Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thường Trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… Về phía TP. Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh;…
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Cảng Đà Nẵng đối với khu vực và quốc tế.
“Khởi công dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là bước cụ thể rất thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh và cho rằng đây là động lực để Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; để đến năm 2045, TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Đối với việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung, Chủ tịch nước yêu cầu nhà đầu tư cũng như các bên liên quan chú ý đến 7 vấn đề: Thứ nhất, công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025; Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới; Thứ ba, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng; Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan; Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển; Thứ 6, Hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại, do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với cảng; Thứ 7, Cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này TP. Đà Nẵng xem xét nghiên cứu.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa - Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và trong khu vực; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
“Việc triển khai Dự án không chỉ là mong muốn của lãnh đạo thành phố mà cả toàn thể Nhân dân TP. Đà Nẵng. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên - đơn vị được giao làm chủ đầu tư tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức quản lý, điều hành Dự án đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; cùng với các Nhà thầu thực hiện nghiêm túc những nội dung các bên đã cam kết tại buổi lễ hôm nay và theo Hợp đồng đã được ký kết; tăng cường ứng dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật hiện đại, cải tiến phương thức thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai đồng thời bảo đảm an toàn lao động, tuân thủ các giải pháp bảo vệ môi trường, phấn đấu hoàn thành các hạng mục sớm hơn tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng công trình; đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng của mình tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện tốt Dự án; đề nghị chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc và bà con Nhân dân trong khu vực quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai thi công, thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ đề ra”, ông Lê Trung Chinh, yêu cầu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, cùng với khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng tại khu vực phía Bắc; khu bến Cái Mép Thị Vải tại Bà Rịa Vũng Tàu tại khu vực phía Nam thì Cảng biển Đà Nẵng tại khu vực miền Trung là 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam.
Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng cho biết, để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm tới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 435/QĐ-TTg (ngày 25/3/2021) phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho Bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu. Trong đó, giai đoạn đầu được đầu tư 2 bến khởi động đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và trong khu vực.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, Cảng biển Liên Chiểu có quy mô 450ha, gồm các khu bến chính và phận hạ tầng dùng chung. Trong đó, các khu bến chính gồm khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000DWT) trong dài hạn, gồm 08 bến với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000 - 200.000DWT; khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 6 bến/1.550m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT (phía ngoài) và các tàu cở nhỏ phía trong (khoảng 30.000DWT); khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước; khu bến hàng lỏng/khí: gồm 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT; khu kho bãi đường sắt làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia; khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.
Phần cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm các hạng mục: đê kè chắn sóng; luồng tàu và khu nước; đường giao thông kết nối cảng và hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, đê kè chắn sóng có chiều dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải; đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt (dài 1,2km, quy mô 06 làn xe, bề rộng 30m), đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ, mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8m;…
Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án nhóm A do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP. Đà Nẵng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thêm: “Việc Nhà nước đầu tư cảng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển. Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. Vì vậy các cảng Chân Mây… đều có đề án phát triển riêng”.