Lệnh cấm tạm dừng các hoạt động giao dịch của thị trường bất động sản tại đặc khu kinh tế tương lai Vân Đồn của Tỉnh ủy Quảng Ninh trước tình trạng đất nền nơi đây "sốt ảo" đã thực sự thổi bùng lên những cuộc tranh luận. Không ít chuyên gia bình luận rằng, đây là hành động thể hiện sự bất lực trong quản lý, "không cấm được thì quản".
Rõ ràng dù chưa chính thức lên đặc khu kinh tế nhưng những vấn đề rối ren ở các đặc khu cùng việc quản lý và điều tiết từ phía các chính quyền đang chứa đựng sự bất ổn khiến không ít người lo ngại, nếu thực sự đi vào vận hành thì liệu đặc khu kinh tế có còn sức hút thực sự như kỳ vọng đặt ra? Trong khi, tư duy quản lý đặc khu của người lãnh đạo được coi là yếu tố then chốt, là đầu tàu quan trọng cho việc bẩy mạnh nền kinh tế thì hiện tại, các quyết sách của phía lãnh đạo đã và đang làm giảm sức hút của các đặc khu.
Câu hỏi tiếp tục được đặt ra, "thuyền trưởng" cho con tàu đặc khu kinh tế sẽ là ai? Cơ chế kiểm soát quyền lực của họ như thế nào để tư duy quản lý không còn bó hẹp trong sự chật chội của tư duy cấp tỉnh cũng như trở thành kim chỉ nam để các đặc khu kinh tế có cơ hội "cất cánh" ?
Cà phê tuần này xin được giới thiệu các vị khách mời: GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương (TW); TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên của Đại học Fulbright; ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu.
PV: Theo giới chuyên gia, để đặc khu kinh tế trở thành tổ cho "phượng hoàng đẻ trứng” thì điểm hấp dẫn thiết yếu là thể chế chính quyền. Thưa GS. Võ Đại Lược, đến thời điểm hiện tại, mô hình chính quyền ở các đặc khu kinh tế đã được phác thảo ra sao trong các văn bản chính sách?
GS Võ Đại Lược: Hiện nay dự thảo về Luật Đặc khu hành chính kinh tế do Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã được đưa ra để tham vấn các bên liên quan. Sau khi đọc và nghiên cứu dự thảo, tôi đã có nhận xét rằng, với nội dung như vậy, dự thảo khó có thể đáp ứng các điều kiện nhằm tạo cơ hội đắc lực xây dựng một đặc khu kinh tế hiện đại, cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới.
Trong dự thảo về Luật Đặc khu hành chính kinh tế đưa ra, cấp hành chính của đặc khu hành chính kinh tế được xếp ngang hàng với cấp huyện. Đây là một điều vô cùng vô lý và hoàn toàn trái với luật. Trong văn bản luật chính thức ở Việt Nam ghi rõ, có cấp TW, cấp tỉnh, cấp huyện và có một cấp riêng biệt là cấp đặc khu kinh tế. Nhưng dự thảo về Luật Đặc khu hành chính kinh tế lại xếp ngang với cấp huyện là điều hoàn toàn không được.
Xét ở khía cạnh khác, đặc khu kinh tế phải là một cấp hành chính đặc biệt bởi ngay từ tên gọi của nó đã thể hiện như vậy. Trong bộ máy thể chế của đặc khu, sẽ có những điểm giống một bộ, có điểm giống một tỉnh… và có những cái hoàn toàn khác biệt vì nó sinh ra là một đặc khu. Đã là đặc khu kinh tế thì phải có những cơ chế đặc biệt cho nó chứ không thể “ép khuôn” vào mô hình một bộ máy hành chính đang hoạt động ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Thể chế của nó phải đặc biệt, phải có tính quốc tế, tính hội nhập cao thì mới thu hút được đầu tư nước ngoài. Chúng ta xây dựng đề án thành lập đặc khu kinh tế là vì thu hút đầu tư nước ngoài chứ không phải đơn thuần thu hút đầu tư trong nước. Vậy thì điều đó đồng nghĩa với việc phải có một thể chế phù hợp với đặc khu kinh tế.
