Aa

Đà Nẵng: Nhiều tín hiệu tích cực cho nửa cuối năm

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 21/08/2019 - 15:15

Dù hạn chế về số lượng nguồn cung nhưng thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn có nhiều tín hiệu tích cực và nhiều tiềm năng nhờ những định hướng chính sách vĩ mô tích cực cho tương lai lâu dài.

Khách sạn tăng trưởng theo du lịch

Nếu chỉ nhìn vào phân khúc căn hộ, condotel và biệt thự nghỉ dưỡng thì thị trường bất động sản Đà Nẵng đang bước vào một khoảng lặng, với số lượng dự án mới mở bán rất hạn chế trong năm 2019. Tuy vậy, bên cạnh nét trầm lắng đó, thị trường vẫn ghi nhận những diễn biến rất khả quan, cho thấy tiềm năng lớn của thành phố miền Trung này.

Khách sạn - phân khúc “anh cả” dẫn dắt thị trường bất động sản Đà Nẵng đang được hưởng lợi trực tiếp từ tình hình hoạt động rất tốt của ngành du lịch. Khách quốc tế đến Đà Nẵng nửa đầu năm 2019 đạt 1,8 triệu lượt, tăng 26% theo năm - một mức tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, nguồn cầu nội địa rất ổn định: 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,3% theo năm. Khả năng tiếp cận bằng đường hàng không trong thời gian qua đã và đang giúp Đà Nẵng dễ dàng phân tách khách du lịch, định hướng thị trường dành cho đối tượng trung – cao cấp.

Nguồn cung thị trường khách sạn (Nguồn: Savills)

Tính đến nửa đầu năm 2019, Đà Nẵng có 31 đường bay quốc tế đến thành phố (tần suất: 419 chuyến/tuần) và 11 đường bay nội địa (tần suất 654 chuyến/tuần). Sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không mới, các đường/ chuyến bay mới đã thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường khách sạn. Khách du lịch quốc tế tới Đà Nẵng qua đường hàng không 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 45,8% theo năm. 

Theo đó, nguồn cung thị trường khách sạn tính đến 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 20% theo năm, đạt khoảng 15.400 phòng từ 121 khách sạn 3 - 5 sao. Trong nửa đầu 2019, thị trường có thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn. Từ nửa cuối năm 2019, hơn 8.000 phòng sẽ được đưa vào hoạt động.

Khách lưu trú Hàn Quốc chiếm gần 50% khách lưu trú quốc tế; xếp thứ 2 là khách Trung Quốc, chiếm khoảng 19%; xếp thứ 3 là khách Thái Lan, chiếm khoảng 7%. Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế đạt 2,7 ngày.

Đà Nẵng vẫn dẫn đầu về tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng

Biệt thự nghỉ dưỡng hấp thụ tốt

Tính đến giữ năm nay, tổng nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng đến từ 17 dự án. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn dẫn đầu nguồn cung, với thị phần 92% từ 14 dự án. Trong nửa cuối năm 2019, dự kiến 45 căn biệt thự sẽ gia nhập thị trường.

Nguồn cung mới hạn chế và nguồn cầu ổn định dẫn đến tỷ lệ hấp thụ lũy kế đến hiện tại cao. Một dự án mới tung bán giai đoạn đầu gần đây đã rất thành công nhờ sự tổng hòa của các yếu tố như vị trí đẹp, sát biển, danh tiếng chủ đầu tư, nhà điều hành, pháp lý tốt.

Với quỹ đất ven biển hạn chế, và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng với một trong hai hướng mũi nhọn là Đông Nam - khu vực bãi tắm Sơn Thủy, khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai, bên cạnh các biệt thự ven biển, dự kiến sẽ đón nhận thêm các sản phẩm biệt thự ven sông.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, chuyên gia nghiên cứu từ Savills nhận định: “Đà Nẵng là một thành phố du lịch có nhiều lợi thế thiện nhiên và nhân tạo. Điều kiện thời tiết thuận lợi, với bãi biển đẹp trải dài, bên cạnh đó là địa hình đa dạng để phát triển cả du lịch biển, núi và sông. Định hướng phát triển, quy hoạch đang quan tâm đầu tư về “chất” hướng đến không gian đô thị xanh, bền vững. 

