Aa

Đại biểu Quốc hội hiến kế đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng đất nước hùng cường

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Chủ Nhật, 02/07/2023 - 06:12

Cần tập trung vào vấn đề cải cách thể chế, sửa đổi luật pháp theo hướng thật sự minh bạch, thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng triển khai dự án, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh việc hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 gặp vô vàn khó khăn do những biến động trên thế giới và từ chính những nguyên nhân nội sinh, rất cần có những quyết sách mạnh mẽ và kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc, nhất là về pháp lý, để khơi thông dòng chảy của nền kinh tế. Reatimes xin trích đăng ý kiến của một số đại biểu Quốc hội tập trung vào cải cách thể chế để doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh và cán bộ chính quyền dám nghĩ dám làm.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: “Đề cao liêm chính, kiến tạo, hành động, xây dựng đất nước hùng cường”

đại biểu quốc hội trần thị hồng thanh
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình. Ảnh: DL

Kể từ sau đại dịch Covid-19 tới nay, đất nước ta bước vào thời kỳ phục hồi kinh tế với rất nhiều những khó khăn, vì vậy cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các doanh nhân, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc đến tinh thần liêm chính, kiến tạo và hành động, đẩy mạnh cải cách thể chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chia sẻ với cộng đồng.

Qua thảo luận cho thấy hiện nay có 4 vấn đề phổ biến mà doanh nghiệp gặp phải, đó là: Thiếu hụt về đơn hàng; Tắc nghẽn về dòng vốn; Thể chế chưa đầy đủ, cần tiếp tục hoàn thiện; Còn nhiều vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước những khó khăn ấy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo kịp thời rà soát khó khăn vướng mắc đối với các dự án bất động sản trên cả nước để tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, Thủ tướng liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kéo giảm được lãi suất, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh; triển khai giãn và hoãn nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn… Điều đó cho thấy, Chính phủ đang kiên trì điều hành với tinh thần kiến tạo, hành động.

Nhân việc đề cập tới tinh thần kiến tạo và hành động, tôi cũng đã có phát biểu tại Quốc hội nêu rõ ngành du lịch, dịch vụ tăng trưởng tới 6,79%, đóng góp 95,91% vào GDP quý I vừa qua. Tuy nhiên, quá trình phục hồi còn chậm so với các quốc gia trong khu vực, vì vậy việc cần làm ngay là cần có chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh cho khách quốc tế; trong đó cần xem xét tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử…

Đề nghị Quốc hội quan tâm cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngay tại kỳ họp này và quy định có hiệu lực thi hành càng sớm càng tốt.

Điều này sẽ giúp ngành du lịch tăng trưởng mạnh hơn, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế đất nước.

ĐBQH Mai Văn Hải – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Cần giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của cử tri và doanh nghiệp”

đại biểu quốc hội mai văn hải
ĐBQH Mai Văn Hải – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: DL

Theo dõi báo cáo tổng hợp tại nhiều kỳ họp thì thấy rằng trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, chậm được giải quyết trả lời, thậm chí kéo dài. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội đưa nội dung này vào thảo luận ở các kỳ họp, qua đó sẽ có tác động nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, hạn chế được đơn thư kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp. Đồng thời cần phải xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong việc chậm trễ, đùn đẩy, né tránh việc giải quyết kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp.

Tôi nêu một thí dụ cụ thể, doanh nghiệp suốt cả năm qua rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, bị xử phạt, bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cử tri bức xúc cho rằng một số quy định phòng cháy, chữa cháy không phù hợp, tiêu chuẩn quá cao, không phân loại mức độ rủi ro nên rất khó khăn cho doanh nghiệp. Việc khắc phục, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy chi phí lớn, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy càng sớm càng tốt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí.

Một thí dụ khác là đối với việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội thực hiện giai đoạn 2022 - 2023, kết quả giải ngân rất thấp, mới chỉ đạt 87,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 29%. Cá biệt có chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của gói vay 40.000 tỷ mới chỉ đạt 0,82%, vì doanh nghiệp sợ hệ lụy khi thanh tra, kiểm tra.

Tôi đề nghị đối với các kiến nghị chính đáng cần phải được xem xét, kiểm tra thực tế để có phương án giải quyết cho từng địa phương, người dân và doanh nghiệp, không nên chỉ giải thích, giải đáp và cung cấp thông tin chung chung.

