Aa

Đại biểu Quốc hội tỏ rõ kỳ vọng vào Hiệp định CPTPP

Thứ Ba, 06/11/2018 - 02:45

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 5/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Hiệp định CPTPP).

Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.  

Cơ hội đang mở ra

Phát biểu trước Hội trường, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng,  CPTPP rất toàn diện vì hiệp định này không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ... Vì thế, đáp ứng nguyên tắc xuất xứ sản phẩm của hàng Việt còn là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong khu vực.Ngược lại, nếu không làm tốt sẽ khiến hàng hoá nguyên liệu các nước không rõ nguồn gốc tuồn vào, làm chết đi sản xuất trong nước hoặc nặng nề hơn Việt Nam có thể rơi vào trạng thái vi phạm cam kết của CPTPP.  ĐB  Ngân khẳng định các nước  đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam - đất nước đã thành công sau hơn 30 năm đổi mới và đang muốn nhắm tới thị trường 95 triệu dân của Việt Nam. "Họ muốn đầu tư vào Việt Nam và coi đây là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của họ", ông Ngân nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)  cũng nhận định trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều nhà đầu tư có thể rời bỏ thị trường Trung Quốc, chuyển sản xuất sang nước thứ 3 như Việt Nam để né thuế và đây là thời cơ để  nước ta tận dụng thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài.

Riêng đối với Ủy viên thường trực UB Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà thì việc tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp.  CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng được những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. “Vì vậy, nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của CPTPP”. Bà Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Lê Thu Hà hiện kim ngạch xuất khẩu nước ta vẫn nặng  về các doanh nghiệp FDI, điều này cũng giống như chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác. Do đó với thu hút vốn đầu tư FDI, chúng ta cần đổi mới  theo hướng thu hút FDI có chọn lọc, có điều kiện chứ không thể thu hút bằng mọi giá.  

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải là chủ thể hưởng lợi từ Hiệp định

Thảo luận tại hội trường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định tham gia Hiệp định sẽ  có cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Tuy nhiên, theo ông Lộc để tham gia Hiệp định nước ta  phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản:

Một là, phải xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra.

Hai là, phải dự kiến được các phương án cụ thể để Việt Nam không chỉ thực thi Hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc.

Ba là, chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top