Aa

“Đá” sân BĐS, doanh nghiệp xây dựng muốn “làm tất ăn cả”?

Chủ Nhật, 30/04/2017 - 06:01

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông công bố sẽ “hút mật” trên thị trường BĐS. Một số cái tên có thể kể đến như Cienco 4, Vinaconex, Tasco, REE,…

REE ước lợi nhuận mảng BĐS sẽ tăng trưởng hơn 200%

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, doanh thu và lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã REE) đạt 3.659 tỷ đồng và 1.093 tỷ đồng, tăng 38% và 28% theo năm. Trong đó, BĐS là một trong ba nhóm ngành đóng góp chính vào doanh thu của công ty (bên cạnh mảng M&E - dịch vụ cơ điện công trình và Điện).

Năm 2017, REE dự kiến doanh thu đạt 4.613, tăng 26,1% so với năm 2016. Lợi nhuận ròng ước đạt 1.136 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ BĐS dự kiến sẽ tăng mạnh nhất với 226%, doanh thu văn phòng có thể tụt giảm 1%. Doanh thu từ mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này là M&E dự kiến tăng trưởng 15%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) ước tính với mảng cho thuê văn phòng, REE sẽ sửa chữa tòa nhà Etown EW nhằm tăng diện tích cho thuê lên 10.000m2. Có kế hoạch khởi công trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, dự kiến dự án có thể cho thuê trong quý III/2018.

Bên cạnh đó, REE ước tính hoàn thành xây dựng tòa nhà Etown Central vào tháng 11/2017 và có thể cho thuê trong tháng 1/2018. Ban lãnh đạo ước tính tỷ lệ lấp đầy đạt 50% trong năm 2018 và lấp đầy hoàn toàn trong năm 2019. Năm 2017, do diện tích cho thuê chưa tăng, SSI cho rằng doanh thu và lợi nhuận ròng của REE chỉ tăng nhẹ nhờ gia hạn hợp đồng và doanh thu tính theo tỷ giá USD/VND mới.

Về mảng BĐS, theo ban lãnh đạo REE, công ty con VIID và công ty liên kết SaigonRes vẫn có nhiều dự án chào bán trong năm 2017. Doanh nghiệp này cho rằng lợi nhuận ròng năm 2016 có thể cao hơn nếu công ty kết thúc hợp đồng cho thuê trong năm 2016 tuy nhiên hợp đồng trì hoãn đến quý I/2017. Dự kiến, lợi nhuận phân khúc này có thể cao hơn giá trị hợp đồng.

Cienco 4 mở rộng mảng BĐS, du lịch nghỉ dưỡng

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco 4) mới đây vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 với nhiều tham vọng dài hạn. Trước mắt, trong năm 2017, Cienco 4 đặt chỉ tiêu giá trị sản lượng 8.000 tỷ đồng; doanh thu đạt 7.600 tỷ đồng. Lợi nhuận thực hiện trước thuế ước đạt 210 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị Cienco 4 thống nhất chuyển hướng phát triển tổng công ty thành Tập đoàn kinh tế đa ngành, phù hợp với định hướng thị trường. Trong đó, công ty sẽ vẫn ưu tiên mảng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là chủ đạo. Tuy nhiên sẽ đồng thời mở rộng dần sang các lĩnh vực như BĐS, du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, môi trường, năng lượng và sản xuất thêm các sản phẩm khác...

Về đầu tư dự án, lãnh đạo Cienco 4 cho biết sẽ tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai để đưa vào khai thác thu hồi vốn. Đối với dự án mới, công ty sẽ gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau trong xã hội kể cả trong nước và nước ngoài qua các hình thức liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu...

Cũng tại Đại hội này, Cienco 4 đã công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An). Ngoài ra, Cienco 4 cũng thành lập Công ty cổ phần Green Tea Islands và ủy thác cho Green Tea Islands thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.

Vinaconex tái khởi động mảng BĐS

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã VCG - HNX) mới đây đã công bố sẽ tái khởi động mảng BĐS sau giai đoạn khó khăn về tài chính. Vinaconex hiện nay nắm chủ yếu các dự án có quy mô vừa và nhỏ như Dự án 97 - 99 Láng Hạ, Dự án Tòa chung cư 2B Vinata Tower và hai dự án mới mua lại là Dự án 93 Láng Hạ, Dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng.

Đối với KĐT Bắc An Khánh, công ty cho biết giai đoạn 2 của dự án đang gặp khó khăn về tài chính. Có thể công ty sẽ thương thảo phân chia lại tỷ lệ sở hữu với đối tác Posco hoặc mua lại toàn bộ phần vốn của đối tác. 

Để có vốn làm dự án, Vinaconex sẽ cơ cấu lại công ty mẹ thông qua việc tái cơ cấu vốn tại các công ty còn lại hoặc nắm giữ cổ phần không chi phối dưới dạng đầu tư tài chính linh hoạt.

Vinaconex dự định tập trung nguồn lực hình thành 2 công ty nòng cốt sở hữu 100% vốn điều lệ. Công ty mới sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS, phát triển hạ tầng. Vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng năm 2017 tăng lên 1.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu thầu, đồng thời tích cực liên doanh liên kết, mua lại các dự án nhà ở, hạ tầng cấp nước sạch, giao thông. Đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dự án lớn dài hơi.

Tasco chuyển sang làm NƠXH, nhà thu nhập thấp

CTCP Tasco (mã HUT) định hướng phát triển trong 5 năm tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư BĐS; đầu tư y tế và công nghệ.

Về đầu tư BĐS, Tasco sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư nhằm đầu tư BĐS theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện Công ty đang thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng. 

Tasco tập trung chiến lược mua lại đất, làm NƠXH, nhà thu nhập thấp để phát triển, tìm kiếm cơ hội đầu tư về BĐS ở Hà Nội và các thành phố lớn. Công ty định vị lợi nhuận nhất định ở mức 25 - 30%.

Với kế hoạch tấn công đồng loạt sang ngạch BĐS của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Đa phần những doanh nghiệp ngành xây dựng cũng đã có nhiều kinh nghiệm và lợi thế khi lấn sang sân BĐS. Khi doanh nghiệp xây dựng có tiềm lực kinh tế có thể vừa đầu tư dự án, vừa thi công... thì việc các doanh nghiệp này "làm tất ăn cả” cũng là điều đáng mừng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top