Aa

Đàn bà đẹp viết văn

Thứ Sáu, 21/05/2021 - 07:00

Huệ lâu rồi ít viết và mới đây in truyện ngắn “Tiệc trộm”. Tôi thật sự sửng sốt về truyện ngắn độc đáo này.

Nguyễn Thị Thu Huệ là một cái tên sáng giá trong những người viết văn nữ. Như một quy luật, các nhà văn nữ đều nổi tiếng rất sớm ngay từ khi bắt đầu văn nghiệp. Huệ là một trường hợp như vậy. Điều này thì cánh mày râu thua đứt khi nhiều người khá lận đận trên con đường văn chương và đa phần họ thành danh muộn. 

Tại sao phải vân vi “sớm muộn” như vậy? Xin thưa, đơn giản thôi, tôi vốn ngại viết chân dung những người nổi tiếng. Nhất lại nổi tiếng sớm như Nguyễn Thị Thu Huệ. Ít nhất thì từ vài ba chục năm nay, văn đàn luôn có bóng dáng của nhà văn xinh đẹp một cách ma mị này (Tôi luôn nói đôi mắt của Huệ sắc lịm là cái hồ lô hút hồn người khác giới). Không phải từ họ có cái gì đó từa tựa như uy lực khiến ngòi bút của tôi phải kiêng dè mà là tôi không muốn viết về những gì đã nhiều người biết. Người nổi tiếng hiển nhiên đã có quá nhiều người viết và họ đã trở nên quen thuộc cả văn chương lẫn cuộc đời, với độc giả và đồng nghiệp. 

Quyết định viết về Nguyễn Thị Thu Huệ rõ ràng là một thử thách với tôi, nhưng có lẽ sức hút quá lớn từ nữ nhà văn này khiến tôi mạo hiểm. Sự mạo hiểm có chút hoang mang. Cảm giác này là dĩ nhiên bởi tôi phải viết những gì về nữ nhà văn đặc biệt này ở một kích chiều khác với thông thường. Ít nhất đó là những góc khuất chưa ai nói đến.

Tôi biết Nguyễn Thị Thu Huệ từ cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của báo Tiền Phong. Những năm đầu thập kỷ 90, các cuộc thi văn học nở rộ. Đây là thời điểm các giải thưởng có giá trị không chỉ ở chất lượng tác phẩm mà còn là thước đo khẳng định tài năng tác giả một cách chính xác, trung thực, không à uôm, luộm thuộm như hiện nay. Huệ liên tiếp nhận những giải thưởng lớn ở giai đoạn này trong những cuộc thi. Truyện ngắn “Tác phẩm Tuổi xanh” của Tiền Phong rồi Văn nghệ Quân đội và Hà Nội cùng Hội nhà văn Việt Nam. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tên tuổi của cây bút nữ xinh đẹp vọt lên như một hiện tượng. Báo chí tập trung ca ngợi không tiếc lời. Tôi nghĩ Nguyễn Thị Thu Huệ xứng đáng với điều đó. Thông thường, những gì thuộc hiện tượng nhất là ở văn học hay vọt lên từ một tác phẩm nào đấy, nhưng với Huệ, thì đó là cả một chuỗi thành công dây chuyền, chứng tỏ mặt bằng sáng tác vững chắc và có nền tảng. Điều này không lạ.

Nguyễn Thị Thu Huệ và Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn VN.

