Sự kiện có sự phối hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), USAID tại Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng và Sở Công Thương Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của các chuyên gia năng lượng, đại diện truyền thông và các cơ quan báo chí. Buổi tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc thực hiện các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ), đồng thời tổng kết những kết quả đạt được từ các chương trình quốc gia.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các hoạt động truyền thông của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được đổi mới thường xuyên, tận dụng tối đa kỹ thuật số để tuyên truyền hiệu quả đến mọi đối tượng. Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" năm 2023 có gần 130.000 người tham gia và hơn 200.000 lượt dự thi. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, sinh viên cho đến người lao động ngành điện và các doanh nghiệp, nội trợ trên khắp 63 tỉnh, thành. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy người dân và doanh nghiệp quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, và tiết kiệm điện đã dần trở thành thói quen.
Tiếp nối thành công này, Bộ Công Thương đã phát động cuộc thi trực tuyến năm 2024 với hy vọng đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định pháp luật và nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng. Việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV, chia sẻ: "Truyền thông chính là cầu nối giữa chính sách và người dân, giúp lan tỏa thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng". Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, cho biết: "Sự phối hợp giữa các ban ngành và đơn vị truyền thông đã giúp phổ biến kịp thời các chính sách tiết kiệm năng lượng, góp phần nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp địa phương".
Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng việc truyền thông về tiết kiệm năng lượng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là đối với các phóng viên khi tác nghiệp về các chủ đề kỹ thuật chuyên sâu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đã đề xuất cần tổ chức thêm các khóa tập huấn chuyên môn để giúp phóng viên nắm bắt được thông tin chuyên sâu, từ đó tác nghiệp một cách hiệu quả hơn. "Việc cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác không chỉ giúp truyền thông tốt hơn mà còn đảm bảo chính sách tiết kiệm năng lượng được thực hiện đúng hướng", ông Tuấn nhấn mạnh. Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, cho rằng: "Việc thiết lập một mạng lưới truyền thông mạnh mẽ sẽ giúp thông tin về các chính sách tiết kiệm năng lượng được truyền tải một cách kịp thời và hiệu quả hơn"./.