Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong: Giấc mơ dang dở về "Tổ Phượng hoàng"
Căn phòng làm việc của TSKH. Võ Đại Lược nằm ở cuối hành lang tầng 4 Viện Triết học. Dù đã về hưu nhưng với ông, mỗi ngày, lịch trình có mặt làm việc từ 8h30 đến 16h30 vẫn phải đều đặn và chuẩn chỉ. Dường như với một nhà khoa học đã dành gần hết cả cuộc đời để nghiên cứu, miệt mài bên những chồng sách thì một ngày được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu các đề án kinh tế là một ngày trọn vẹn hạnh phúc.
Căn phòng làm việc của ông vẫn còn lưu lại bộ ghế đi-văng từ thời xưa. Một tủ sách trải dài gần hết chiều rộng của văn phòng. Đến thăm ông 3 lần, trong mắt tôi chỉ đọng lại hình ảnh của một nhà khoa học say mê với công việc vốn có của mình, cặm cụi trên chiếc bàn đơn sơ mà xung quanh ngập tràn những chồng sách và tài liệu. Nhìn cách ông say sưa nói về các vấn đề kinh tế chính trị, với câu chuyện xoay quanh từng đề án, tôi có một cảm giác như nghiên cứu đã trở thành “hơi thở”, là “nguồn sống” của nhà khoa học đã bước qua tuổi 70 này.
Năm 2017, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) là 3 địa danh được lựa chọn phát triển trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bắc Vân Phong là nơi được lựa chọn ưu tiên phát triển sớm nhất. Được thành lập từ năm 2006, Bắc Vân Phong được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đến năm 2018, giấc mơ sớm về "Tổ Phượng hoàng" đã tạm dừng lại khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua.
Năm 2019, Khánh Hòa đã chính thức đề nghị xem xét dừng quy hoạch Đặc khu Bắc Vân Phong. Lý do Khánh Hòa đưa ra là do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội thông qua nên quá trình triển khai lập quy hoạch khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định được cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch, hội đồng thẩm định và các nội dung liên quan khác.
Đến nay, Bắc Vân Phong vẫn giữ vai trò của một khu kinh tế đầy tiềm năng, vẫn là sự kỳ vọng của giới chuyên gia và đầu tư về giấc mơ đặc khu đủ khả năng tạo ra sự bứt phá cho kinh tế miền Trung nói riêng và kinh tế Việt Nam.
Và với TSKH. Võ Đại Lược, dù giấc mơ đặc khu kinh tế đang tạm dừng nhưng những đánh giá của vị chuyên gia này với Bắc Vân Phong luôn trọn một niềm kỳ vọng.
Cũng ít ai biết rằng, nhiều năm trước, TSKH. Võ Đại Lược là người viết tờ trình Chính phủ về dự án Đặc khu Bắc Vân Phong. Ông cũng là người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về mô hình đặc khu kinh tế.
Năm 1988, khi ông Phạm Hùng mất, ông Đỗ Mười lên làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thời điểm ấy, lạm phát ở nước ta rất cao. Năm 1986, lạm phát lên tới 3 con số, hơn 700%/năm. Thời điểm ông Đỗ Mười giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lạm phát vẫn còn ở mức 200%/năm. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, hàng hóa khan hiếm, kinh tế đình đốn.
Thời bấy giờ, cả nước có trên 40 đề án chống lạm phát được gửi về, từ phía IMF, WB đến học giả người Việt Nam ở nước ngoài và những đề án của các viện trong nước. Giải pháp của quốc tế lúc bấy giờ đưa ra là Việt Nam cần phải có dự trữ ngoại tệ khoảng 1 tỷ USD mới chống được lạm phát. Nhưng lúc đó dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ có khoảng 20 triệu USD.
Nhớ lại ngày ấy, ông Võ Đại Lược kể: “Năm 1989, tôi là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, được phân công làm tổ trưởng tổ nghiên cứu chống lạm phát của Ủy ban Khoa học Xã hội. Tôi có một đề án chống lạm phát. Nhưng Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia cũng thảo ra một đề án. Đề án của tôi chưa được công nhận là đề án của Trung tâm vì tư tưởng khác nhau.