Lần đầu tôi gặp Nguyễn Thị Thu Huệ là ở quán bia Nguyễn Du gần tòa soạn báo Tiền Phong sau lễ trao giải cuộc thi “Tác phẩm Tuổi xanh”. Hội tụ ở đó rất nhiều anh tài văn chương. Huệ gần như là tâm điểm của cuộc liên hoan. Xung quanh người đẹp là những trang tuấn kiệt và nhan sắc lộng lẫy khiến cánh già chúng tôi lùi xa. Rồi có một chuyện gì đó bất thường xảy ra tranh luận dẫn đến va chạm giữa một tân nam á vương đoạt giải với bàn bia già chúng tôi. Chuyện nhỏ nhưng tôi nhớ lâu là vì hôm ấy Huệ ra can ngăn. Tôi lúc đó cũng chưa hẳn đã già nên còn hăng máu vịt. Đâu như trước sự kiêu ngạo thái quá của chàng trai á vương, tôi đã buông một câu cay nghiệt nhưng oái ăm là nó không thể đúng hơn khi thời gian đã trải nghiệm. Vị đó không bao giờ trở thành nhà văn. Anh ta thành đạt xuất sắc nhưng ở một ngả rẽ nghệ thuật khác. Chuyện chẳng có gì, nhưng đó là cơ hội cho tôi và Nguyễn Thị Thu Huệ biết nhau. Phải nói thêm là nhờ sự ngưỡng mộ Nguyễn Thị Thu Huệ khi đó cùng sự nhẹ nhàng và khéo léo của Huệ đã ngăn cản được một cuộc va chạm bồng bột của cánh bia rượu. Riêng với tôi, thật sự ấn tượng về người đẹp tài năng này chính từ buổi liên hoan đó.

Run rủi thế nào, ít năm sau đấy, tôi chuyển công tác về Hãng phim Truyền hình Việt Nam nơi Nguyễn Thị Thu Huệ còn rất trẻ đã là trưởng một phòng nội dung phim truyện. Trước đó, tôi với Huệ đã có những tiếp xúc trên phương diện công việc cũng như sinh hoạt văn chương. Anh em văn chương Hà Nội có một cái thú là hay tụ tập cùng nhau. Biết Huệ, thi thoảng tôi đến chơi ở ngôi nhà tầng hai khu tập thể gần Đài Truyền hình Việt Nam. Ngôi nhà đậm dấu ấn kỷ niệm gia đình của hai thế hệ nhà văn nữ. Ở nơi đó, Nguyễn Thị Thu Huệ sống cùng mẹ và hai con trai. Sau này khi có điều kiện hơn, Huệ vẫn cố thủ ở ngôi nhà này, không muốn rời đi dù người mẹ thân yêu, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã ra đi và con trai của Huệ cũng đã trưởng thành lấy vợ chuyển đi sống ở nơi khác.

Một lần, tôi nhớ dịp áp Tết Nguyên đán, tôi và Phạm Xuân Nguyên đến uống rượu nhà Huệ. Năm đó có một cành đào rất lớn hoa to rờ rỡ, mẩy đẹp. Rượu vào lời ra, tôi phán như thánh sống về vận năm rất đẹp của Huệ từ những cánh hoa đào lạ kia, nhất là về đường tình cảm. Không hiểu sao mặt Huệ rất buồn và khi biết chồng Huệ ở trong phòng không ra tiếp khách thì tôi ngờ ngợ. Phải đến khi Phạm Xuân Nguyên thầm thì thông báo thì tôi biết là gia đình riêng của họ đang ở bờ vực tan vỡ. Hôm đó tôi uống say, cả người lẫn xe máy phải khiêng lên xích lô chuyển về.

Kể chuyện tưởng chẳng ăn nhập kia để tôi nói một điều gần như quy luật của những phụ nữ đẹp viết văn. Đời sống hôn nhân của họ rất thăng trầm và Nguyễn Thị Thu Huệ là một minh chứng rõ nhất. Sau cuộc ly hôn, Huệ nuôi hai đứa con trưởng thành và có qua một vài mối tình nhưng rút cục cũng như nhiều phụ nữ khác tương tự hoàn cảnh, họ chọn cách sống đơn thân. Một lựa chọn của những người phụ nữ có nhan sắc và tài năng và tất nhiên là họ có cá tính mạnh.