Hạ tầng giao thông đã phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó là các tiện ích cao cấp như sân golf, casino giúp thu hút thêm du lịch. Khách sạn vì vậy sẽ là phân khúc có sự phát triển rõ rệt nhất trong thời gian tới với nguồn cung đa dạng; khu vực sát biển không còn nhiều dư địa, vì vậy khu vực nằm trên tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp và Trường Sa sẽ có cơ hội phát triển các khách sạn 3 - 4 sao”.

Căn hộ đang tăng tính hấp dẫn

Trước đây, phân khúc căn hộ được cho rằng không hấp dẫn các nhà đầu tư bằng biệt thự nghỉ dưỡng hay đất nền, nhưng thực tế cho thấy giá và giá thuê của căn hộ tại Đà Nẵng, đặc biệt các dự án ven biển đang có xu hướng tăng.

Trong nửa đầu năm 2019, tỷ lệ hấp thụ trung bình cộng dồn của phân khúc căn hộ cao đạt 94% và giá chào bán trung bình đạt 2.500 USD/m2, tăng 39% so với mức 1,800 USD/m2 trong H12018 do nguồn cung hạn chế.

Nguồn cung thị trường căn hộ bán (Nguồn: Savills)

Trong 6 tháng đầu năm, một dự án tung thêm khoảng 110 căn hộ, tạo nguồn cung mới và nâng tổng nguồn cung lên hơn 5.300 căn từ 20 dự án. Trong năm 2019, nguồn cung mới của phân khúc căn hộ hạn chế. Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, có khoảng hơn 900 căn hộ sẽ gia nhập thị trường.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ Đà Nẵng cũng có nhiều nét sáng. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Đà Nẵng tính đến nửa đầu năm 2019 đạt khoảng 212.000 m², tăng 20% theo năm. Thị trường không chỉ tập trung vào TTTM mà có phát triển đa dạng đồng đều ở cả trung tâm thành phố và khu vực ven biển với sự gia nhập thị trường của ba dự án tại quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn.

Doanh thu bán lẻ đạt 27,4 nghìn tỷ VNĐ, tăng 13% theo năm. Ngành hàng F&B có sự phát triển mạnh; nhiều thương hiệu F&B chưa gia nhập thị trường Hà Nội nhưng đã có mặt tại Đà Nẵng.

Dự kiến, trong nửa cuối 2019 và năm 2020, thị trường sẽ đón nhận thêm gần 96.000m2, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn - khu vực ven biển, đem đến cho khách du lịch và cư dân địa phương những lựa chọn mới trong hoạt động vui chơi giải trí mua sắm.

Đà Nẵng đón nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường nửa cuối năm

Bệ đỡ về chính sách

Thị trường bất động sản Đà Nẵng được giới phân tích dự đoán đang khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực nhờ bệ đỡ về chính sách vĩ mô. Cụ thể, đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nói về Nghị quyết 43, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết cho biết: “Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.

Nhìn vào mục tiêu, nhiệm vụ rất rõ ràng mà Trung ương đặt ra cho Đà Nẵng, có thể thấy bất động sản ở thành phố này sẽ còn là “nam châm” hút nhà đầu tư. Thêm vào đó, vừa qua chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn Singapore tiến hành làm lại quy hoạch chung. Cùng với việc rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng, bất động sản lại càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Thêm thông tin tích cực, theo phương án thống nhất của UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp gần đây, sông Cổ Cò sẽ được thông luồng toàn tuyến trước tháng 9/2020. Một khi sông Cổ Cò “hồi sinh”, thì khu vực phía Đông Nam thành phố sẽ có thêm lợi thế kinh doanh dịch vụ du lịch hai bên bờ sông.

Lãnh đạo 2 địa phương cũng đã thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò. Như thế, phía Đông Nam có cơ hội trở thành trung tâm mới, hội tụ tiềm năng phát triển du lịch đường thủy.

Theo nhận định của các chuyên gia, TP. Đà Nẵng là sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Nhu cầu về nhà ở, đất ở tăng kéo theo sự tăng trường của thị trường bất động sản. Ngoài các loại hình bất động sản như khách sạn, biệt thự nghĩ dưỡng, codotel, giới đầu tư đang hướng đến các sản phẩm đất nền với hy vọng mang lại lợi nhuận cao và ổn định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top