Khi đó, anh Lê Đức Thúy, Viện phó Viện Kinh tế được ông Đỗ Mười chọn làm thư ký. Anh có nói với ông Đỗ Mười là tôi có một đề án nhưng không được trung tâm chấp nhận. Ông Đỗ Mười đã gọi tôi lên trình bày. Thực lòng lúc đó, tôi hơi ái ngại vì nghĩ khó thuyết phục được ông Đỗ Mười. Trước đó, ông đã nhận được những báo cáo viết theo tinh thần bao cấp, tôi có cảm giác ông khó đồng ý với dự án này.
Đây là lần đầu tiên làm việc riêng của tôi với ông Đỗ Mười. Những ấn tượng tốt ban đầu của tôi khi gặp ông đã khiến tôi sẵn sàng trình bày đề án dù trong lòng hơi hồi hộp. Ông Đỗ Mười lấy cuốn sổ và cái bút sẵn sàng chăm chú nghe trình bày. Tôi trình bày bản đề án của mình hết 1 tiếng đồng hồ.
Nội dung của đề án đề cập tới việc thực hiện lãi suất dương, trong khi, lạm phát thời điểm đó đã được kiềm chế ở mức 9%/tháng. Bấy giờ, lãi suất rất thấp, dưới mức lạm phát. Vì lãi suất thấp nên người dân không ai muốn gửi tiền tiết kiệm. Trong đề án, tôi đưa ra giải pháp quan trọng nhất là phải thực hiện lãi suất dương, nghĩa là tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên 12%/tháng, cao hơn mức lạm phát 3%. Có như vậy thì mới thu hút tiền người dân gửi vào ngân hàng.
Giải pháp thứ hai là phải tự do hóa kinh tế, xóa bỏ hết cơ chế bao cấp qua tem phiếu và không còn câu chuyện một phụ nữ được cấp 5 mét vải, mỗi người dân được 13kg gạo/tháng… Thực hiện cơ chế để người nông dân tự do lưu thông buôn bán lương thực thực phẩm trong cả nước, thực hiện cơ chế thị trường thực sự.
Lúc đó, Đại hội VI đã có quyết định chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhưng trong Nghị quyết đại hội Đảng vẫn chưa đề cập tới cơ chế thị trường. Trong các giải pháp đưa ra, tôi cũng có kiến nghị xây dựng đặc khu kinh tế, thí điểm về một thể chế mới".
Bản đề án của TSKH. Võ Đại Lược được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nhất trí cao. Theo lời kể của vị TSKH, ông Đỗ Mười đã nói rằng: “Tôi đồng ý, giải pháp của anh có những ý tưởng tốt, cần được xem xét”. Sau đó, ông Đỗ Mười đã giao đồng chí Hồ Tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Ủy viên Thường trực Tiểu ban Chống lạm phát tổ chức hội nghị thảo luận dự án đặc biệt này. Nhưng đề án ấy lại không nhận được sự ủng hộ của số đông tại hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức, còn những người đồng ý thì bị người phản đối to tiếng áp đảo.
Sau cuộc họp bàn đó, TSKH. Võ Đại Lược đã có cuộc nói chuyện riêng với ông Đỗ Mười. Để rồi gần 30 năm sau, ông vẫn kể với đôi mắt ánh lên niềm vui và sự biết ơn. “Ông Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo rất đáng kính. Khi ông ấy thấy đúng là ông ấy quyết định làm bất chấp mọi sự phản đối. Ông còn trấn an tôi rằng: “Không sợ! Anh nên nhớ ghế tôi ngồi đây là ghế nóng 200V, đúng cực nóng, anh nào muốn vào ngồi tôi đứng dậy ngay. Nghe anh trình bày, tôi thấy đề án của anh có nhiều điểm cũng như suy nghĩ của tôi, tôi ủng hộ. Tôi sẽ cho thí điểm ở Hải Phòng”.
