Aa

Người văn khác biệt

Thứ Sáu, 14/05/2021 - 07:00

Ngoài đời, khác với những gì dữ dằn trong tiểu thuyết, một Nguyễn Phúc Lộc Thành hiền lành, thậm chí bẽn lẽn trong giao tiếp, gợi cho ta những cảm nhận mâu thuẫn về cái định đề “văn là người” vốn đang tồn tại.

Tôi thích gọi Nguyễn Phúc Lộc Thành là một nhà văn hơn, dù ở anh, cả văn và thơ, đều là những thành tựu xuất sắc rất khó so bì. Hơn thế, anh còn là một doanh nhân tầm cỡ. Ở lĩnh vực này, cũng hệt như văn chương, doanh nhân Nguyễn Phúc Thành (bớt đi tên đệm Lộc) có một lối đi riêng, không lẫn vào ai. Hiếm người dám đánh cược sự nghiệp của mình bằng cách chọn một lối đi không sa vào đường mòn của người đi trước. Nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chọn đúng. Cái đúng trong chừng mực nào đó đồng nghĩa với sự thành công. Và tôi gọi anh là người văn khác biệt. Một sự khác biệt tựa như đa mang để đèo bòng về cho anh những thành công trên nhiều phương diện không phải ai cũng đạt được. Chuyện đó nói sau.

Năm 1994, văn đàn Việt xôn xao bởi cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của một tác giá trẻ là học viên trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 (1993-1997) có cái tên rất lạ, Nguyễn Phúc Lộc Thành. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh. Sự xôn xao không phải vì tác giả trẻ mà chính ở nội dung và cách thức biểu đạt nghệ thuật của nó. Sau bộ 3 tiểu thuyết đình đám của năm 1991 với “Nỗi buồn chiến tranh” - Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” - Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” - Dương Hướng, văn học Việt im ắng hẳn ở lĩnh vực tiểu thuyết. “Cõi nhân gian” xuất hiện chưa đủ vượt tầm những đỉnh cao tiểu thuyết kia nhưng đã khuấy động, làm sôi nổi không khí đang trầm lắng. 

“Cõi nhân gian” được độc giả và giới văn chương, đặc biệt là các nhà phê bình, đón nhận nhiệt liệt. Điều gì khiến cuốn tiểu thuyết được chấp nhận ở một môi trường vốn nghiệt ngã như văn chương, nhất là với một tác giả xuất hiện lần đầu và còn rất trẻ? Xin thưa đó là một bút pháp hiện đại không trần thuật miêu tả mà cắt lớp, bóc lõi với thứ chữ nghĩa tửng tưng xộc thẳng vào vùng đáy xã hội không chút e dè, kiêng nể. Một xã hội dưới đáy với những sự tàn độc tận cùng của giới tội phạm được cả xã hội lẫn văn học gọi là “xã hội đen” được Nguyễn Phúc Lộc Thành lột tả trần trụi.

 

 

Cái tên “Cõi nhân gian” gói gọn đủ đầy cái xã hội ấy bằng chính tầm tư tưởng của tác giả. Vượt lên cái ác, cái xấu, cái tàn độc của những tội ác tận cùng, là những chân dung của cái thiện, cái tốt lấp lánh của phần “người” thiên lương, lý tính lấn át đẩy lùi và chiến thắng phần “con” bản năng. Sự hoàn lương, sự hướng thiện của con người của xã hội luôn là cái đích hướng đến của văn học nhưng sẽ còn công hiệu hơn nếu nhà văn làm được một công cuộc biến cải. “Cõi nhân gian” chạm đến được sự biến cải ấy và chính điều đó làm nên tầm của tác phẩm.

Tôi đọc “Cõi nhân gian” đầy hứng thú và ấp ủ, sẽ làm một bộ phim truyện từ tiểu thuyết này. Tôi gặp Nguyễn Phúc Lộc Thành đầy tâm đắc. Thật đáng tiếc, ở thời điểm ấy đang thịnh hành dòng phim hậu chiến và tình cảm tâm lý theo lối mỳ ăn liền, nên “Cõi nhân gian” với sự phô bày tận cùng cả đỉnh lẫn đáy của tội ác không được chấp nhận.

