Gần đây, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng phát hiện, xử phạt nhiều công trình khách sạn ven biển xả nước thải vào cống thu gom nước thải, gây quá tải hệ thống xử lý nước thải, nước thải tràn ra biển. Việc xây dựng khách sạn ồ ạt ven biển Đà Nẵng đang gây áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội. Và nếu không có định hướng kịp thời thì tình trạng này sẽ dẫn đến mất cân bằng cung cầu cùng nhiều hệ lụy khác.
Dọc các tuyến đường lớn ven biển Đà Nẵng như đường Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà… hàng loạt khách sạn, resort đang xây dựng khẩn trương. Tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhiều con đường người dân gọi là “phố khách sạn”. Nhiều đoạn đường chỉ vài ba trăm mét đã dày đặc các loại khách sạn.
Cụ thể, đường Hà Bổng dài khoảng 500 m, rộng hơn 7 m nhưng phải “cõng” tới gần 50 khách sạn lớn, nhỏ, bình quân cách 10 mét có 1 khách sạn. Hay như, một hẻm nhỏ ở đường Dương Đình Nghệ chỉ rộng vừa đủ một chiếc ô tô qua lại cũng có tới cả chục khách sạn, nhà nghỉ.
Bên cạnh việc mang lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận cư dân thì số lượng khách sạn mọc lên quá nhanh không theo quy hoạch đã gây nhiều phiền toái cho người dân trong khu vực này; nguồn nước sinh hoạt trở nên căng thẳng, nạn ô nhiễm môi trường vượt tầm kiểm soát.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, việc nhà đầu tư gom đất xây dựng khách sạn đã và đang gây quá tải đối với hệ thống xử lý nước thải của thành phố. Theo ông Mai Mã, tốc độ phát triển nhà hàng, khách sạn quá nhanh, vượt quá ngưỡng thiết kế của hệ thống thu gom xử lý nước thải nên giờ cao điểm không thể nào thu gom hết.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố không cho các khách sạn đấu nối đường xả thải trực tiếp ra hệ thống nước thải của TP mà chỉ cho đấu vào những vị trí xung quanh, nước chảy quanh co sẽ giảm tải cho các cửa xả vào những giờ cao điểm.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Văn Chung, Nguyên Viện phó Viện Quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng thì mật độ tập trung khách sạn ở khu vực ven biển Đà Nẵng quá lớn, không chỉ gây quá tải đối với nhiều hệ thống cấp nước mà sau này còn có thể quá tải nhiều hạ tầng khác nữa.
Thành phố hiện có khoảng 500 khách sạn với gần 24.000 buồng, phòng. Trong đó, có khoảng 100 khách sạn từ 3 đến 5 sao, còn lại là các cơ sở lưu trú dưới 3 sao. Việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến thành phố Đà Nẵng. Sự phát triển ồ ạt các khách sạn dưới 3 sao khiến nguồn cung vượt cầu và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đa số các nhà đầu tư hoạt động từ các lĩnh vực khác “nhảy qua” làm du lịch nên thiếu kinh nghiệm, chất lượng dịch vụ kém…
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đã có khảo sát và khuyến cáo các nhà đầu tư nên tập trung ưu tiên những phân khúc từ 3 đến 5 sao, hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó cũng nên đầu tư vào các dịch vụ khác mà thành phố đang thiếu như dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ hỗ trợ khác cho du khách để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và hạn chế tạo sức nóng, áp lực đối với hoạt động kinh doanh ở phân khúc dưới 3 sao".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội thành phố lập quy hoạch định hướng đầu tư cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Quy hoạch này sẽ nêu lên những định hướng cụ thể giúp các nhà đầu tư lựa chọn, tránh xây dựng khách sạn thành một khu vực tập trung như hiện nay, hướng đến khai thác có hiệu quả và phát triển bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, nhà quy hoạch chỉ định hướng đầu tư và hạn chế những phân khúc mà cơ sở lưu trú không phù hợp với yêu cầu chứ không thể can thiệp vào công việc của nhà đầu tư.
Tình trạng chạy theo lợi nhuận, mua gom đất xây dựng khách sạn ở khu vực ven biển Đà Nẵng đã và đang gây ra áp lực đối với cơ sở hạ tầng và nguy cơ thiệt hại đang hiển hiện trước mặt các nhà chủ đầu tư