Ngay sau đó, đề án của TSKH. Võ Đại Lược đã có một cuộc hành trình đi vào cuộc sống thực tế tại Hải Phòng. Và chỉ sau 1 tháng , kết quả tình hình khá tốt, cục diện kinh tế thay đổi hẳn. Trước sự thành công đó, đề án được nhân rộng ra cả nước.
Kết quả là lạm phát giảm từ 9%/tháng còn 2%/tháng. Hàng hóa dư thừa, lãi suất cao khiến người dân đua nhau gửi tiền tiết kiệm. Các loại mặt hàng bắt đầu được sản xuất phong phú. Kinh tế Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới.
PV: Thưa TSKH. Võ Đại Lược, Việt Nam đã chuyển dần từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập và đón các nguồn đầu tư từ nước ngoài. Sự “thay da đổi thịt” của Việt Nam rõ ràng cho thấy những cải cách, đổi mới là chủ trương đúng đắn. Nhưng dường như, ông vẫn chưa bao giờ hài lòng với tốc độ phát triển đó?
TSKH. Võ Đại Lược: Tôi vẫn trăn trở và mong muốn Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bứt phá hơn nữa. Khi tôi làm Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, tôi đã đi hơn 40 nước trên thế giới. Tôi tham quan nhiều các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, Chu Hải… (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc).
Tôi cũng đến đất nước Dubai, chỉ có hơn 2,2 triệu dân nhưng có tới hơn 20 khu kinh tế tự do. Và tôi nhận thấy, bên cạnh sự thất bại của một số đặc khu thì không thể phủ nhận có nhiều quốc gia đã bứt phá bằng các cú hích của mô hình đặc khu.
Về bản chất, mô hình đặc khu kinh tế sinh ra để thu hút các nguồn lực từ nước ngoài kể cả vốn, công nghệ hiện đại và nhân tài trên thế giới. Đây là mô hình thí điểm các cơ chế chính sách mới. Việt Nam muốn phát triển, muốn bật lên hẳn thì điểm quan trọng nhất là phải có một thể chế hiện đại, tiên tiến và phù hợp. Vì vậy, chúng ta rất cần thí điểm, áp dụng một mô hình mới.
PV: Ngay từ năm 1989, ông đã đề xuất giải pháp thí điểm mô hình đặc khu kinh tế. Điều khiến tôi tò mò chính là “số phận” của ý tưởng đó đã đi về đâu, đặc biệt khi đề án của ông đã tạo được những kết quả ấn tượng và nhận được đánh giá cao từ ban lãnh đạo Nhà nước?
TSKH. Võ Đại Lược: Tôi vẫn nhớ năm 1991, bấy giờ, ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư. Trong Văn kiện Đại hội VII đã xác định xây dựng thí điểm đặc khu kinh tế. Nhà nước đã tiến hành triển khai thí điểm. Vấn đề đặt ra là chọn địa điểm nào cho đặc khu kinh tế đầu tiên này.
Năm đó, Quảng Nam đã được lựa chọn để xây dựng một Khu kinh tế mở ở Chu Lai. Nhưng sau 5 - 10 năm hoạt động, mô hình ở nơi đây mới chỉ dừng lại là một khu công nghiệp, chủ yếu thu hút doanh nghiệp trong nước là chính. Song dẫu sao, mô hình đó vẫn còn có hiệu quả hơn các mô hình khu công nghiệp cũ. Từ mô hình kinh tế mở Chu Lai, Việt Nam đã nhân ra thành 15 khu kinh tế ven biển. Đến bây giờ, quả thực, tôi xem như tại Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đúng nghĩa.
PV: Nếu được lựa chọn địa điểm để áp dụng mô hình đặc khu kinh tế, thời điểm đó, ông sẽ lựa chọn địa phương nào?
