tái định cư. Do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh giao UBND TP. Đà Lạt chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đề xuất dự án đầu tư xây dựng chung cư tái định cư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, tổ chức thực hiện trong quý I/2022.
Liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước phải chuẩn bị quỹ đất sạch làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất đối với 2 dự án (Sào Nam, CC5) chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao UBND TP. Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, khái toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự án chưa có quy hoạch (Khu đất thuộc phân hiệu Sào Nam), đề xuất giao UBND TP. Đà Lạt phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp với quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận, hoàn thành trong quý I/2022.
Riêng đối với vị trí quy hoạch xây dựng Nhà ở xã hội đồi An Tôn đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và có quy hoạch chi tiết, kiến nghị UBND tỉnh giao UBND TP. Đà Lạt đề xuất dự án đầu tư chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư (không có nhà đầu tư) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thành trong quý I/2022./.