Ngày 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Chủ đề Đại hội và đồng thời cũng là mục tiêu, động lực phấn đấu của thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”.
Tại buổi làm việc ngày 22/10, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng khóa 22 đã công bố ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng và ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Quận ủy Hải Châu được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Vượt qua khó khăn, thách thức
5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân TP. Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trước những khó khăn, thách thức mới, TP đã kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, quyết tâm khắc phục những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; vừa tập trung giải quyết những vấn đề có tính cơ bản, bền vững.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ từng bước các vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là thời điểm sau Thông báo số 292-TB/UBKTTW ngày 21/9/2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và các nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Nhờ đó, kinh tế duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng; các chỉ số về tính hấp dẫn, tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người được duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước.
Đặc biệt, TP đã nỗ lực, bình tĩnh, quyết tâm và có nhiều biện pháp sáng tạo trong công tác phòng chống dịch Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế và đảm bảo đời sống nhân dân.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2019 ước tăng bình quân 7,5%/năm (NQ: 8 - 9%) với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2019 ước khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015 và đạt chỉ tiêu đề ra (NQ: 4.000 - 4.500 USD).
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội thành phố, GRDP năm 2020 ước giảm 9,3% so với năm 2019, kéo giảm GRDP giai đoạn 2015 - 2020 còn 4%/năm, GRDP bình quân đầu người còn 87,4 triệu đồng (tương đương 3.693 USD).
Tập trung quy hoạch, đầu tư đô thị
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP. Đà Nẵng xác định quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng và điều chỉnh theo hướng bền vững, hướng đến cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và triển khai lập Quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch.
Tập trung xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) nhằm đảm bảo phát triển thành phố nhanh, bền vững.
Thực hiện quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bên bờ sông Hàn để tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, phát triển chuỗi du lịch đường sông và 7 đồ án quy hoạch phân khu Triển khai lập thiết kế đô thị khu vực ven biển tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu và khu vực đô thị cũ tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, một phần quận Sơn Trà, Cẩm Lệ; định hướng phát triển khu vực ven đô thị và nông thôn về không gian phát triển xây dựng Quy định quản lý đặc biệt đối với bán đảo Sơn Trà.
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Thông báo số 331-TB/TU ngày 31/01/2018 để tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch, triển khai các dự án được dư luận quan tâm, hướng đến phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng và mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái, môi trường... Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng. Chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô...
Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành Kết luận số 171-KL/TU ngày 23/4/2018 về các dự án mang tính động lực, trọng điểm; dự kiến lộ trình triển khai và các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở đó, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị có bước phát triển mới.
Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và các dự án dư luận xã hội quan tâm theo hướng phục vụ tốt cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.
Công tác đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án được đẩy mạnh với nhiều giải pháp quyết liệt, phân cấp cho các quận, huyện; rà soát, hợp thửa các lô đất tái định cư có vị trí hai mặt tiền và các lô liền kề để xây dựng công trình công cộng, thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi xã hội phục vụ dân sinh, tạo quỹ đất để phục vụ kêu gọi đầu tư. Cổng thông tin đất đai thành phố vận hành, công khai thông tin đất đai đến tổ chức, công dân và công khai, minh bạch quỹ đất đấu giá trên địa bàn để kêu gọi đầu tư. Quỹ đất được sử dụng có hiệu quả cho yêu cầu phát triển bền vững...
Cần phải liên kết phát triển
Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cho rằng: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đà Nẵng cũng còn những hạn chế, yếu kém, như: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm đổi mới nội dung, phương thức làm việc.
Đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy chưa thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến những vi phạm, khuyết điểm, có yếu tố lợi ích nhóm và liên quan đến tội phạm đến mức phải kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, một số trường hợp phải xử lý hình sự.
Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, các đồng chí đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để tập trung khắc phục, vững vàng lãnh đạo thành phố vượt qua thời điểm khó khăn nhất, đây là ưu điểm và cũng là bài học sâu sắc đối với Đảng bộ thành phố, cần được nghiên cứu để rút ra bài học kinh nghiệm. chú ý công tác quy hoach, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với sự đoàn kết, nhất trí cao của Ban Thường vụ, Ban chấp hành tới đây sẽ tiếp tục đoàn kết trong xây dựng đảng và công tác cán bộ của TP. Đà Nẵng.
"Đà Nẵng cần liên kết phát triển với cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, trước hết là liên kết về giao thông đường bộ theo trục dọc nối với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía Nam, với Thừa Thiên Huế về phía Bắc và trục ngang kết nối hệ thống cảng biển, sân bay với khu vực Tây Nguyên để phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông của Đà Nẵng, mở rộng hợp tác với khu vực tiểu vùng sông Mekông, khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, góp phần vào tăng trưởng của đất nước", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần chậm lại, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển. "Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch dành cho thu hút đầu tư không còn nhiều. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin còn thấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh điểm nóng", Phó Thủ tướng nêu.
Đà Nẵng có hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn như Bà Nà Hill, bãi biển Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, nhà thờ Chính tòa, làng đá Non Nước, bảo tàng điêu khắc Chăm, Lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm, Cuộc thi dù quốc tế, thi chạy Marathon quốc tế... và nhiều khách sạn, resort đẳng cấp, ẩm thực đa dạng, con người thân thiện, mến khách, môi trường an toàn, nên Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của riêng mình, đồng thời kết nối với danh lam, thắng cảnh của các tỉnh trong vùng như Khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế... nhanh chóng khôi phục du lịch an toàn - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn TP. Đà Nẵng tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đề xuất các cơ chế, chính sách xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hình thành cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất, công khai, minh bạch; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp; đánh giá đúng, kịp thời, có giải pháp nhanh chóng, hiệu quả đối với những ”điểm nghẽn” cản trở sự phát triển; tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thúc đẩy kinh tế tư nhân, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển và đầu tư trong nước, tập trung vào các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường phù hợp với quy hoạch ngành nghề thành phố, ưu tiên những ngành nghề như công nghệ thông tin, tài chính, chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, logistics, năng lượng tái tạo, nhất là điện sinh khối ở đô thị đang phát triển nhanh như Đà Nẵng...