TSKH. Võ Đại Lược: Tôi xin kể lại một câu chuyện như thế này như một lời đáp cho câu hỏi đưa ra. Năm 2006, Quốc vương Dubai đã tới Việt Nam đề xuất với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về ý định muốn xin một địa chỉ để xây dựng khu đô thị quốc tế mới.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giới thiệu họ đến Bắc Phú Yên. Họ rất "mê" địa điểm đó bởi Bắc Phú Yên có đầm rộng mênh mông, khí hậu ấm áp. Quốc vương Dubai thuê Tập đoàn Monitor (Mỹ) quy hoạch lại Bắc Phú Yên. Sau đó, Dubai còn thuê người Việt Nam tiến hành điều tra dân số, xã hội, văn hóa, độ ẩm không khí và chiều sâu của mực nước… Tôi nhớ đề án này dự kiến sẽ có số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc lúc đó là phía Dubai yêu cầu phải thực hiện đàm phán với Việt Nam trong khuôn khổ của pháp luật quốc tế nhưng phía Việt Nam không đồng ý. Hơn 1 năm, quá trình đàm phán không thành công. Ông Trương Tấn Sang lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, đã giới thiệu tôi cho đoàn Dubai với vai trò là một người có nhiều nghiên cứu về đặc khu.
Cầm đề án Bắc Phú Yên dày 300 trang bằng tiếng Anh, tôi đã đọc bản nghiên cứu một tuần. Tôi thấy đề án đó rất hay và nếu Việt Nam không chấp nhận thì sẽ bỏ qua một cơ hội “vàng”.
Để dễ hiểu, tôi đã viết lại bản vắn tắt, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình Việt Nam gửi ông Trương Tấn Sang. Khi đó, ông Trương Tấn Sang có nói: “Đề án này rất tốt” và đem ra Bộ Chính trị thảo luận. Tất cả đều nhất trí.
Sự thống nhất đó đã đưa tới việc ký kết bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Dubai. Nhưng đến năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra khiến Dubai phải dang dở với giấc mơ Bắc Phú Yên.
Bắc Phú Yên đã từng khiến những nhà đầu tư Dubai "phải lòng".
PV: Ở thời điểm đó, ông từng nghiên cứu và dành nhiều thời gian công sức cho đề án này. Tại sao ông không theo đuổi đề án Bắc Phú Yên và biến nó trở thành mô hình đặc khu mà đến sau này, ông lại dày công viết đề án Bắc Vân Phong?
TSKH. Võ Đại Lược: Đặc khu kinh tế không phải là việc mình áp đặt vị trí địa lý, tự chọn và kêu gọi nhà đầu tư vào mà hãy để nhà đầu tư tự lựa chọn địa điểm. Vị trí lý tưởng hay không sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư. Trở lại câu chuyện của Bắc Vân Phong, khi tôi còn làm ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tôi có đi thăm tỉnh Khánh Hòa và biết đến vịnh Vân Phong.
Năm 2003, tôi được giao chủ trì hội thảo về nghiên cứu cảng biển nước sâu tại Vân Phong. Khi nghe các chuyên gia báo cáo, tôi thấy Vân Phong là vịnh nước sâu nhất, hơn cả cảng Cam Ranh. Nếu xét về mặt lợi thế, thì đây là một cảng có thế mạnh hơn rất nhiều.
Vịnh Vân Phong có 2 đường vào và diện tích rộng hơn. Khu vực đất liền của nó rất lớn, hơn 300km2. Nơi đây còn là điểm hoang sơ. Lúc ấy, tôi làm tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất xây dựng vịnh Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế. Thời đó, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng và đã ký quyết định thành lập cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Theo tôi, để thu hút được đầu tư thì cảng Vân Phong phải kết nối với cảng Rotterdam (Hà Lan) là cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu của thế giới. Khi kết nối với cảng này, Vân Phong sẽ là một mắt xích trong hệ thống trung chuyển quốc tế. Đáng tiếc là đến nay, Khánh Hòa lại chưa thực hiện được điều đó.
Cho tới năm 2013, một Tập đoàn của Mỹ vào Bắc Vân Phong và ngỏ ý muốn lập một trung tâm tài chính thế giới thứ 13 tại đây, ở Châu Á hiện chỉ có Hong Kong và Singapore có. Lúc này, Tập đoàn của Mỹ đã bỏ ra 20 triệu USD để soạn một bộ luật dành riêng cho Bắc Vân Phong. Khánh Hòa có đề nghị tôi viết đề án Bắc Vân Phong dựa trên các yêu cầu của phía Tập đoàn Mỹ. Và từ đó tôi mới có cơ duyên viết lên đề án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.
