Aa

Đạm Phú Mỹ: Lợi nhuận thực chất đang tăng hay giảm?

Thứ Hai, 22/10/2018 - 06:01

Nếu vẫn duy trì mô hình lãnh đạo và quản lý vốn hiện tại, quy mô cũng như lợi thế cạnh tranh của DPM được các chuyên gia dự báo sẽ yếu đi. Yếu tố ngoại cảnh và nội tại cùng lúc bất lợi khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này khó thoát khỏi diễn biến lao dốc, dù kế hoạch sáp nhập với DCM được thực hiện đi chăng nữa?

Sụt giảm so với cùng kỳ

Nửa đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã DPM) đạt hơn 404 tỷ đồng, hợp nhất đạt 402 tỷ đồng.

Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch năm với 8.577 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 442 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 6 tháng, Đạm Phú Mỹ đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm 5%. Nhưng tính từ tháng 6/2017 đến nay, lợi nhuận DPM sụt giảm 20%, giá cổ phiếu đã giảm hơn 16% sau một năm ròng rã.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của DPM, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt gần 560 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm do ban lãnh đạo đặt ra trước đó. Tuy nhiên, nếu so với 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của DPM vẫn giảm khoảng 8%. Trong khi đó, doanh thu kỳ này năm nay tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2017. So với thời điểm đầu năm, nợ ngắn hạn và dài hạn của DPM cũng tăng khá mạnh. 

Có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp ngành phân bón lao dốc. Thứ nhất, ngành phân bón là một ngành rất nhạy với giá khí đầu vào (vốn đã tăng 30 - 40% so với năm 2016 - 2017) và ngành này còn đang dần bị thu hẹp vì ô nhiễm môi trường và lượng tiêu thụ/ha đã vượt ngưỡng cho phép (gấp 2 - 3 lần các nước trong khu vực).

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nguồn cung trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi một số quốc gia sản xuất nhiều như Trung Quốc (tỷ trọng nhập khẩu 80%) hạn chế xuất khẩu. Mặt khác, theo OPEC, giá dầu Brent có thể sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung dầu thô bị thiếu hụt trên toàn cầu sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được ký kết trước đó, điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

Chưa kể, thời điểm hiện tại, khi chưa được sáp nhập theo kế hoạch của PVN – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của DPM cũng suy giảm khi phải chia thị trường với DCM - Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau.

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 - 2025. Dự kiến đến năm 2020, PVN sẽ thoái vốn tại DPM và DCM xuống còn 36% vốn điều lệ. Để đảm bảo hiệu quả thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, PVN đã và đang xây dựng phương án tối ưu nhất trong đó bao gồm cả việc hợp nhất 2 đơn vị này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Nếu điều đó xảy ra, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường phân bón, mở rộng hệ thống phân phối bán hàng cũng như các lợi thế về công nghệ, sản phẩm. Ngoài ra, trước diễn biến nhập khẩu phân bón ngày càng tăng, về chung một nhà sẽ giúp hai đại gia giảm cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp phân bón khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, lợi ích cổ đông sau khi hoán đổi cổ phiếu và vấn đề việc định giá doanh nghiệp sau khi hợp nhất. Bên cạnh đó, thương hiệu, bao bì sản phẩm sẽ phải thay đổi như thế nào cho phù hợp với thói quen người tiêu dùng.

Còn nhớ gần 10 năm trước, việc đầu tư mua lại DCM được kỳ vọng mang lại lợi ích cho DPM. Nhưng ở thời điểm này, hiệu ứng khó có thể là một chiều thuận lợi như vậy.

DPM nếu giải quyết được bài toán ban lãnh đạo sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề

DPM nếu giải quyết được bài toán ban lãnh đạo, sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề trong mô hình quản lý cũng như tăng lợi ích cho cổ đông


Ở giai đoạn này, ngành phân bón gặp nhiều khó khăn do biến động giá đầu vào và giá sản phẩm, cạnh tranh trong ngành dư thừa công suất. Trong khi DPM nhờ lợi nhuận tích lũy nên có tiềm lực tài chính tốt thì DCM do đầu tư sau vẫn đang gánh khoản nợ ngoại tệ. Hơn nữa, DCM đang trong giai đoạn được hỗ giá khí đầu vào, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận 12%, nên chưa đủ dữ liệu để cổ đông đánh giá hiệu quả hoạt động khi việc hỗ trợ giá khí kết thúc.

Đối với cổ đông ngoài PVN thì việc sáp nhập hai thương hiệu sản xuất phân bón lớn đem lại hiệu quả như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Về lý thuyết, khi hình thành doanh nghiệp lớn và tỷ lệ sở hữu của của PVN giảm xuống, thanh khoản của cổ phiếu sẽ tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn. Nhưng nếu phân bón là ngành không còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư chiến lược và cả các nhà đầu tư tài chính, thì lượng cổ phiếu lớn là một yếu tố mà các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường e dè khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Việc sáp nhập có thể tạo ra cơ hội cho cổ phiếu của hai doanh nghiệp, nhất là DCM với thị giá thấp hơn, “nổi sóng” khi nhà đầu tư thích “chơi game sáp nhập”, nhưng về lâu dài là khó đoán định lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ của hai doanh nghiệp.

Yếu tố về năng lực quản lý của ban lãnh đạo không nên bỏ qua

Hơn nữa, yếu tố năng lực của ban quản lý của DPM cũng vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của công ty. DPM có rất nhiều công ty trung gian, đại lý phân phối theo vùng với hoa hồng rất cao.

Cũng không loại trừ ý kiến của một số chuyên gia về việc kỹ năng phân bổ vốn yếu kém của cả ban lãnh đạo DPM khi từng để PVTex mất vốn hay nhà máy NPK chậm tiến độ.

Quý 3/2015, với việc PVTex đã âm vốn thì Đạm Phú Mỹ trích lập nốt 198 tỷ đồng còn lại, đồng nghĩa lợi nhuận trước thuế năm 2015 giảm đi tương ứng. Kể từ thời điểm này, toàn bộ hơn 560 tỷ đồng đầu tư vào PVTex đã không còn giá trị. Tuy nhiên, một khi đã ghi nhận mất 100% giá trị của khoản đầu tư này thì việc PVTex có tiếp tục lỗ cũng sẽ không tác động xấu tới lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ nữa.

Nếu sau này PVTex kinh doanh tốt lên, vốn chủ sở hữu quay lại mức dương, thì Đạm Phú Mỹ lại có thể thu được lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng. Nhưng dẫu sao việc đầu tư vào PVTex cũng đã đem lại nhiều phen lao đao của DPM.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (tiền thân là Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 02/2003/QĐ-VPCP, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 19/01/2004. Từ ngày 31/8/2007, Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức chuyển đổi trở thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí. Ngày 05/11/2007, Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, với mã chứng khoán DPM

Hiện tại, cổ phiếu DCM đang giao dịch quanh vùng giá 11.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 5.823 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đạt doanh thu 3.244 tỷ đồng – tăng 7%. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 413 tỷ đồng – giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Còn với DPM, cổ phiếu này hiện đang dao động quanh ngưỡng 18.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường 6.966 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu 4.783 tỷ đồng – tăng 10%; Lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng – giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top