PV: Mới đây, hành động “không quản được thì cấm” của chính quyền đặc khu kinh tế tương lai khi đưa ra quyết sách tạm dừng giao dịch bất động sản đã khiến một số doanh nghiệp e ngại về “tư duy quản lý cấp tỉnh” cũng như có thể coi đây là những bất cập “bó chân” doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, để một đặc khu được phát triển đúng như kỳ vọng thì cần một trưởng đặc khu như thế nào?
GS. Võ Đại Lược: Theo tôi, ban đầu thành lập, đặc khu kinh tế có thể trực thuộc tỉnh nhưng khi hoàn thành và phát triển thì nên trực thuộc TW. Nhìn sang Trung Quốc, đặc khu kinh tế Thẩm Quyến từng thuộc tỉnh Quảng Đông. Khi phát triển mạnh mẽ, thì Thẩm Quyền trực thuộc TW, bởi nó phát triển không khác gì một thành phố lớn ở Trung Quốc.
Nếu Việt Nam áp dụng mô hình này, thì trưởng đặc khu kinh tế sẽ do một ông Phó Chủ tịch tỉnh đảm nhiệm. Khi chính thức lên TW thì trưởng đặc khu kinh tế được lựa chọn thay đổi.
Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân tôi, tốt nhất và tránh được mọi phức tạp là đặc khu kinh tế nên thuộc TW quản lý. Trưởng đặc khu phải là người thuộc TW. Ở TW, ta dễ dàng lựa chọn được nhân tài cho đặc khu. Chính phủ là người trực tiếp bổ nhiệm, lựa chọn.
TS. Huỳnh Thế Du: Để đảm bảo được tính tự quyết thì trưởng đặc khu kinh tế phải thuộc cấp TW. Bởi nếu thuộc cấp TW thì mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng, gọn nhẹ còn nếu thuộc cấp tỉnh, chúng ta buộc phải trải qua nhiều khâu.
Nếu muốn đặc khu kinh tế thành công, yếu tố tiên quyết là rất cần một nhóm người “máu lửa” quyết tâm thực hiện. Họ là phải người đứng đầu, định hướng với các đặc khu kinh tế.
Tôi lấy ví dụ trong cuộc cải cách ở Trung Quốc, để thực hiện được điều này thì cần một nhóm người đứng lên vận động và mạnh tay quyết định, thực hiện. Song, ở các đặc khu kinh tế, tôi chưa thấy thông tin về “trụ sở”. Người mà quyết tâm khởi xướng là ai? Mà hiện tại, tôi chỉ thấy sự chen chân của rất nhiều các lợi ích ràng buộc, hỗn tạp.
Ông Đặng Đức Giới: Quan điểm của tôi là một đặc khu trưởng trong tương lai phải là người có tình yêu và đam mê với chính đặc khu đó. Nếu không có tình yêu và đam mê thì họ khó có thể cống hiến hết mình vì mục tiêu xây dựng đặc khu.
Với các yêu cầu về một trưởng đặc khu như thế nào thì chúng ta cần phải đợi chờ sự hoàn thiện của luật pháp về chính quyền đặc khu. Từ yêu cầu đòi hỏi đặc khu đó phát triển ra sao thì sẽ đặt ra cho trưởng đặc khu những điều kiện tương ứng. Một trưởng đặc khu còn phải có tư duy đột phát và phát triển cũng như tầm nhìn bền vững thì mới có cơ hội để các đặc khu kinh tế có thể "cất cánh".
PV: Theo GS. Võ Đại Lược và TS. Huỳnh Thế Du vừa trao đổi, trưởng đặc khu nên là người thuộc cấp TW để có thể đưa ra những quyết định tự chủ. Vậy mô hình thể chế đặc khu như thế nào sẽ giúp trưởng đặc khu có thể phát huy được quyền lãnh đạo cũng như tạo được cơ chế kiểm soát quyền lực này, thưa các chuyên gia?
TS. Huỳnh Thế Du: Để xác định được đặc khu trưởng có quyền hạn ra sao thì cần phải xác định được mô hình chính quyền cho một đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần phải xét đến tiêu chí mục tiêu của đặc khu đó là gì? Chúng ta cần phải đặt đặc khu kinh tế trong chiến lược phát triển tổng thể, rõ ràng mà điều này tôi chưa thấy trong dự thảo luật.
