Nếu như trước thềm Quốc hội, câu chuyện đặc khu kinh tế tương lai dường như chỉ xoay trong sự đàm luận của giới nghiên cứu, các cấp chính quyền có liên quan, các nhà đầu tư,... thì đến nay, "đặc khu kinh tế" đã trở thành một từ khóa "hot" trên mạng xã hội Facebook và có tới 11,5 triệu lượt tìm kiếm trên Google.
Chưa bao giờ, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội lại ồn ào chia sẻ các thông tin về đặc khu kinh tế tương lai như thế. Nhưng nội dung chủ yếu của việc chia sẻ lại chỉ là phản đối việc cho thuê đất 99 năm tại các điểm "nhạy cảm" là Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong và "yếu tố Trung Quốc" sẽ là nhà đầu tư duy nhất tại các đặc khu.
Một hiện tượng dường như đã trở thành quy luật tất yếu của cộng đồng cư dân mạng khi bất kỳ một vấn đề xuất hiện, người ta sẵn sàng bình luận, sẵn sàng lên tiếng dù họ không cần biết đâu là bản chất thực sự của câu chuyện. Và họ cũng chẳng cần... đọc dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt?
Trước hết phải khẳng định, thuê đất 99 năm được nhắc đến trong Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt với những quy định và điều khoản hết sức rõ ràng và minh bạch. Tại điều 32 của Dự thảo luật liên quan tới Quản lý và sử dụng đất đai tại đặc khu đã nêu rõ: "Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định".
Cụm từ "99 năm" được xuất hiện trong "trường hợp đặc biệt” và do “Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Tức điều này là trường hợp ngoại lệ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong khi đó, Luật cũng nêu rõ ràng, thời hạn sử dụng đất để sản xuất và kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm.
So với Luật Đất đai hiện hành, quy định về thời hạn sử dụng đất là 50 năm nhưng với trường hợp đặc biệt, con số thời gian có thể lên tới 70 năm. Đây được coi là điểm "vượt trội" của Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt so với Luật Đất đai ban hành.
Thế nhưng, với một con số "đầy khiêu khích" là 99 năm, quá nhiều người liên tưởng và lên tiếng cho rằng thuê đất với thời hạn vượt quá đời một con người không khác một đạo luật tô giới, nhượng địa.
Vậy tô giới là gì?
Theo luật quốc tế, tô giới được định nghĩa là một phần đất nằm trong một quốc gia có chủ quyền nhưng bị một thực thể khác quản lý, luật pháp quốc gia không có sự ảnh hưởng nào vào trong địa phận tô giới, người dân trong quốc gia đó không có quyền, phận sự vào tô giới. Thí dụ như Hong Kong là một điển hình về khái niệm tô giới khi khu vực này từng thuộc quản lý của nước Anh.
Năm 1842, Hong Kong đã trở thành “thuộc địa” của Anh. Đến năm 1898, London ký hiệp định về mở rộng chỉ giới Hong Kong với nhà Thanh, cho phép họ thuê lại đảo Lạn Đầu và các vùng lãnh thổ xung quanh, tạo thành Tân Giới rộng lớn hơn đặt dưới sự cai trị của người Anh, đồng thời cam kết sẽ trao trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Thỏa thuận thuê lãnh thổ này hết hạn vào ngày 30/6/1997. Theo hiệp ước này, Anh chỉ phải trả lại khu Tân Giới cho Trung Quốc sau 99 năm, còn đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long vẫn thuộc về Anh. Sau hàng thập kỷ phát triển, Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới gần như đã hợp thành một, đặc biệt là về mặt kinh tế với các dự án đầu tư đan xen giữa ba khu vực. Việc chia cắt Tân Giới ra khỏi hai khu vực còn lại không hề có tính thực tiễn. Sau đàm phán, ngày 1/7/1997, Anh đã phải trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc. Người ta gọi Hong Kong là tô giới của Anh khi lãnh thổ này thuộc quyền cai trị và quyết định của Anh.