PV: So với mô hình khu đô thị quốc tế mới ở Bắc Phú Yên, Bắc Vân Phong có những thế mạnh như thế nào trong việc được lựa chọn trở thành trung tâm tài chính quốc tế thế giới thứ 13, thưa ông?
TSKH. Võ Đại Lược: Bấy giờ, Bộ Chính trị giao cho ông Nguyễn Xuân Phúc, đang là Phó Thủ tướng thường trực trực tiếp chỉ đạo đề án này. Chỉ trong có 6 tháng, tôi phải thường xuyên có mặt tại Khánh Hòa thảo luận với UBND tỉnh. Đề án này đã trình lên Thủ tướng, xin ý kiến các bộ, ngành và xem như là không ai phản đối. Nội dung của đề án này, tôi có thể khẳng định, cơ chế hành chính kinh tế của trung tâm tài chính này rất hiện đại, thậm chí còn hơn cả Bắc Phú Yên. Nhưng rất tiếc vì nhiều lý do mà “số phận” của trung tâm tài chính Bắc Vân Phong đã không thành. Giấc mơ đặc khu Bắc Vân Phong cũng dang dở như khu đô thị quốc tế ở Bắc Phú Yên. Phải đến năm 2017, đề án đặc khu mới được Quốc hội đề cập tới và triển khai.
PV: Thưa ông, đâu là yếu tố sẽ quyết định thành công của đặc khu kinh tế?
TSKH.Võ Đại Lược: Đề án Bắc Vân Phong phân tích những lợi thế của địa điểm này và đề ra định hướng cho một mô hình kinh tế mới tại đây. Có thể nói, một nhân tố gần như “bất di bất dịch” trong việc quyết định sự thành công của đặc khu kinh tế chính là thể chế hành chính và kinh tế có tính hiện đại và quốc tế. Về địa điểm, như tôi đã nói ở trên, Việt Nam có rất nhiều điểm có thể lựa chọn trở thành đặc khu. Mà theo tôi, nên để các nhà đầu tư vào lựa chọn.
Sự thành công của đặc khu kinh tế không hoàn toàn nằm ở điều buộc phải có một luật dành riêng cho nó, chu toàn và tỉ mỉ. Cốt lõi nhất là cách chúng ta tạo ra một thể chế hành chính kinh tế quốc tế, đi được vào cuộc sống. Như Trung Quốc, họ không cần luật đặc khu, chỉ cần đưa quyết định của Ban Thường vụ Quốc hội khẳng định những mục đích, nguyên tắc, định hướng cho các đặc khu kinh tế. Còn ở mỗi đặc khu kinh tế, tùy thuộc vào tình hình phát triển cụ thể mà các nhà đầu tư chiến lược sẽ đưa ra các yêu cầu để phía chính quyền xây dựng nghị định cho đặc khu.
Bắc Vân Phong luôn được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới.
PV: Ở thời điểm hiện tại, theo quan điểm của ông, liệu rằng đặc khu kinh tế vẫn là một trong những mô hình có thể tạo nên xác suất thành công lớn?
TSKH. Võ Đại Lược: Trước hết, tôi khẳng định lại là đặc khu kinh tế là mô hình mở ra để thu hút các nguồn lực nước ngoài. Không chỉ là vốn mà còn phải là công nghệ, nhân tài nước ngoài và phải thu hút được những nhà đầu tư có công nghệ, nguồn từ châu Âu và Mỹ.
Thứ hai, chúng ta không nên áp đặt địa điểm mà để các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lựa chọn các địa điểm thích hợp cho họ kinh doanh. Theo tôi, hãy mời gọi nhà đầu tư để họ được quyền lựa chọn những nơi mà họ thấy sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ. Chúng ta có thể thí điểm một nơi nào đó, ví dụ như TP.HCM cũng là một điểm tiềm năng.
Thứ ba, phải có một cơ chế hành chính và kinh tế hiện đại và quốc tế, phù hợp với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nếu áp dụng tư duy “giữ chặt” và cái nhìn “ngắn hạn” thì thành công của đặc khu là khó thành.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!