Về thể chế ở các đặc khu, ta nên xây dựng theo mô hình ban quản trị doanh nghiệp, đứng đầu là tổng giám đốc, người vừa có quyền tự quyết vừa có quyền điều hành và chịu trách nhiệm trước tình hình kinh doanh của một công ty.
Xét về quyền lực với trưởng đặc khu, chúng ta cần phải trao cho họ quyền tự chủ, có khả năng quyết định cao. Điều này sẽ tránh tình trạng một nhà đầu muốn rót lượng vốn lớn vào đặc khu cùng với điều kiện đi kèm thì lại phải hỏi ý kiến cấp có thẩm quyền mới dám quyết thì cơ hội đã tuột khỏi tầm tay.
Họ cũng phải là người có tư duy về kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng, trưởng đặc khu phải có tư duy kinh doanh, vừa phải đảm bảo được chủ quyền dân tộc. Tôi nghĩ, không thể một lúc mà đạt được quá nhiều cái đích, nếu đạt được mục tiêu này, anh buộc phải hạ mục tiêu khác xuống.
GS. Võ Đại Lược: Trong dự án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phòng, Tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ đã bỏ ra 20 triệu đô để thuê nhóm luật sư viết luật về trung tâm tài chính mà họ định xây dựng ở Bắc Vân Phong. Dự thảo luật đặc khu ở Bắc Vân Phong nêu rõ, cần có một hội đồng đặc khu, người đứng đầu hội đồng là người Việt Nam do chính quyền bầu ra.
Người đứng thứ hai là người nước ngoài, thuộc nhà đầu tư chiến lược. Thành viên trong hội đồng Việt Nam và nước ngoài ngang nhau. Với các quy định hay vấn đề thuộc chính trị, an ninh quốc gia, đối ngoại thì hai bên có quyền tham gia ý kiến như nhau nhưng phía Việt Nam có quyền quyết định. Ngược lại, với quy định thuộc về kinh doanh, hai bên có quyền tham gia ý kiến nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về nước ngoài.
Lý do đưa ra mô hình này vì đặc khu kinh tế được xây dựng lên nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, là cú đấm thép về kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, ta vẫn phải đảm bảo được vấn đề chính trị, an ninh quốc gia, đối ngoại.
Theo tôi, Chính phủ nên trực tiếp bổ nhiệm trưởng đặc khu, không nên thành lập hội đồng nhân dân mà nên lập hội đồng quản lý, trong đó có mô hình, một nửa người Việt và một nửa các nhà đầu tư nước ngoài.
PV: Những quyết sách của trưởng đặc khu sẽ tác động trực tiếp đến đối tượng đầu tiên là các nhà đầu tư. Trên góc độ là một doanh nghiệp phát triển bất động sản, ông kỳ vọng như thế nào về một trưởng đặc khu trong tương lai cùng các quyền hạn của mình, thưa ông Đặng Đức Giới?
Ông Đặng Đức Giới: Quyền hạn nào cho đặc khu trưởng là một điểm mấu chốt để tạo động lực thực sự cho đặc khu trong tương lai, nếu không thì chúng ta chỉ thay đổi được tên gọi mà không thay đổi được bản chất của chính quyền đặc khu kinh tế. Thế nhưng, hiện nay xây dựng sao được một thiết chế kiểm soát quyền lực đảm bảo các quyền của đặc khu trưởng tương lai vừa được thực thi hiệu quả, vừa đảm bảo không bị lạm quyền thì đặc khu kinh tế mới được đảm bảo phát triển. Để đặc khu trưởng có những quyết sách nhạy bén, hãy trao cho đặc khu trưởng có quyền quyết định cấp phép đầu tư, chủ trương đầu tư theo hạn định của luật pháp vào đặc khu.
Đặc khu trưởng phải quyền điều hành quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội mà không chịu sự chi phối bởi chính quyền cấp tỉnh thì sẽ tạo nên động lực lớn để có thể sử dụng các quyết sách cho phát triển. Ngoài ra, đặc khu trưởng cần được giao trọng trách tự chủ trong các hoạt động kinh tế, đầu tư là điểm mấu chốt để tạo động lực để các đặc khu kinh tế cất cánh.