Aa

Đà Nẵng: Công bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vi mạch bán dẫn

Thứ Sáu, 30/08/2024 - 15:06

Ngày 30/8, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024, nhằm mục tiêu quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP. Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Chính quyền TP. Đà Nẵng mong muốn qua sự kiện này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. 

Đà Nẵng: Công bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vi mạch bán dẫn- Ảnh 1.

Đà Nẵng xây dựng thương hiệu Trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam.

Với sự góp mặt của đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" được kỳ vọng sẽ là diễn đàn để các bên trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố, hướng đến xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - Trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham dự trực tuyến của hơn 100 đại biểu.

Sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" gồm 2 phiên chính: Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra vào buổi sáng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng diễn ra vào buổi chiều cùng ngày. Tại phiên Tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trao đổi về các tiềm năng, lợi thế của TP. Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và các giải pháp Đà Nẵng cần triển khai nhằm khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có. 

Tại sự kiện diễn ra các hoạt động trao Thỏa thuận hợp tác ba bên và Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại TP. Đà Nẵng, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, Công ty TNHH Synopsys International và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam; Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH FPT IS; trao Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng và Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP. Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Công bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vi mạch bán dẫn- Ảnh 2.

Hội nghị là dịp để các đại biểu trao đổi về tiềm năng, lợi thế của TP. Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ lên hợp tác chiến lược toàn diện. "Từ tháng 10/2023 cho đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn thành phố", ông Nguyễn Văn Quảng cho hay.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức đối với TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế.

"Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Cụ thể, Đà Nẵng tập trung tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử", ông Nguyễn Văn Quảng chia sẻ thêm với các đại biểu tham dự hội nghị.

Chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng

Đối với nhà đầu tư chiến lược: Doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế, được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.

Đối với đối tác chiến lược: Doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ... thì phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố, nội dung này được quy định chi tiết trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.

Đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 05 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 05 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp; miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 05 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đối với người theo học và chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn: TP. Đà Nẵng thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn; hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các định hướng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nêu trên, hiện nay UBND TP. Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng; trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 để kịp thời ban hành và áp dụng ngay từ đầu năm 2025, góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành vi mạch bán dẫn; các chuyên gia, trí thức về làm việc, giảng dạy, chuyển giao công nghệ cũng như các nhà đầu tư, đối tác chiến lược từ các quốc gia có ngành vi mạch bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top