Kế hoạch này nhằm từng bước ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình nhằm chỉnh trang và nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật tại các tuyến đường giao thông, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông các đô thị. Xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ lưới điện trên nền GIS (trong đó có thể hiện lưới điện đi nổi và lưới điện đi ngầm) phục vụ công tác quản lý hiệu quả hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện ngầm hóa lưới điện hiện hữu kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình trên 12 tuyến đường thuộc địa bàn quận Hải Châu, gồm: Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Yên Bái, Thái Phiên, Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, Phan Đình Phùng với tổng khái toán vốn đầu tư ngầm hóa là 324,6 tỷ đồng. Các tuyến đường thực hiện trong giai đoạn này thuộc khu vực trung tâm thành phố, khu hành chính, thương mại; là các tuyến đường, tuyến phố chuyên doanh, phố đi bộ nhằm phục vụ kịp thời phát triển đô thị, phát triển kinh tế, du lịch của thành phố.
Riêng đối với 4 tuyến đường Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu sẽ thực hiện ngầm hóa lưới điện hiện hữu trong giai đoạn 2022 - 2024 nhưng thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó thực hiện hoàn thành thi công lắp đặt ống để luồn cáp ngầm theo tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước và hạ tầng cống bể ngầm thông tin dự kiến hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030 sẽ thực hiện ngầm hóa lưới điện hiện hữu kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình trên 15 tuyến đường thuộc địa bàn quận Hải Châu, gồm: Lê Hồng Phong, Lê Đình Dương, Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Hải Phòng, Đống Đa, Đường 3/2, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Triệu Nữ Vương, Trưng Nữ Vương với tổng khái toán vốn đầu tư ngầm hóa là 304,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại các khu đô thị mới (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) trên địa bàn thành phố thì phải thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình (đi trong hào kỹ thuật hoặc tuynen kỹ thuật). Đối với các dự án giao thông mới, các công trình chỉnh trang đô thị thì sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống hạ tầng chờ sẵn (tuynen, hào kỹ thuật, cống bể cáp) để bố trí hệ thống đường dây diện, chiếu sáng, cáp thông tin. Đối với lưới điện xây dựng mới thì thực hiện theo Quyết định số 3239/QĐ-UBND ngày 23/07/2019 của UBND TP. Đà Nẵng về việc điều chỉnh Quyết định số 9017/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch cấp điện TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn vốn thực hiện ngầm hóa lưới điện sẽ từ vốn của ngành điện; vốn tư nhân; vốn tài trợ; các nguồn vốn hợp pháp khác; vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Về cơ chế tài chính, các khu đô thị mới sẽ thực hiện đầu tư lưới điện đi ngầm bằng nguồn vốn của chủ đầu tư. Đối các hạng mục hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: Tuynen, hào kỹ thuật, cống, bể kỹ thuật thì thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn xã hội hóa. Đối với các hạng mục như trạm biến áp, tủ điện đấu nối trung áp, tủ điện hạ áp, ống luồn cáp, cáp điện lực và các hạng mục khác có liên quan thì thực hiện bằng nguồn vốn của ngành điện./.