Aa

Đại biểu quốc hội “mổ xẻ” lý do lãng phí đến từ thủ tục hành chính

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 01/06/2023 - 22:05

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 1/6, nhiều đại biểu quốc hội đã chỉ ra những lãng phí đang tồn tại, nguyên nhân và đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tục hành chính là nguyên nhân gây lãng phí

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh tình trạng lãng phí trong việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, có hàng trăm văn bản, chỉ thị, thành lập nhiều tổ công tác để đôn đốc thực hiện nhưng việc phân bổ, giải ngân không đạt yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực.

Hiện tổng số vốn chưa được phân bổ và giao của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và chương trình phục hồi kinh tế lên đến 444.143 tỉ đồng. Đặc biệt, vẫn còn hơn 1 triệu tỉ đồng đang nằm trong ngân hàng. Nếu cộng cả vốn chưa phân bổ và chưa giải ngân thì tổng số tiền theo kế hoạch còn tồn là khoảng 1,5 triệu tỉ đồng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, lãng phí còn tồn tại trong cải cách thủ tục hành chính. Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, qua kiểm tra, các địa phương, Bộ ngành cũng phát sinh thủ tục mới. Bên cạnh đó,  kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VCCI cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, thủ tục hành chính chậm trễ tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong năm 2022, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 143.000 doanh nghiệp. Bình quân 1 ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Riêng quý 1 năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đóng cửa đã vượt số doanh nghiệp đăng ký mới. 

“Phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế? Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?”, ông Khải đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) 
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam). Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Lãng phí niềm tin nguy hiểm hơn lãng phí tiền bạc

Trình bày tại nghị trường, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) nhận thấy, cùng với chống tham nhũng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả khách quan, tiến bộ. 

Tuy nhiên, báo cáo mới chủ yếu tập trung tổng hợp, đánh giá công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công là chính, còn trong lĩnh vực tư có đề cập nhưng còn khiêm tốn, chưa đầy đủ, chưa thấy được thực trạng những khó khăn, hạn chế cũng như đề ra được giải pháp khắc phục.

Đại biểu chỉ rõ, đó là những chậm trễ, hạn chế, vướng mắc về một số chính sách không tốt trong công tác quy hoạch, kế hoạch, trong hoạt động công vụ của bộ máy. Mặc dù các vấn đề này đã được quan tâm khắc phục và có nhiều cải thiện, tuy nhiên, vẫn đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như việc người dân và doanh nghiệp ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận chính sách. 

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Hồng Vân cho rằng, còn khó khăn, chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án. Nhiều dự án đang hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được, dẫn đến gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin, ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Vì vậy, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị trong Báo cáo cần tổng hợp, đánh giá kỹ về những vấn đề này và từ đó phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên)
Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên). Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đã chỉ rõ những lãng phí như chậm giải quyết xử lý trong 12 dự án đắp chiếu hay tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng. Trong khi đó, doanh nghiệp đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn. Theo đó, đại biểu cho rằng cần phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư này trên cơ sở cân đối của Chính phủ chứ không thể để tiền trong Kho bạc Nhà nước và gửi ngân hàng. 

Giám sát chặt để ngăn chặn lãng phí

Với những bất cập đang tồn tại, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức (Chương II) và Những việc cán bộ, công chức không được làm tại Mục 4, Điều 18 quy định những điều bị cấm liên quan đến đạo đức công vụ: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Kết quả giám sát sẽ cho chúng ta kết quả, ví dụ như ở TP.HCM, trong năm 2022, trong số 584 văn bản gửi hỏi Bộ kế hoạch đầu tư thì: có bao nhiêu văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố mà không giải quyết, vẫn hỏi để né việc, đẩy việc nên cấp trên; Có bao nhiêu văn bản trong tổng số 584 văn bản thì có bao nhiêu văn bản có nội dung hỏi là những quy định của pháp luật chưa rõ, không khả thi, chồng chéo. Như vậy mới chỉ ra căn nguyên của hiện tượng này, vừa có cơ sở để đánh giá khách quan và xử lý cán bộ vi phạm luật cán bộ, công chức. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sửa đổi kịp thời các vướng mắc.    

Thứ hai, thật khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm ngươi đứng đầu. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương Xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ…

Qua các Phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Trần Văn Khải kêu gọi toàn thể các công chức trên cả nước hãy chuyển biến thật nhanh, theo kịp tình hình, bằng tác phong phục vụ hãy hành động bằng mong muốn, khát khao đưa Bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, quê hương mình phát triển đột phá cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top