Aa

Đại biểu quốc hội đề xuất lập Quỹ hỗ trợ người lao động mất việc làm

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 06/06/2023 - 10:29

Trước tình trạng lao động mất việc gia tăng, đại biểu Quốc hội đề xuất lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương.

Sáng nay (6/6), Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày. Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Căn cứ tình hình thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.

Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi lẽ khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả những người phụ thuộc vào họ, như trẻ em hay người già không còn sức lao động.

Họ không còn hoặc khó có khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực phẩm… Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…

Trước thực tế này, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) nêu thực tế trong những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Ông chất vấn: “Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?”.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Nguồn: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Nguồn: Quochoi.vn

Khái quát về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, diễn biến căng thẳng về việc này bắt đầu từ cuối năm 2022.

Ghi nhận ý kiến đại biểu, nhưng ông Đào Ngọc Dung cho rằng, việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.

"Việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", ông Dung nói và cho biết khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổng hợp kiến nghị cử tri quy mô việc làm nhiều địa phương mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm, một bộ phận người dân gặp khó khăn, thiếu việc làm, việc di chuyển nguồn lao động từ nơi này đến nơi khác còn ở mức cao, song hiệu quả lao động còn thấp và lãng phí. Bộ trưởng có giải pháp gì?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động toàn quốc rất lớn, vừa qua có ghi nhận tình trạng thiếu việc làm, nhưng chúng ta vẫn ở mức thấp so với tình hình kinh tế chung của thế giới.

“Bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25%. Cách đây khoảng 1 năm, tại Diễn đàn kinh tế thế giới xếp ta vào top 5 vào tỷ lệ thất nghiệp, nhưng thời điểm này chúng ta cải thiện hơn. Song tình trạng giảm việc làm này không phải riêng chúng ta, so với thế giới thì Việt Nam vẫn thuộc ngưỡng thấp”, ông Dung cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 26/5/2023, thống kê báo cáo chính thức, số mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng và nhiều yếu tố khác là khoảng 506.000, trong đó 270.000 lao động mất việc hẳn.

“Tình trạng này có mấy nguyên nhân, do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động, thực hiện theo nội dung giải quyết chính sách bộ luật lao động”, ông Dung thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Cơ cấu lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, nhất là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng lại thấp hơn. Trong thực tế, các nhà đầu tư khi đến Việt Nam quan tâm hai vấn đề gồm cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực có đáp ứng không. Gần đây, chúng ta đang thiếu hụt nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM - cho rằng ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023), con số này cho thấy vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.

Theo đại biểu, nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top