Quay trở lại với câu chuyện đặc khu kinh tế tại Việt Nam, dự thảo luật đặc khu kinh tế đã nêu rõ ràng, sự ngoại lệ của việc cho nhà đầu tư thuê đất đến 99 năm sẽ do Thủ tướng quyết định. Ngay trong dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về bộ máy chính quyền, sẽ bao gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Những quy định về chủ quyền dân tộc, quyền tự quyết của chính quyền Việt Nam đều được cụ thể hóa trong Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt. Nói cách khác, dù là cho thuế đến 99 năm hay nhiều hơn nữa, thì đặc khu vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, là một phần lãnh thổ Việt Nam và các nhà đầu tư (dù trong hay ngoài nước) đều phải tuân thủ các quy định, luật lệ mà chúng ta đề ra. Thế nên, không thể đánh đồng con số 99 năm về thời hạn sử dụng đất tại Việt Nam lại biến đặc khu kinh tế thành tô giới của nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, rất nhiều nước trên thế giới áp dụng con số 99 năm cho thời hạn thuê đất tại các đặc khu kinh tế như Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai. Và Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh trước Quốc hội, đối với trường hợp thuê đất là 99 năm thì do Thủ tướng quyết định cùng các điều khoản ràng buộc rõ ràng, đối với ngành nghề kinh doanh đặc biệt.
Theo GS. Võ Đại Lược, “cha đẻ” của dự án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, cần phân tách rạch ròi việc thuê đất cho từng ngành nghề lĩnh vực. Ông khẳng định: “Cho thuê đất 99 năm vẫn còn là ít. Ví dụ như Thâm Quyến (Trung Quốc), thời hạn cho thuê đất còn lên tới 120 năm đối với lĩnh vực đặc thù. Giả sử nhà đầu tư muốn xây dựng một khách sạn 5 sao thì thời hạn cho thuê đất có thể lên tới 120 năm vì họ phải mất thời gian xây dựng, quản lý. Đối với khu công nghiệp, thời hạn có thể chỉ lên tới 50 năm. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào từng vị trí”.
GS. Võ Đại Lược còn cho rằng: “Thời hạn thuê đất 70 năm hay 99 năm không phải là vấn đề quan trọng, mà cần hiểu rõ, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và tạo cú hích cho nền kinh tế mới là điều cấp thiết”.
Bên ngoài hành lang Quốc hội sáng 4/6, trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng một lần nữa khẳng định: “Thời hạn cho thuê đất 99 năm không phải là điểm mấu chốt trong Luật”. Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, với đặc khu, điều quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, còn những ưu đãi hay đất đai không phải vấn đề quyết định.
Thật chẳng ngoa khi cho rằng, những phát ngôn khẳng định cho thuê đất 99 năm đồng nghĩa với việc để người Trung Quốc vào “chiếm đất” nên được gọi thành căn bệnh "nỗi ám ảnh Trung Quốc".
Thứ nhất, trong Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt chưa từng có một từ nào nói về “Trung Quốc”. Việc kinh doanh minh bạch và công bằng mà Việt Nam đang là “chủ trò” của cuộc chơi đó thì tất cả các nhà đầu tư chiến lược, từ khắp nơi trên thế giới, đều có quyền tham gia cạnh tranh và buộc phải tuân theo luật chơi.
Thứ hai, sự hình thành của 3 đặc khu kinh tế tương lai được kỳ vọng là sẽ thu hút những nhà đầu tư có tầm cỡ, không phân biệt nhà đầu tư đến từ nước nào chỉ cần có tiềm lực, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, nhìn vào thực tế, ở thời điểm hiện tại, dù chưa chính thức được bấm nút “khai sinh” song Vân Đồn, Phú Quốc đã thu hút được sự đầu tư lớn của nhiều nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sun Group, CEO Group,… Trong khi đó, tại Bắc Vân Phong, theo lãnh đạo đặc khu nơi đây, một tập đoàn Úc đang có dự định rót vốn 50 tỷ USD đầu tư. Rõ ràng, cơ hội sẽ được chia đều cho tất cả, vậy cớ gì phải lo lắng nhà đầu tư Trung Quốc sẽ "chiếm hết đất"?
Như câu trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trước việc nhiều người gắn yếu tố Trung Quốc vào câu chuyện đặc khu. “Chúng ta phải làm khách quan, nếu không sau này phải trả lời lại. Trong thời khắc lịch sử, ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm không có suy nghĩ, tư duy”.
GS. Võ Đại Lược, một nhà kinh tế có nhiều năm nghiên cứu và tiếp xúc với các đặc khu kinh tế trên thế giới, đã từng chia sẻ một câu chuyện về "nỗi sợ mất chủ quyền dân tộc".
