Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Ngoại vụ tiếp tục đôn đốc các nền kinh tế thành viên APEC gửi tượng đến Đà Nẵng để kịp hoàn tất việc lắp đặt toàn bộ số tượng (dự kiến trước ngày 30/10). Đồng thời chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký APEC xây dựng, hoàn thiện các kịch bản và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ khai trương Công viên APEC 2017 theo yêu cầu của Ban Thư ký APEC vào ngày 9/11.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Viện Quy hoạch xây dựng hoàn tất việc lắp đặt tượng của các nền kinh tế thành viên APEC và bảng tên tượng trước ngày 30/10.
Đồng thời trồng bổ sung, thay thế cây xanh bóng mát, hoa trang trí, tiểu cảnh, thảm cỏ, tạo cảnh quan đẹp cho Công viên trước ngày 30/10, chuẩn bị các bộ dụng cụ, biển tên cây trồng để tổ chức lễ trồng cây theo yêu cầu của Ban Thư ký APEC.
Được biết, Công viên APEC 2017 được đầu tư xây dựng tại khu đất hình tam giác ở bờ tây sông Hàn, có diện tích 3.047m2 và là khu vực giao giữa đường 2 Tháng 9 và đoạn nối dài đường Bạch Đằng (thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu).
Trong đó, diện tích xây dựng sân gạch và lối đi là 752m2 (chiếm 24,7%), phần còn lại gần 2.300m2 trồng cây xanh, thảm cỏ và đặt tượng của 21 nền kinh tế thành viên tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Đến với Công viên APEC 2017, người dân, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm tượng với nét đặc sắc riêng của từng nền văn hóa nhưng vẫn thể hiện được tinh thần hợp tác, hướng tới tương lai chung, không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn thông qua văn hóa và nghệ thuật.
Khác với vườn tượng APEC 2006 lắp đặt ở Trung tâm hội nghị quốc gia gồm 33 tác phẩm với nhiều chủ đề, Công viên APEC 2017 là sáng tạo của nhiều nghệ nhân trên thế giới. Mỗi nền kinh tế APEC sẽ tự thi công tượng và gửi tác phẩm đến, chủ nhà Việt Nam chỉ lắp đặt. Bức tượng của mỗi nền kinh tế mang đặc trưng tiêu biểu, ý tưởng nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hóa của nền kinh tế đó.
Bức tượng của chủ nhà Việt Nam mang tên “Khởi nguyên” của tác giả Lê Lạng Lương (Đại học Mỹ thuật Hà Nội), được lựa chọn sau khi vượt qua nhiều mẫu tượng khác. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu (Làng đá mỹ nghệ Non Nước) được lựa chọn để tạc bức tượng "Khởi nguyên". Bức tượng làm bằng đá granite nguyên khối, cao 3m.