Aa

ĐBQH Tô Văn Tám: Minh bạch và sòng phẳng khi thu hồi đất

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 21/06/2023 - 16:05

"Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân", đại biểu Tám nêu quan điểm.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 21/6, đại biểu Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (đại biểu đoàn Kon Tum) đề cập tới vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn được người dân quan tâm, trong đó có một thực trạng là quy hoạch đã được lập, phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch.

“Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, có khi là 20 năm và có khi còn lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch treo. Quy hoạch treo không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những cư dân trong khu vực quy hoạch treo sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được mà ở thì cũng không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này”, ông Tám bày tỏ.

Từ thực trạng trên, đại biểu Tô Văn Tám nêu ba vấn đề cần được lưu ý:

Thứ nhất, nên bỏ tầm nhìn trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Điều 62, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo mà dự báo thì có thể chính xác, có thể không chính xác, như thế cũng có thể đó là một tác nhân của quy hoạch treo. Người dân chỉ mong muốn nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch trong dự thảo luật là đáp ứng yêu cầu này.

Thứ hai, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại khoản 3 Điều 76 theo hướng khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại Điều 38 của luật này và pháp luật có liên quan. Dự thảo nói là "pháp luật có liên quan" thì rất rộng người dân khó có thể tiếp cận được, cho nên quy định thêm vào Điều 78 cụ thể về quyền của người sử dụng đất, người dân mở ra là thấy ngay và sau đó có thể truy thêm các luật khác. Đồng thời, bổ sung vào khoản 3 Điều 76 nội dung là "hết kỳ quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không thực hiện kế hoạch dự án thì hủy bỏ quy hoạch".

Về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân. Nghị quyết 18 của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có quan điểm rất quan trọng là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VI, Chương VII chưa có quy định nào thể hiện rõ tinh thần này và Điều 127 cũng có nhiều nội dung chưa thuận lợi cho người dân.

Vì vậy, nghị cần xác định thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia, công cộng và thu hồi đất cho mục đích dịch vụ thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận. Trường hợp hoàn toàn vì lợi ích quốc gia công cộng thì Nhà nước thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo các nguyên tắc tại Điều 90 của dự thảo, đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên để nhân dân tham gia.

“Trên thực tế đã có rất nhiều người dân là tự nguyện ủng hộ đất đai để làm đường, làm cầu, làm trường học… mà không đòi hỏi bồi thường hay hỗ trợ gì cả thì Nhà nước cần có thêm chính sách này để khuyến khích họ. Trường hợp thu hồi đất cho mục đích thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận thì theo cơ chế thỏa thuận như quan điểm của Nghị quyết 18. Theo tôi, có thể hướng người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất thì người có đất thu hồi là một bên trong quá trình định giá, trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất hoặc các bên có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập, nếu không thỏa thuận được nữa thì nên yêu cầu tòa án giải quyết để tránh tình trạng giá nào cũng không chịu cuối cùng tòa án là người quyết định, như thế sẽ đầy đủ hơn”, ông Tám phân tích thêm.

Thứ ba, về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Điều 17 của dự thảo khi xác định trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì có 2 chính sách, đó là chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cho cộng đồng đồng bào dân tộc và chính sách ưu tiên cho cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế. Nhưng cả hai chính sách này đều hướng đến bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ở đấy có 2 điểm cần chú ý:

Một là, tên điều luật chưa phù hợp với nội dung của chính sách. Tên điều luật là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nội dung là chính sách cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không phải bao trùm toàn bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khác, các vùng khác này cũng nghèo và cận nghèo do thiếu đất sản xuất.

Hai là, chưa rõ việc đảm bảo đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hình thức nào. Bởi vậy, tôi đề nghị chính sách đất đai của nhà nước tại điều này cần bao trùm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Tây Nguyên đang sản xuất nông nghiệp, thực sự không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở, đất sản xuất.

"Trường hợp vẫn giữ 2 khoản như điều này thì tôi đề nghị bổ sung khoản 1 với nội dung là nhà nước có chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, sau đó đến khoản 2, khoản 3 là cho vùng kinh tế đặc biệt khó khăn", đại biểu Tám nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top