Aa

Đà Nẵng yêu cầu công khai sai phạm tại các dự án bất động sản

Thứ Hai, 08/07/2019 - 14:00

Đà Nẵng yêu cầu công khai sai phạm tại các dự án bất động sản; Thị trường bất động sản: Khan hàng thật hay ảo?... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Đà Nẵng yêu cầu công khai sai phạm tại các dự án bất động sản

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện về triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng khi thẩm định các đồ án quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục- thể thao... theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu việc bố trí nguồn vốn để hoàn thành 3 dự án: Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa cầm, Chung cư thu nhập thấp Tân Trà và Ký túc xá sinh viên tập trung phía tây tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh theo đúng tiến độ được duyệt. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai;...

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Đà Nẵng yêu cầu công khai sai phạm tại các dự án bất động sản  Ảnh: Internet

Thị trường bất động sản: Khan hàng thật hay ảo?

Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản quý II của JLL cho biết, nguồn cung căn hộ mới ở thị trường Hà Nội và TP.HCM thấp nhất khi thị trường hồi phục từ năm 2014 đến nay.

Tình trạng nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng khiến giới quan sát đang e ngại về tình trạng khan hàng có thể đang xảy ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù nguồn cung sụt giảm song tình trạng khan hàng chỉ là ảo bởi vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản vẫn ồ ạt và tồn kho đang cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, trong quý I/2019 Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó chủ yếu là bất động sản công nghiệp.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM công bố mới đây cho thấy trong nửa đầu năm 2019, địa phương này có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.

Báo cáo từ JLL mới đây cũng cho biết, tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường bất động sản cũng có sự sụt giảm mạnh. Thống kê này cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trên thị trường đang có xu hướng giảm, lực mua không lớn.

Xem chi tiết tại đây

Thêm 8,7 tỷ USD vốn ngoại đổ vào các khu công nghiệp, kinh tế

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTNN vào Việt Nam lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD.

Đối với các dự án đầu tư trong nước (ĐTTN), trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 334 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 82,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTTN lên khoảng 9.086 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2.060,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, có hơn 3,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Hiện có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 95,5 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,6 nghìn ha, chiếm khoảng 68,7%.

Xem chi tiết tại đây

Không chỉ xây dựng những dự án, nhiều chủ đầu tư chú trọng xây dựng môi trường sống an lành cho cư dân. Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ xây dựng những dự án, nhiều chủ đầu tư chú trọng xây dựng môi trường sống an lành cho cư dân. Ảnh: Lê Toàn

Tranh chấp ở chung cư: Lùi một bước để sống vui

Cùng với số lượng chung cư đưa vào vận hành ngày càng nhiều, thì các vụ tranh chấp cũng gia tăng và có chiều hướng phức tạp hơn. Bên cạnh những lỗ hổng liên quan đến pháp lý, tranh chấp leo thang còn do các bên không ai chịu ai.

Theo Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, trong tổng số 745 cụm, tòa chung cư thương mại trên địa bàn Thành phố, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện và 22 chung cư có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó, chiếm tỷ lệ đáng kể nhất trong các tranh chấp xuất phát từ việc các chủ đầu tư cố tình làm sai, không thực hiện minh bạch theo quy định của pháp luật.

Phần lớn vụ việc từ các nguyên nhân như sử dụng sai quy định phần diện tích chung, cơi nới và thay đổi công năng một phần diện tích không theo quy hoạch; vi phạm quy định về sử dụng quỹ bảo trì, chi phí vận hành quản lý tòa nhà, tổ chức hội nghị dân cư lần đầu, hay vi phạm tiến độ xây dựng và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Luật sư Trần Bình, Công ty Luật Trần và liên danh (Hà Nội) cho biết, hiện Luật Nhà ở 2014 cũng như các văn bản liên quan đều đã quy định các nội dung cơ bản về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Trên thực tế, có thể nảy sinh một số tranh chấp mang tính tình huống nên có thể gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, theo ông Bình, tất cả các bên, thay vì sử dụng những biện pháp tiêu cực để ứng phó với nhau, thì nên dùng công cụ pháp lý để bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình.

Xem chi tiết tại đây

TP.HCM: Giá đất khu công nghiệp "leo thang"

Theo báo cáo thị trường quý II/2019 của JLL Việt Nam, 5 thị trường công nghiệp hàng đầu tại vùng kinh tế trong điểm miền Nam đều có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt mức cao, 81% trong quý II/2019.

Là các khu vực phát triển về công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, Bình Dương và Đồng Nai vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư săn đón nhất nhờ nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong quý II/2019, tổng diện tích đất cho thuê tại thị trường miền Nam đạt 25.060ha, cao gấp 2,5 lần so với miền Bắc. Dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá thuê trung bình đất khu công nghiệp được đẩy lên 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng gần 16% so với cùng kỳ.

TP.HCM vẫn duy trì vị trí số 1 với mức giá 162 USD/m2/chu kỳ thuê. Giá thuê dao động từ 3,5 - 5 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3 - 5 năm. Mức thuê này tăng nhẹ so với kỳ cập nhật hai quý trước đó, nhờ nhu cầu đối với loại hình này đang tăng mạnh.

JLL dự báo có khoảng 18.290ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ tiếp tục tăng, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho toàn khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top