ĐBQH Nguyễn Hải Nam – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”

đại biểu quốc hội nguyễn hải nam
ĐBQH Nguyễn Hải Nam – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: DL

Thời gian vừa qua có nhiều vấn đề vướng mắc từ câu chuyện khơi thông dòng vốn của doanh nghiệp, cho tới các quy định phát hành trái phiếu và hiện nay là vướng mắc pháp lý khiến hàng trăm dự án bất động sản trên cả nước chưa thể triển khai. Như vậy là các doanh nghiệp hiện nay không chỉ đối diện với khó khăn về dòng vốn, về thị trường mà còn là các vấn đề pháp lý. Điều đó một lần nữa đặt ra yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực hơn nữa vào tốc độ tăng trưởng chung của đất nước.

Qua nhiều báo cáo, chúng tôi dự báo rằng kinh tế xã hội nói chung của năm 2023 và xu hướng của năm 2024 còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ biến động chính trị thế giới, nhiều quốc gia cũng rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Đây là những tác động từ bên ngoài tới nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, đối với vấn đề cải cách thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật thì lại là vấn đề của chính chúng ta và nếu như làm mạnh mẽ, rốt ráo thì sẽ giải quyết được hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất là doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm phát triển không lo sợ bị vướng vào sai phạm; Thứ hai là cán bộ thực thi công vụ không lo sợ sẽ bị hồi tố trách nhiệm.

Nhìn vào báo cáo của Chính phủ, chúng ta thấy rằng 4 tháng đầu năm 2023 có hơn 78.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có tới 77.000 doanh nghiệp rời thị trường, trong đó có tới 27.000 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể, phá sản. Số lượng doanh nghiệp rời thị trường tăng đột biến phản ánh khó khăn trên thị trường, nhưng điều đáng nói hơn là nếu như không có những chính sách hỗ trợ tốt thì nhiều doanh nghiệp còn đang tồn tại cũng có thể không trụ được. Khi ấy những vấn đề lớn về an sinh xã hội sẽ xảy ra, tạo thêm áp lực với nền kinh tế vốn đang có nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng phải tập trung vào vấn đề cải cách thể chế, sửa đổi luật pháp theo hướng thật sự minh bạch, thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng triển khai dự án, luân chuyển dòng vốn, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế và chia sẻ trách nhiệm an sinh với cộng đồng.

ĐBQH Trần Hữu Hậu – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Quy trình chặt chẽ, nhưng phải nhanh gọn, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp”

đại biểu quốc hội trần hữu hậu
ĐBQH Trần Hữu Hậu – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: DL

Thời gian vừa qua, chúng ta biết rằng có rất nhiều khó khăn vướng mắc pháp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước. Thực tế hiện nay không ít việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì rất có thể vi phạm các quy định của pháp luật. Vì thế việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chờ chỉ đạo của cấp trên rồi mới làm, trở thành phổ biến.

Về vấn đề bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14, Hội nghị Trung ương 6 đã có Nghị quyết 28, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong Nghị quyết 75 năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 và Công điện 280 đã giao cho Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện dự thảo Nghị định báo cáo Chính phủ trong tháng 6. Việc định hướng và chỉ đạo là rất rõ ràng, nhưng sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có Nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời chất vấn của tôi, rằng luật là do chúng ta làm, trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa. Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý lại quá khó khăn, khi đưa ra bàn thảo thì mỗi cán bộ, cơ quan đều có lý lẽ của mình và ngay cả khi cố gắng thực hiện đúng nhất chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình thì có những việc bị kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới giải quyết xong.

Kính mong Quốc hội xem xét để có được những cách làm, trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức tập trung sức lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật. Chúng ta không thể chấp nhận những hiện tượng phi logic, ngược quy luật, trì trệ, mà phải đem đến sự thông thoáng, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Thị Hiền – Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn”

đại biểu quốc hội trần thị hiền
ĐBQH Trần Thị Hiền – Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: DL

Tính chung 4 tháng đầu năm có 78,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong số đó có khoảng 27.000 doanh nghiệp (khoảng 35%) đã và đang làm thủ tục giải thể. Thực tế trên cho thấy có ba điểm cần được lưu tâm:

Thứ nhất, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau là điều chưa từng thấy; theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay thì hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Thứ hai, con số bình quân 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là mức tăng đột biến, nếu so sánh với mức bình quân 11,9 nghìn doanh nghiệp vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8,5 nghìn vào năm 2020.

Thứ ba, điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới như đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt. Vẫn biết rằng, việc thành lập hay giải thể doanh nghiệp là chuyện bình thường trong vận hành kinh tế thị trường, tuy nhiên sự gia tăng đột biến số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng ở loại hình nào, lĩnh vực gì, quy mô vốn và nhân lực ra sao, nguyên nhân ngừng hoạt động.

Cần chú trọng đánh giá những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế, xem như cơ hội để có những giải pháp thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa để nuôi dưỡng trợ lực và phát triển kinh tế tư nhân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top