"Tại trung tâm tài chính ở Dubai, Quốc vương Dubai thuê một người Anh về làm thị trưởng đô thị tài chính quốc tế. Tôi tò mò và hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này rằng: “Tại sao nước bà lại đi thuê một người nước ngoài về quản lý và nắm toàn bộ quyền lực kiểm soát trung tâm tài chính. Nước bà không lo sợ việc mất chủ quyền quốc gia sao?”. Bà trả lời rằng: “Tôi thuê họ bằng hợp đồng quyền lợi rõ ràng. Phía tôi là ông chủ thì có điều gì mà chúng tôi sợ. Hợp đồng kinh tế quy định chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ, nếu ông ta vi phạm hợp đồng sẽ bị cắt quyền ngay lập tức”. Nói vậy để thấy, nếu cứ mang nỗi sợ mất chủ quyền dân tộc thì sự phát triển của Dubai sẽ đi về đâu. Khi chúng ta làm chủ cuộc chơi, là người "cầm cân nảy mực" thì khi muốn phát triển kinh tế, nỗi sợ vô hình đó phải được gạt bỏ!", GS. Võ Đại Lược phân tích.
Ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên và giản đơn, chúng ta lại có ý tưởng và quyết tâm xây dựng đặc khu kinh tế. Đó là cả một hành trình dài, 5 - 10 - 15 năm và có thể hơn, trong quá trình nỗ lực phát triển nền kinh tế. Đó còn là một sự dày công nghiên cứu của rất nhiều các chuyên gia, học giả Việt Nam và sự kết hợp với các chuyên gia, tổ chức nước ngoài, chứ không phải quyết định nhất thời, ngắn hạn.
Nhìn ra thế giới sẽ thấy, từ năm 1960, mô hình đặc khu kinh tế đã xuất hiện và tính đến nay đã có vô số đặc khu kinh tế được ra đời. Và "cuộc chơi" này được ví như một canh bạc. Bên cạnh sự tỉnh giấc và vụt sáng của những làng chài như Thâm Quyến, Incheon, Dubai sau phép nhiệm màu đặc khu kinh tế thì cũng có hàng trăm mô hình đặc khu không thành công. Có thể, mỗi quốc gia khi thành lập đặc khu đều phải đánh đổi bằng những tốn kém, hụt thuế,... nhưng khi thành công sẽ được bù đắp bằng số việc làm và thương mại bùng nổ, cùng sự lột xác của cả một vùng kinh tế.
58 năm kể từ khi đặc khu kinh tế đầu tiên ra đời, có quá muộn không cho Việt Nam ở thời điểm này? Ông Thomas Farole của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định trong một nghiên cứu về Đặc khu kinh tế năm 2010 rằng: “Bất kỳ nước nào 10 năm trước không có SEZ (Special Economic Zone - đặc khu kinh tế) thì giờ đã có, hoặc lên kế hoạch có rồi”. Vậy là, dù có thể bắt đầu một đặc khu kinh tế ở nước ta lúc này là đã muộn, nhưng… muộn còn hơn không!
Trong Hội thảo "Thể chế đặc khu kinh tế, kỳ vọng và thành công", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng chia sẻ câu chuyện của Hàn Quốc. Để xây dựng đặc khu kinh tế Incheon thành công, Hàn Quốc từng 6 lần sửa đổi luật. “Nếu cần sửa đổi bổ sung thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thay đổi đừng vì sự cầu toàn quá mà làm chậm đi sự phát triển của đất nước, mất đi cơ hội", Bộ trưởng đã khẳng định.
Sự vượt trội và khác biệt sẽ luôn bị “dòm ngó” và tranh luận bởi những ý kiến trái chiều. Song sự phản biện có khoa học và cơ sở là cách để thúc đẩy và hoàn thiện một tư duy đột phá đi lên, còn sự phê phán dựa trên tư duy cảm tính sẽ chỉ kéo lùi sự phát triển.
Đặc khu kinh tế là điều cần và phải làm tại Việt Nam. Việc tạo ra những chính sách vượt trội ra sao, như thế nào cùng kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh là điều mà cả xã hội cần góp sức. Đừng vì con số 99 năm mơ hồ, hay sự suy diễn mang tên "nỗi ám ảnh Trung Quốc" để tạo nên cơn “cuồng phong” và lạc hậu trong tư duy của những kẻ “biết tuốt”, thích lên tiếng kêu gọi nhưng thiếu đi hành động góp ý! Một phong trào phê phán với cái nhìn ngụy biện và quy chụp chắc chắn sẽ không giúp ích được gì cho hành trình phát triển.
Thay vì hình thành tư duy cảm tính, hành động theo “phong trào” thì nên nhớ, cần dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ về một vấn đề hãy phát ngôn và lên tiếng phê phán. Nếu chỉ hình dung những hậu quả của nó trước mặt mà bỏ đi mục đích ban đầu của những dự án đặc khu kinh tế để rồi sợ và chùn bước thì đến khi nào Việt Nam mới có một nền kinh tế phát triển vượt bậc? Như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Cái gì cũng sợ thì không làm được”.