Aa

Đà Nẵng lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch Phân khu Sân bay

Thứ Ba, 18/10/2022 - 09:28

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng đã đăng tải thông tin và triển khai lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch Phân khu Sân bay tỷ lệ 1/2000.

Đồ án Quy hoạch Phân khu Sân bay tỷ lệ 1/2000 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng (Ban QLDAGT) phối hợp với Công ty Cổ phần Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quảng Nam thực hiện.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là trung tâm của Đô thị Sân bay.

Trước đó, ngày 24/3/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã có Quyết định số 791/QĐ-UBND Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch Phân khu sân bay. Theo đó, Phân khu Sân bay sẽ nằm tại khu vực các phường: Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); Thạc Gián, Chính Gián, Hòa Khê, An Khê (quận Thanh Khê); Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) với tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.327ha.

Không gian đô thị thị sân bay sẽ như thế nào?

Phân khu Sân bay được định hướng trở thành “Đô thị Sân bay” nhằm phát triển sân bay và một cụm logistics hiện đại mới. Đô thị Sân bay là một tiểu vùng đô thị, trong đó, khu trung tâm bao gồm sân bay và các cụm công trình đô thị với chức năng đa dạng, được quy hoạch để phát triển bền vững trong mối tương quan mật thiết với phát triển sân bay.

Về thời gian nhận ý kiến, đối với cơ quan có ý kiến gửi về Ban QLDAGT trước ngày 15/10/2022; đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có ý kiến gửi về Ban QLDAGT trước ngày 30/10/2022.

Đô thị Sân bay sẽ được quy hoạch tăng cường liên kết Đông - Tây, kết nối khu vực phía Tây với khu vực trung tâm thành phố, chú trọng tăng cường liên kết Đông - Tây trong nội bộ Đô thị Sân bay và với các phân khu đô thị khác. Trong đó, liên kết giữa phân khu Đô thị Sân bay, phân khu ven sông Hàn và bờ Đông theo hướng kết nối khu vực qua các nút giao khác mức (nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút Trưng Nữ Vương - Nguyễn Hữu Thọ, nút Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ), tuyến giao thông cộng cộng, tuyến đường sắt đô thị. Bố trí các công trình công cộng thương mại dịch vụ tại các nút giao quan trọng, cửa ngõ ra vào sân bay, vừa là điểm nhấn, vừa đảm bảo sự kết nối về mặt chức năng: Thương mại dịch vụ, bệnh viện, công cộng…

Khung giao thông chính của Đô thị Sân bay TP. Đà Nẵng.

Để tăng cường liên kết với Phân khu Lõi xanh, thực hiện quy hoạch kết nối khu vực qua các nút giao khác mức (nút Ngã 3 Huế, nút Trưng Nữ Vương - Trường Chinh, nút Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh), tuyến giao thông đô thị, giao thông cộng cộng, tuyến đường sắt đô thị. Bố trí các công trình thương mại dịch vụ dọc tuyến đường Trường Chinh, tại các nút giao thông lớn... tạo nên những điểm nhấn và kết nối đô thị về mặc chức năng.

Quy hoạch các khu chức năng cấp đô thị trên tuyến Điện Biên Phủ, Lê Đại Hành, Cách Mạng Tháng Tám để tăng cường kết nối về mặt chức năng đô thị với Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng và Phân khu Đổi mới sáng tạo. Quy hoạch kết nối các tuyến đường hiện trạng đảm bảo lưu thông nội bộ, an toàn giao thông và giảm tải cho các trục chính. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành cập nhật tuyến đường quy hoạch ngầm đi ngang qua khu vực sân bay nhằm kết nối khu vực phía Đông với khu phát triển phía Tây

Theo dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đang được lấy ý kiến, Phân khu Sân bay được định hướng quy hoạch thành 4 khu vực phát triển chính, gồm: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Khu vực cửa ngõ sân bay phía Đông; Khu đô thị phía Nam; Khu đô thị phía Tây Bắc. Khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng định hướng phát triển theo đồ án Quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, đáp ứng vai trò và chức năng chính là: Cảng hàng không quốc tế, nội địa liên vùng và nội vùng; Sân bay dùng chung quân sự và dân dụng; Về quốc phòng, đây là căn cứ quan trọng có vị trí chiến lược của không quân ở khu vực miền Trung; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là trung tâm đầu não của miền Trung cả về hàng không dân dụng và quốc phòng, là cửa ngõ quốc tế vào Việt Nam tại khu vực miền Trung.

