Đó là chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ.
Về nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành rất linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
“Lạm phát đang có xu hướng giảm, năm nay có khả năng đảm bảo được mục tiêu đề ra”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.
Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó diễn biến trong nước và quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá chỉ biến động trong biên độ 1,2 - 1,5% - rất ổn định so với biến động khu vực và thế giới, thanh khoản ngoại tệ được đảm bảo, mọi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng. Dự trữ ngoại hối hiện đạt 84 tỷ USD, đảm bảo ổn định tỷ giá.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa, để góp phần ổn đỉnh vĩ mô”, ông Lê Minh Hưng khẳng định.
Về tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. “Đây là tín hiệu tích cực vì hai tháng đầu năm hầu như không tăng, dự kiến cả năm tăng 11 - 14%. Trong bất kỳ tình huống nào, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Nhắc lại việc Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ làm việc với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm lương thưởng, không chia cổ tức tiền mặt… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp.
Về giảm lãi vay đối với đối tượng chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất cho vay tái cấp vốn đối với ngân hàng chính sách khoảng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để cho vay các chương trình an sinh xã hội.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và một số đối tượng chính sách. Dự kiến mức giảm từ 10% đến 15% đối với một số chương trình cho vay (trong đó giảm mức cao nhất 15% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo), thời gian giảm lãi vay dự kiến từ 1/4/2020 đến 31/12/2020, với tổng số lãi giảm khoảng trên 1.500 tỷ đồng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.
Theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9 - 3,2% đến cuối quý II và từ 2,6 - 3,0% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên bố trí khoảng 28.000 tỷ đồng (từ một số chương trình trước mắt chưa cấp thiết, nguồn vốn huy động…) để tập trung sẵn sàng giải ngân nhằm hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch; đồng thời khẩn trương phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 4/2020.