Tôi vốn là dân viết văn xuôi nhưng sớm rẽ vào điện ảnh truyền hình bằng nghề biên kịch. Có lẽ không ai biết Nguyễn Thị Thu Huệ chính là người đưa tôi vào nghề này. Ấy là năm 1994, khi Huệ đang phụ trách phòng phim của Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, gặp tôi Huệ bảo, anh viết kịch bản đi, có cuốn này, tạng anh chuyển chắc hay. Tôi đọc tiểu thuyết “Kẻ ám sát cánh đồng” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, thấy nội dung gai góc và nhiều vấn đề có thể làm được, bèn mày mò học hỏi kinh nghiệm rồi bắt tay chuyển thể. Đây chính là kịch bản đầu tay của tôi. Tôi nói với Huệ, anh sẽ chuyển tải nguyên nội dung cuốn tiểu thuyết không thêm bớt. Kịch bản được hoàn thành rất nhanh chỉ sau ít ngày. Thấy lâu lâu kịch bản không được sản xuất, tôi hỏi thì Huệ bảo, kịch bản này căng thẳng, rất khó duyệt, chưa chắc đã vào được.

Phải đến năm 1997, khi Nguyễn Thị Thu Huệ và tôi đều chuyển về Hãng phim Truyền hình Việt Nam, thì kịch bản mới được đưa vào sản xuất, phát sóng sau rất nhiều trúc trắc, khó khăn, trở ngại và cả những thách thức không nhỏ. Đó chính là phim “Chuyện làng Nhô”, một bộ phim gây cho ê kíp sản xuất nhiều hệ lụy từ rất nhiều phía cho đến tận bây giờ. Ngay ở khâu trình duyệt đã đủ vất vả. Tôi nhớ, sát ngày quay vẫn phải sửa kịch bản theo phê duyệt. Huệ bảo anh ở lại cơ quan cố gắng giúp em đi. Biết tính tôi hay nhậu, Huệ cho mang thức uống nhốt tôi trong phòng rồi đến bữa cử chính đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo mang cơm rượu cho tôi. Mờ mắt sáng đêm mới xong. Việc này, tôi biết tính Huệ rất chu đáo với cộng tác viên. Tôi còn biết, vì khát kịch bản, có lần Nguyễn Thị Thu Huệ phải thuê từ nhà trọ đến chu cấp ăn uống cho một nhà văn gấp rút hoàn thành kịch bản. Chuyện này, giờ nhắc lại, Huệ vẫn nhăn nhó, vố đó em lõm nặng, chả nước non gì với cái kịch bản ấy. Chuyện làm phim, việc đổ kịch bản là cơm bữa.

Một dạo, không rõ lý do, Huệ đang là trưởng phòng xin chuyển khỏi truyền hình, phiêu bạt không ít năm qua nhiều nơi, để rồi mấy năm gần đây lại quay trở về Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn liên quan đến phim truyện nhưng ở cương vị phó Ban thư ký biên tập.

Nguyễn Thị Thu Huệ trong một cuộc giao lưu sách và bạn đọc. (Ảnh sưu tầm)

Thấm thoắt, tôi đã về hưu được 3 năm, còn Nguyễn Thị Thu Huệ sinh năm 1966, thì cũng chỉ đôi năm nữa là hạ cánh. Huệ lâu rồi ít viết và mới đây in truyện ngắn “Tiệc trộm”. Tôi thật sự sửng sốt về truyện ngắn độc đáo này. Huệ thích thú trước lời khen chân thành của tôi. Bảo, có lẽ em buông hết để viết được gì thì viết anh ạ. Tôi nói anh không nịnh đâu cô viết đi kẻo phí lắm, đời người đâu có dài. Đúng anh ạ, em sẽ buông dần mọi thứ để dành thời gian viết.

Buông gì không biết, người đàn bà đơn thân nuôi hai con trai phương trưởng, giờ đã thành bà nội, vẫn chất trên vai những gánh nặng trách nhiệm. Một Nguyễn Thị Thu Huệ công chức mẫn cán trong vai trò phó ban của VTV và một nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, rồi bây giờ là trong Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, có cái gì đó trái ngược với người đàn bà xinh đẹp ngoài năm mươi tuổi, mắt vẫn sắc lịm hút hồn, như là ái ngại..../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top