Aa

Đại biểu Quốc hội phân tích về Dự án sân bay Long Thành

Thứ Năm, 24/10/2019 - 10:05

Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Luật Đấu thầu có quy định về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

PV: Chính phủ muốn đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành. Tại kỳ họp thường vụ Quốc hội vừa rồi đã phân tích điều này là đúng luật. Còn quan điểm của ông?

Ông Trần Văn Lâm: Có thể việc chỉ định này trúng ngay vào đối tượng, nhưng ai đảm bảo việc chỉ định này là tối ưu. Cho nên, theo quan điểm cá nhân của tôi, dự này vẫn phải tuân thủ các quy trình thủ tục của Luật Đầu tư.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Nguyễn Việt)

Trong trường hợp thi công Sân bay Long Thành, chủ đầu tư Nhà nước có thể xác định 2 công đoạn: Thứ nhất, trong quá trình chọn thi công phải đúng luật, đúng nhà thầu thi công chất lượng. Đó phải là những nhà thầu có chuyên môn tầm quốc tế, thực hiện các hạng mục sân bay tầm quốc tế, tránh các lình xình hay các bài học đáng tiếc như ở một số công trình lớn của Việt Nam.

PV: Có ý kiến đề nghị trước khi trình Quốc hội quyết việc chỉ định thầu thì cần làm rõ việc này có tác động thế nào tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cũng như sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án, thưa ông?

Ông Trần Văn Lâm: Đúng như vậy. Nếu trong các điều ước quốc tế quy định những công trình này phải được đấu thầu trong phạm vi nào đấy thì phải rà soát lại cho thật kỹ lưỡng. Nhưng dù thế nào thì cũng phải dựa trên cơ sở luật pháp hiện hành, trước tiên là áp dụng đúng theo Luật Đầu tư, còn với các hiệp ước cuối cùng cũng đều phải được cụ thể hóa vào trong luật và thực hiện theo luật.

Tuy vậy, theo Luật Đấu thầu thì có những yếu tố chỉ định thầu và những yếu tố của ACV đủ điều kiện và Chính phủ chỉ định thầu là đúng luật.

PV: Thưa ông, hiện ACV đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không? Nếu đã giao cho ACV giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án liệu có giao nữa không?

Ông Trần Văn Lâm: Đây là một dự án lớn, trải quan nhiều giai đoạn, tôi không nghĩ rằng ACV làm giai đoạn 1 thì sẽ làm hết các giai đoạn còn lại. Giai đoạn 1 làm ẩu, chất lượng kém và sau này có nhà đầu tư bỏ giá rẻ và chất lượng tốt hơn thì ACV vẫn có thể bị loại. 

Vấn đề đặt ra với ACV lúc này là họ có thật sự đủ năng lực hay không, điều này cần có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn thẩm định, dựa trên số liệu các báo cáo cụ thể.

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành

Riêng với dự án lớn như thế này, việc minh bạch, công khai phải là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, đấu thầu rộng rãi là một khâu phải được đặt ra, không thể vì ép tiến độ do lo sợ “mất thời gian” mà rút ngắn thủ tục theo Luật. Mất thời gian hay không là do các cơ quan chuyên môn, nếu tích cực làm nhanh các thủ tục thì thì câu chuyện chậm tiến độ không còn là việc lớn.

PV: Theo ông, tại sao Chính phủ lại đề xuất chỉ định thầu trong dự án này?

Ông Trần Văn Lâm: Chỉ định thầu thì sẽ nhanh hơn, không bị mất thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có đánh giá với công trình như thế này thì doanh nghiệp nào có thể đủ năng lực triển khai, nên đã tự tin đưa ra phương án chỉnh định thầu với ACV. Tuy nhiên, đây chỉ là “phỏng đoán” của tôi.

Tuy vậy, theo quy định của Luật Đấu thầu có quy định về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do vậy đề xuất của Chính phủ không ảnh hưởng về luật.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top