Đô thị Đà Nẵng

Khu vực cửa ngõ sân bay phía Đông định hướng phát triển công cộng, thương mại dịch vụ, phát triển các khu vực miễn thuế, vừa đáp ứng cho nhu cầu của hành khách sân bay vừa đáp ứng cho người dân TP. Đà Nẵng nói chung, từ đó dần dần sẽ hình thành mô hình “Đô thị Sân bay”. Khu đô thị phía Nam là khu vực tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị. Từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị. Còn khu đô thị phía Tây Bắc sẽ là khu vực chỉnh trang, tái thiết đô thị, nâng cấp bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu của người dân

Kiến trúc đô thị hiện đại kết hợp sinh thái

Tại các nút giao thông cửa ngõ sẽ được định hướng xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, tạo một không gian sống động và năng động, tạo nên cấu trúc đô thị hoàn chỉnh. Đây được xem là một trong những công trình điểm nhấn của Đô thị Sân bay. Các công trình điểm nhấn phải được trang bị đầy đủ tiện nghi, tiện ích tạo nên các sự kết hợp và thiết kế các công trình kiến trúc thích hợp xung quanh, gắn kết mạng lưới giao thông kết nối những biểu tượng độc lập thành một tổng thể. Hình thức kiến trúc tạo tính đặc sắc và thu hút cho khu vực, đồng thời phải có tính đồng bộ và hài hòa với xung quanh, ưu tiên các kiến trúc hiện đại, kiến trúc sinh thái với hình khối linh hoạt và sinh động. Nhà ga sân bay sẽ là công trình điểm nhấn quan trọng và chủ đạo của khu vực. Các nhà ga sân bay được thiết kế với hình thức kiến trúc độc đáo, ấn tượng, tạo sức hút về mặt không gian, điểm nhìn.

4 khu vực phát triển chính của Đô thị Sân bay TP. Đà Nẵng.

Với khu vực dân cư sẽ được xác định về mật độ, tầng cao xây dựng, ngôn ngữ và hình thức kiến trúc chủ đạo, tạo nên bản sắc đô thị. Đối với khu dân cư hiện hữu, khuyến khích cải tạo, chỉnh trang khu vực để tạo tính đồng bộ, hài hòa cho đô thị, đặc biệt đối với khu vực dân cư hiện hữu tại các trung tâm đô thị cần có các giải pháp quản lý chặt chẽ đảm bảo kiểm soát về kiến trúc, tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng, ưu tiên các hình thức nhà ở có sân vườn nhằm giảm áp lực xây dựng cho đô thị, tăng không gian xanh. Đối với các khu vực đô thị đã ổn định, mở rộng các tuyến chính đạt chuẩn đô thị để tăng chất lượng hạ tầng cơ sở. Cung cấp đầy đủ hạ tầng xã hội đơn vị ở. Tăng chất lượng và sức chứa hạ tầng kỹ thuật.

Đối với khu dân cư mới, đảm bảo thực hiện quy hoạch và có giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm kiến trúc địa phương. Trong đó, nhà ở liền kề là nhà ở hộ gia đình không khuyến khích kinh doanh mặt phố, có mặt tiền từ 4 - 7m, diện tích 100 - 120m2/lô. Đây là phân loại chiếm tỷ lệ lớn trong đất ở mới. Áp dụng chính sách linh hoạt như: Cho phép hợp thửa để trở thành nhà vườn, cho phép chuyển đổi thành cửa hàng trên một số tuyến chính nếu như tình hình phát triển kinh tế xã hội cho phép các tuyến phố đó trở thành khu phố thương mại…

Nhà ở kết hợp thương mại là nhà ở liền kề với cửa hàng ở tầng trệt, việc kết hợp các hoạt động kinh doanh và ở tạo nên tính sinh động cho các tuyến phố, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh tế cho khu vực. Loại hình này chủ yếu phân bố ở những khu vực cho phép kinh doanh mặt phố dọc các trục chính như đường Nguyễn Huệ, đường Lương Văn Chánh, trục thương mại dịch vụ. Công trình nhà ở thương mại có mặt tiền tối thiểu 4 - 20m. Có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ vào chức năng kinh doanh. Kiến trúc công trình: Ưu tiên các kiến trúc hiện đại, kiến trúc sinh thái, màu sắc sinh động hấp dẫn...

Quy định về tầng cao xây dựng trong phân khu sân bay phụ thuộc vào quy định về tĩnh không sân bay, phễu bay

- Đối với công trình nhà ở riêng lẻ: Tầng cao tối đa 5 tầng;

 - Đối với công trình công cộng đơn vị ở: Tầng cao tối đa 3 tầng;

 - Đối với công trình công cộng, thương mại dịch vụ, chung cư: Được phép xây dựng chiều cao tối đa theo sơ đồ giới hạn chiều cao sân bay, tuy nhiên không được vượt quá 45m;

- Đối với các công trình nhà ga cảng hàng không, các công trình phục vụ sân bay, logistics, các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng chiều cao tương ứng theo sơ đồ giới hạn chiều cao sân bay;

- Trong khu vực đường băng sân bay không được phép xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top