Cử tri bức xúc vì dự án kéo dài
Theo Tổ trưởng Đại biểu HĐND TP quận Sơn Trà Cao Xuân Thắng, trên địa bàn quận hiện có hàng chục dự án triển khai dang dở kéo dài gây bức xúc cho người dân. Đỉnh điểm là việc người dân phường Mân Thái bức xúc kêu cứu với chính quyền quận vì các dự án không khớp nối hạ tầng gây ngập lụt xung quanh dự án trong cơn bão số 12 vừa qua.
Quận phải bỏ ra 400 triệu đồng đặt ống cống thoát nước tạm thời qua đường Trương Định để giải quyết tình trạng người dân bị ngập do dự án bao vây. Hiện nay, có tình trạng đùn đẩy giữa đơn vị thi công với Hội đồng giải phóng mặt bằng. Một bên yêu cầu phải giải phóng mặt bằng hết mới thi công, một bên yêu cầu cứ làm, làm đến đâu sẽ đốc thúc người dân giải tỏa đến đó. Các yêu cầu này gây ra vòng luẩn quẩn làm kéo dài tiến độ dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa nêu tình trạng chậm triển khai các dự án trên địa bàn quận, các dự án triển khai rồi lại kéo dài tiến độ. Đặc biệt là các dự án trọng điểm đã đưa vào Nghị quyết số 39/NQ-HĐND (ngày 11/8/2016) của HĐND thành phố: Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân; Khu đất dự trữ ven sông phía Nam cầu Cẩm Lệ; dự án xử lý ngập úng các tổ dân phố 17, 18, 19 phường Khuê Trung; dự án di dời giải tỏa một số hộ dân các TDP 7A, 7B phường Hòa Thọ Tây. Các dự án này đã được đưa vào giám sát tại Chương trình “HĐND với cử tri”’ lần 1 (ngày 6/6/2017), có kết luận của Thường trực HĐND thành phố, có công văn chỉ đạo của UBND thành phố về thời hạn hoàn thành nhưng vẫn không hoàn thành đúng thời hạn và tiếp tục kéo dài.
Công trình kênh thoát lũ Hòa Liên sau nhiều lần nợ thời hạn hoàn thành theo kết luận của Thường trực HĐND thành phố đến Chương trình “HĐND thành phố với cử tri” lần 2 (ngày 14/11) lại tiếp tục trễ hạn đến 20 tháng. Trưởng Ban Đô thị Tô Văn Hùng đánh giá nguyên nhân chậm là công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, khảo sát thiết kế không chặt chẽ nên khi triển khai làm phát sinh thêm việc, phát sinh thêm số lượng lô đất tái định cư gây kéo dài thời hạn hoàn thành. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cũng bày tỏ bức xúc về tiến độ dự án này là: “Sờ đâu, phát sinh đó và đến nay các cơ quan chịu trách nhiệm về dự án này không dám hứa là không còn phát sinh nữa”.
Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách thành phố đã lựa chọn giám sát một số dự án gây bức xúc cho cử tri trên địa bàn các quận, huyện: Hòa Vang, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Đây là những dự án đã có kết luận đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại Nghị quyết HĐND thành phố và các Thông báo kết luận của Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng.
Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thường trực, các Ban HĐND thành phố liên tục đôn đốc tại các phiên họp Thường kỳ hàng tháng, UBND thành phố cũng ban hành nhiều văn vản chỉ đạo thực hiện nhưng các công tác giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư vẫn rất chậm tiến độ, nhiều dự án kéo dài, cá biệt, có dự án kéo dài từ năm 2000 đến nay vẫn chưa dứt điểm. Công tác giải tỏa, đền bù chậm tiến độ sẽ dẫn đến chậm thi công các công trình, dự án, chậm giải ngân XDCB, dễ gây bức xúc cho các hộ dân.
Chính sách bất cập
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách thành phố Phan Thị Thúy Linh bàn về nguyên nhân của tình trạng trên: Các cơ quan chức năng chậm tham mưu, đề xuất sửa đổi những bất cập của các chính sách liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư, đặc biệt là Quyết định 63/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng “Quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Chính sách đã ban hành khá lâu, nay có sự chênh lệch thực tế rất lớn nhưng thành phố chưa ban hành Quyết định mới thay thế gây khó khăn trong công tác vận động, giải thích cho các hộ dân.
Hội đồng giải phóng mặt bằng phải trình điều chỉnh, hỗ trợ trượt giá đối với từng dự án gây mất thời gian. Nhiều dự án bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thay đổi quy hoạch, thay đổi quy mô nên phải kiểm đếm, chỉnh lý lại hồ sơ đền bù đã lập nên dẫn đến chậm trễ so với tiến độ.
Vai trò của hội đồng này vẫn chưa được phát huy, nhất là trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết những phát sinh vướng mắc trong giải toả, đền bù, bố trí tái định cư.
Bên cạnh đó, các địa phương không làm tốt công tác quản lý xây dựng, để xảy ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.
Việc bố trí kế hoạch vốn đền bù vẫn còn bất cập, mới dừng lại ở việc tổng hợp nhu cầu, đề xuất của các đơn vị mà chưa xác định được dự án ưu tiên, trọng điểm và năng lực thực hiện của các đơn vị để tập trung bố trí vốn, dẫn đến việc bố trí vốn dàn trải./.