Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 đã diễn ra tại khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham dự.
Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 đã thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hứa hẹn hoạt động thu hút và sử dụng vốn đầu tư sẽ đi vào thực chất hơn cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều sâu và chiều rộng. Qua đó, sự thành công của các dự án chính là minh chứng rõ ràng nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng, góp phần lan toả thông điệp: “Đà Nẵng - Thành phố đáng sống, đáng đầu tư”.
Sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cam kết nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế và chính sách đầu tư. Trong đó, nổi bật là vấn đề thành phố sẽ chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư.
Trong đó, sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông như: Đường vành đai phía Tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu và nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai. Thực hiện có hiệu quả quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Qua đó, sẵn sàng chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư.
Có thể thấy, việc thu hút đầu tư của Đà Nẵng tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Vì vậy, thành phố cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm kích thích vốn đầu tư và tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể với những doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, ưu đãi về tiền thuê đất như: Các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về xuất nhập cảnh...
Đà Nẵng: “Thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư”
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn được thực hiện hứa hẹn sẽ khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong thời gian tới.
“Trong những năm qua, cụ thể là từ khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt; thể hiện tinh thần, kết quả “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Đà Nẵng và các nhà đầu tư tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên như: Công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số; phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị; phát triển thị trường vốn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp dược, thiết bị, vật tư y tế; công nghiệp có tính chất nền tảng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Theo đó, thành phố cần tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, thành phố cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt các nhiệm vụ về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư...
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 còn nhận được nhiều “kế sách” từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư giàu tiềm năng. Theo ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam: “So với Hà Nội và TP. HCM, Đà Nẵng có lợi thế là giá thuê khu công nghiệp còn rẻ, nguồn nhân lực dồi dào. Thông qua diễn đàn lần này, sẽ góp phần phổ biến những điểm hấp dẫn và thế mạnh riêng của TP. Đà Nẵng mà các tỉnh thành khác không có, do đó đây là một dịp rất đúng lúc và cần thiết”.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững và thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm. Việc thực hiện các dự án phải triển khai đúng kế hoạch, tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng đầu tư.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi chứng kiến sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân khi đầu tư vào Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ quy hoạch, bà Carolyn Turk cho rằng: “Hiện nay, Đà Nẵng đang thu hút lượng dân nhập cư cao thì “lõi” đô thị hiện tại đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng.
Vì vậy, TP. Đà Nẵng cần có những cơ sở hạ tầng xanh, không gian xanh công cộng, phát triển theo định hướng giao thông, quản lý chất thải và tái tạo đô thị… Để đạt được tầm nhìn này, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng”.
Cũng tại Diễn đàn đầu tư 2022, TP. Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm, bao gồm: Dự án Cảng biển Liên Chiểu, đây là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; Dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp tại 4 lô đất đường Võ Văn Kiệt và 1 lô đất giáp đường Võ Nguyên Giáp và đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà); Dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng, khu đất phát triển dự án nằm tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với tổng diện tích 17,26ha; Dự án Trường liên cấp quốc tế; Dự án Trung tâm thương mại quốc tế; Dự án Bệnh viện quốc tế và dự án Viện dưỡng lão.
Đồng thời, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, UBND TP. Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án…
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng khen thưởng cho 11 doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số dự án trọng điểm tại TP. Đà Nẵng
Sáng 26/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đến thăm, khảo sát một số nhà máy, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có các dự án điển hình như: Khu đô thị giáo dục - công nghệ FPT City; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC - Hoa Kỳ) đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; cảng Liên Chiểu; Khu Công viên phần mềm số 2.
Đối với dự án cảng Liên Chiểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, cần dự báo, tính toán số liệu sao cho hợp lý và yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công - tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng cảng và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.