Ngoài đời, khác với những gì dữ dằn trong tiểu thuyết, một Nguyễn Phúc Lộc Thành hiền lành, thậm chí bẽn lẽn trong giao tiếp, gợi cho ta những cảm nhận mâu thuẫn về cái định đề “văn là người” vốn đang tồn tại. Tiếp xúc với người văn này, ai cũng đều nhận ra vẻ hiền lành, chân chất của một người có nền tảng giáo dục gia đình truyền thống. Thành quý người, mến tài và biết liên tài. Anh đối đãi tốt với mọi người và cũng sòng phẳng, công bằng nhận lại những gì mình đáng được hưởng. Một mẫu người hiện đại có lẽ phải là như thế. 

Có những thí dụ sinh động về chuyện này. Nhà giáo Phạm Hậu, một người họ hàng của tôi công tác ở trường Nguyễn Du. Khi thày về hưu, hoàn cảnh không được dư dả, Nguyễn Phúc Lộc Thành đón ông về công tác tại công ty của mình với vai trò phó giám đốc phụ trách đối ngoại, tổ chức hành chính. Tình thày trò giờ là tình đồng nghiệp, đã gắn bó hai người nhiều năm trong công việc và nghĩa tình. Lần họp họ nào gặp nhau ở quê, ông cũng xuýt xoa, thằng Thành nó tốt, nó tốt... Riêng với tôi, không quá gần gụi nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn luôn hướng sự quan tâm đến. Năm 2017, tôi bị tai nạn gẫy chân nằm nhà vài tháng, vợ chồng Thành xuất hiện thăm hỏi sau nhiều năm không gặp gỡ khiến tôi thật sự bất ngờ và quá đỗi cảm động. Bày tỏ điều này, Thành chỉ bảo, em vẫn vẫn luôn dõi theo những bước đi của anh. Chao ôi, cái tình nghĩa văn chương nó như thế đấy, âm thầm nhưng thật thấm thía. Mà cũng không chỉ riêng tôi, với nhiều người khác, anh luôn có cách xử sự như vậy. Có lần tôi đặt xe tải Thành Hưng đi thiện nguyện, biết mục đích, Thành bảo anh cho em ủng hộ không lấy tiền xe. Tôi biết Thành cùng doanh nghiệp đã ủng hộ rất nhiều chuyến xe cho những mục đích tương tự.

Cũng bởi cách sống luôn nghĩ đến người khác nên khi có việc gì đó, anh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực. Khi Nguyễn Phúc Lộc Thành ra bộ thi phẩm lục bát đồ sộ “Giấc mơ sông Thương”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã vẽ tặng hẳn bộ tranh sơn dầu 18 cái để minh họa cho tuyển tập thơ. Việc này khiến Nguyễn Phúc Lộc Thành rơi nước mắt vì hạnh phúc. 

Sau “Cõi nhân gian” hai năm, Nguyễn Phúc Lộc Thành cho ra mắt tiếp theo tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy” với những truyện ngắn vẫn sắc sảo trực diện nhưng đa dạng đề tài hơn. Những tưởng đây sẽ là bệ phóng cho nhà văn trẻ này vút lên trên đường văn nghiệp thì lại là một sự khép lại không lý do, im lìm đằng đẵng suốt hai chục năm trời. 

Hai chục năm, từ 1996 đến 2016, nhiều người trong giới văn chương chỉ biết một Nguyễn Phúc Lộc Thành tài hoa phát tiết sớm đã rơi rụng như một ngôi sao băng sau những thành công ban đầu bằng sự im tiếng tuyệt đối. Chuyện nhà văn sao băng sau tác phẩm đầu vang dội không phải là cá biệt, thậm chí có thể nó còn là quy luật. Lý do Nguyễn Phúc Lộc Thành sớm rời bỏ văn nghiệp, ai cũng hiểu là do nhà văn chuyển sang làm kinh doanh. Anh đứng ra thành lập một hãng xe taxi tải, là mô hình vận chuyển đầu tiên của ngành vận tải. Hãng taxi tải Thành Hưng với những chiếc xe tải xinh xẻo ban đầu chạy trên đường phố Hà Nội gợi nhiều thú vị. Trải qua 20 năm phát triển, từ một hãng xe nhỏ ở Hà Nội, giờ đây Thành Hưng đã là một Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng lớn mạnh với hàng ngàn xe ta xi tải các loại, vận chuyển trong cả nước. 

