Aa

Đà Nẵng: Dùng rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng để hoàn thổ mỏ đá có phù hợp?

Thứ Bảy, 12/08/2023 - 10:38

Mỏ đá Phước Lý (khu vực núi Phước Tường, phường Hoà Minh, Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) do Công ty TNHH Nho Chiến khai thác, đang được hoàn thổ. Tuy nhiên, nhiều bất cập đang tồn tại tại mỏ đá này.

LTS: Mỏ đá Phước Lý được UBND TP. Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Nho Chiến khai thác theo Giấy phép số 8596/QĐ-UBND ngày 7/12/2011. Đến ngày 31/12/2013, Giấy phép khai thác khoáng sản số 8596/QĐ-UBND hết liệu lực. Từ năm 2016, TP. Đà Nẵng có chủ trương đóng cửa mỏ đá này theo Quyết định số 828/QĐ-UBND ngày 16/2/2016. Tuy nhiên, đến nay việc đóng cửa mỏ đá vẫn chưa hoàn thành và hiện trạng vẫn còn ngổn ngang, bộc lộ nhiều bất cập và tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ về an toàn dân sinh, môi trường đô thị. Theo tìm hiểu của Reatimes, hiện nay công tác đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường đang tồn tại nhiều bất cập như việc sử dụng rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng để san lấp các hố mỏ có dấu hiệu không đúng quy định.

Khu vực mỏ đá Phước Lý trước nguy cơ trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt!

Theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với mỏ đá Phước Lý, công tác cải tạo hố mỏ sẽ được thực hiện theo phương án tận dụng lượng đất đá dự trữ tại mỏ, đất đá dư thừa trong quá trình san gạt mặt bằng khu đô thị Phước Lý, làm đường Lê Trọng Tấn nối dài cũng như tận dụng lượng đất đào móng làm nhà tại khu đô thị Phước Lý của người dân để tiến hành san lấp khu vực moong khai thác. Tuy nhiên, hiện nay các hố mỏ đang được san lấp bằng giá hạ, xà bần, thậm chí là rác thải sinh hoạt. Việc san lấp thực hiện ngổn ngang, làm cho khu vực mỏ đá tựa như một bãi tập kết rác trái phép…

Với việc thực hiện san lấp khu vực mỏ không đúng với phương án nêu trên, sau này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan và môi trường. Trong đó, việc trồng cây phủ xanh diện tích đã hoàn thổ sẽ không khả thi vì cây không thể phát triển trên diện tích được hoàn thổ từ giá hạ, xà bần và rác thải trước đó.

Giá hạ, xà bần được sử dụng để san lấp các hố khai thác.

Ở một phương diện khác, việc để mỏ đá Phước Lý thành nơi tập kết giá hạ, xà bần có thu tiền dịch vụ rác thải như nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông thường, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, số lượng giá hạ, xà bần, rác thải sinh hoạt sẽ được đưa đến địa điểm được cấp phép để xử lý nhằm bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị (thường là tập trung tại bãi rác Khánh Sơn). Việc sử dụng giá hạ, xà bần, rác thải sinh hoạt để hoàn thổ tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Nhiều tài xế từng trực tiếp vận chuyển chất thải đổ tại đây cho biết việc đổ rác thải, phế thải xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm qua. Bên cạnh việc sử dụng vật liệu hoàn thổ không phù hợp với phương án đã được chính quyền phê duyệt thì vấn đề an toàn mỏ sau khi dừng hoạt động vẫn chưa được doanh nghiệp chú trọng thực hiện. Cụ thể, tại khu vực bờ moong khai thác trước đây, vấn đề đá ôm, đá treo vẫn chưa được xử lý triệt để.

Mỏ đá Phước Lý đã có chủ trương đóng cửa mỏ từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Việc xử lý đá treo tại moong khai thác chưa thực hiện triệt để, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Trong khi phương án cải tạo, phục hồi môi trường được Công ty TNHH Nho Chiến nêu rõ: “Sau khi kết thúc khai thác, Công ty sẽ tiến hành hoạt động củng cố bờ moong khai thác – là hoạt động bóc bỏ đá treo (đá mồ côi) có nguy cơ sạt lở… tính đến thời điểm hiện tại (năm 2019 – PV), Công ty đã cải tạo xong 90% khối lượng bờ taluy moong khai thác”. Doanh nghiệp này cho biết công tác cải tạo bờ taluy khai thác là để đảm bảo độ an toàn, tránh hiện tượng sạt lở đất đá. Tuy nhiên, hiện nay công tác đảm bảo an toàn này vẫn chưa được hoàn thành, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong khi khu vực mỏ đá đã dừng hoạt động, không có bảo vệ để hạn chế người dân ra vào.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng và chính quyền địa phương cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn, đốc thúc doanh nghiệp thực hiện công tác đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường đối với mỏ đá Phước Lý theo đúng cam kết như phương án được duyệt để khu vực mỏ đá hậu khai thác trong tương lai gần sẽ phủ màu xanh của cây cối chứ không phải là một khu vực hoang hoá với giá hạ, xà bần và rác thải như bây giờ.

Đà Nẵng đã và đang hướng tới “Thành phố môi trường”, nên việc xử lý mạnh tay đối với việc phá hoại môi trường như cách mà Công ty TNHH Nho Chiến đang làm tại mỏ đá Phước Lý của chính quyền địa phương cũng là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống cho cư dân đô thị tại TP. Đà Nẵng.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top