Aa

Đại biểu thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội và 2 dự án Luật

Thứ Năm, 21/10/2021 - 10:49

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tuy nhiên dự báo tình hình quốc tế, trong nước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về:

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tại Phiên khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Thanh Hoàn phát biểu ý kiến
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Thanh Hoàn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương; tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở; tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Thảo luận 2 dự án Luật

Trong phiên làm việc chiều 21/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này.

Việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung 2 nhiệm vụ cho Cảnh sát cơ động.

Nhiệm vụ thứ nhất: Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với Cảnh sát cơ động và cán bộ, chiến sỹ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Nhiệm vụ thứ 2: Phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Sau nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách.

Thời gian còn lại của phiên họp, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top