Còn nhớ, một dạo, cũng trong lĩnh vực vận chuyển, Thành Hưng cho ra đời dịch vụ taxi gia đình rất ăn khách. Nếu từ ngày đó phát triển phần mềm điều khiển thì đây chính là mô hình vận tải kiểu như Grab bây giờ. Thành Hưng còn tham gia sản xuất rượu vang Đà Lạt và nhiều lĩnh vực khác. Liệt kê thế để thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành, dù chọn con đường riêng nhưng vẫn rất thành công trong vai trò doanh nhân.

Cũng phải đến khi Nguyễn Phúc Lộc Thành bắt đầu xuất hiện trở lại với văn chương năm 2016 bằng những bài lục bát lạ thách thức loại thể thơ khó nhằn số một này ở 36 bài trong “Giấc mơ sông Thương” thì lý do chính xác mới được anh tiết lộ. Cũng như văn xuôi, kinh doanh vận tải và bây giờ là thơ lục bát, Nguyễn Phúc Lộc Thành muốn mình phải có dấu ấn riêng biệt. Anh quan niệm cả viết lẫn kinh doanh đều phải khác người. Cái gì người khác đã làm mình làm không hay hơn họ thì thôi, stop. Sự dừng lại văn xuôi ở “Cõi nhân gian” và “Táo vàng tục lệ” là như thế. 

Với thơ lục bát “Giấc mơ sông Thương”, thì đó thật sự là một cuộc chơi tầm vóc. Khi bắt tay trở lại với thơ, Nguyễn Phúc Lộc Thành từ nhiệm chức vụ chủ tịch doanh nghiệp với tuyên bố ngừng việc kinh doanh, dành tâm sức thời gian cho thơ. Tôi vốn e ngại thơ về sự phức tạp của nó nên có đôi chút hoài nghi về lần trở lại này, thậm chí trong tôi có những suy nghĩ tiêu cực, hay là Thành đã đủ đầy mọi thứ rồi nên lấy thơ làm cuộc rong chơi như bao kẻ trọc phú có tiền có quyền khác. Cũng phải nói thêm, nếu là những người có quyền lực, tiền bạc, làm nghệ thuật, họ sẽ phải chịu thêm áp lực lớn từ soi xét của dư luận và đồng nghiệp về động cơ.

Nhưng không, chỉ sau một năm, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã hoàn thành xong 3 tập lục bát, mỗi tập 36 bài gồm “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều”, “Chân quê”. 3 tập thơ được Nguyễn Phúc Lộc Thành xuất bản chung trong một tuyển tập lấy tựa của tập đầu “Giấc mơ sông Thương”. Tuyển tập đồ sộ với 108 bài lục bát đã ra đời với sự độc đáo cả về hình thức lẫn nội dung, đúng như phương châm mà Nguyễn Phúc Lộc Thành lựa chọn. Phải riêng biệt và không giống ai.

Thì đấy, cả văn xuôi cả kinh doanh, lẫn thơ, đều đã đạt được tiêu chí ấy. Liệu người văn Nguyễn Phúc Lộc Thành còn có ý định khác biệt nào nữa không? Trước lúc viết chân dung này tôi gọi điện cho Nguyễn Phúc Lộc Thành để hỏi đôi điều về những dự định cũng như về cái tên ghép này của anh nhưng Thành không bắt máy. 

Có thể anh đang lại đi đến một vùng đất xa xôi nào đó với một ý định mới để bắt đầu một cuộc hành trình mới. Nếu có điều ấy tôi tin chắc rằng đó sẽ lại là một sự khác biệt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top