Đặc khu kinh tế: Cơ hội tăng trưởng thần kỳ
Tiền thân cho đặc khu kinh tế là mô hình khu kinh tế mở hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942. Rồi dần được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á, điển hình như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Phillippines, Singapore vào cuối thập niên 60.
Ghi dấu ấn ngoạn mục cho sự “tăng trưởng thần kỳ” của Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ 20 là Thâm Quyến - đặc khu kinh tế được xem như hình mẫu cho đột phá thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều theo đuổi mô hình này để cải cách nền kinh tế. Có chung công thức phát triển nhưng đến nay, mỗi nước đều đã tiến rất xa để tạo lập những hình mẫu khác nhau.
Trung Quốc sau khi gặt hái thành công với “bom tấn” Thâm Quyến và nhân rộng ra nhiều nơi, nay đã điều chỉnh chính sách tập trung vào một số khu vực với chính sách mở cửa, đột phá và tự do hơn trước.
Đầu năm 2017, Trung Quốc công bố thành lập đặc khu mới Hùng An (tỉnh Hà Bắc) diện tích gấp ba lần New York, được định vị là khu kiểu mẫu về sáng tạo phát triển. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã lập tới 45 khu, trong đó 26 khu riêng ở Dubai.
Malaysia cũng đang vận hành chuỗi đặc khu suốt 10 năm nay. Và quốc gia lân cận Indonesia sau khi ban hành Luật đặc khu vào năm 2009, đến nay đã thành lập 10 đặc khu ven biển rất thành công. Năm 2014, Myanmar thông qua Luật đặc khu và nay đang tiếp tục kiến tạo các khu kinh tế mới mở. Thậm chí, ngay quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh và nổi tiếng là một "thiên đường thuế suất", cũng mở một đặc khu kinh tế.
Không dừng lại ở việc thử nghiệm một hình mẫu phát triển đã chứng minh sự thành công suốt nhiều thập niên qua, các quốc gia như Đức, Mỹ còn đi xa hơn nữa để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 15 – 20 năm tới). Hàn Quốc và Thái Lan đang thử nghiệm các khu công nghiệp - sinh thái…
Như vậy, những công thức cải tiến cho đặc khu kinh tế vẫn xuất hiện mỗi ngày, như xu thế tất yếu của cải cách, phát triển.
“Đặc quyền” tại đặc khu
Là nơi đột phá về cải cách, đổi mới, các đặc khu kinh tế còn được gọi là các "thành phố đặc quyền" - nơi áp dụng luật lệ riêng so với toàn quốc ở tất cả các lĩnh vực liên quan kinh doanh.
Đặc khu có thể chế hành chính, kinh tế riêng theo chuẩn mực quốc tế như: bãi bỏ hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế quan; miễn thị thực nhập cảnh; cho phép cư trú lâu dài đối với các nhà kinh doanh, quản lý, kỹ thuật; mức thuế thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn. Nhà đầu tư được phép tự do kinh doanh, chỉ trừ một số lĩnh vực cấm. Đặc khu là nơi được phép thực thi chế độ tự quản về hành chính, trong đó tách biệt các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trung ương chỉ nắm quyền thống nhất quản lý an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Tính ưu việt của mô hình đặc khu kinh tế trên ba khía cạnh: Đặc khu có diện tích lớn, hội đủ lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, có các điều kiện thuận lợi để “mở cửa”, hội nhập nhanh với thế giới, dễ dàng thu hút vốn đầu tư và nhân lực chất lượng cao. Điển hình như Thâm Quyến, Chu Hải (Trung Quốc)…
Thứ hai, được Nhà nước trao quyền tự chủ cao và linh hoạt hơn về mặt hành chính và kinh tế. Chính quyền được trao quyền điều hành mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Như đặc khu Hồng Kong, Macau hay quần đảo Cayman (Anh quốc)…
Cuối cùng, đặc khu là địa bàn được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là chính sách về thuế để thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Tại các đặc khu của Indonesia, việc cấp phép đầu tư kéo dài không quá 20 ngày. Ở Jeju (Hàn Quốc), nhà đầu tư được thuê đất trong 50 – 100 năm (có thể gia hạn thêm), miễn thuế BĐS trong 10 – 15 năm, giảm 50 – 10% tiền thuê đất, miễn thuế xuất nhập khẩu…
Tại Thâm Quyến giá thuê đất ưu đãi, chỉ bằng 30 - 50% giá thuê đất trong nội địa. Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng,... đều thấp hơn nhiều so với nội địa và thấp hơn Hồng Kông (mức thuế khoảng 15%).
Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này. Thậm chí Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả rập…còn có luật riêng áp dụng cho 1 đặc khu.
“Hô biến” những vùng đất nghèo nàn, lạc hậu thành nơi đô thị phồn hoa
Sự thành công của những mô hình như Thâm Quyến trở thành công thức cải cách cho Trung Quốc và nhiều quốc gia Châu Á. Vào thập niên 1990, Thâm Quyến được miêu tả là một thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ”. Năm 2016, GDP của thành phố đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hoặc Ireland. Các đặc khu đã đóng góp tới 22% GDP cho Trung Quốc, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết đặc khu nay đã trở thành các đầu tàu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng và sức lan tỏa chung cho nền kinh tế, mang lại GDP cho quốc gia và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nhóm nghiên cứu thuộc Tạp chí kinh tế thế giới năm 2015 đã chỉ ra, sự phát triển của các đặc khu này đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp.
Mặc dù là một quốc đảo có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng với thu nhập bình quân khoảng 47,000 CI$ (57,316 USD), người dân Cayman có mức sống cao nhất tại vùng biển Caribe.
Hầu hết đặc khu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, kinh doanh dịch vụ và du lịch đẳng cấp thế giới, tạo nên một khu vực động lực kinh tế cho mỗi quốc gia. Không ít đặc khu, như Thâm Quyến, đã “hô biến” những vùng đất trước đó lạc hậu, kém phát triển thành khu vực văn minh, hiện đại, giàu có, năng động.
Đặc khu hành chính – kinh tế thành công đã góp phần tạo lập niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của quốc gia sở tại; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, đặc khu hành chính – kinh tế đi vào hoạt động và khai thác có hiệu quả thì tác động lan toả tích cực sẽ rất lớn; kích thích thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, nơi này sẽ trở thành “đầu tàu”, tạo động lực kéo các vùng kinh tế lân cận khác tăng trưởng theo.
Bởi mang lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia, nên "Bất cứ đất nước nào không có đặc khu kinh tế cách đây 10 năm đều đã mở một vài khu hoặc đang lên kế hoạch cho nó", Economist dẫn lời của nhà kinh tế Thomas Farole thuộc Ngân hàng Thế giới nhận xét vào năm 2015.